Năm 2020, Lạc Dương phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới

06:12, 16/12/2019

"Tranh thủ ngoại lực, phát huy nội lực" cùng các nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới là thuận lợi để Lạc Dương phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020.

“Tranh thủ ngoại lực, phát huy nội lực” cùng các nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) là thuận lợi để Lạc Dương phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020.
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương - Sử Thanh Hoài: Chương trình xây dựng NTM đã trở thành phong trào thiết thực trên toàn huyện và nhận được sự đồng thuận ủng hộ, tích cực hưởng ứng của người dân. Trong đó, vai trò chủ thể của người dân đã được phát huy qua phương châm của chương trình xây dựng NTM: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
 
Huyện Lạc Dương phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020. Ảnh: V.Hùng
Huyện Lạc Dương phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020. Ảnh: V.Hùng
 
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập
 
Với lợi thế về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng là thế mạnh để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, huyện Lạc Dương đã quan tâm đầu tư để phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, thu nhập bình quân đầu người không ngừng nâng lên (năm 2010 đạt 12 triệu đồng/người/năm, năm 2019 ước đạt 38 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo giảm đều qua từng năm (tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện còn 5,2%, trong đó, hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm 7,3%). Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM. 
 
Triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC), UBND huyện Lạc Dương tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên xuống địa bàn cơ sở hướng dẫn nông dân sản xuất theo đúng mùa vụ, kế hoạch, thực hiện tốt công tác phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Trong đó, chú trọng phát triển sản xuất ứng dụng CNC, đặc biệt xây dựng các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản. 
 
Ông Hoàng Xuân Hải - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lạc Dương cho hay, đến nay, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 8.878 ha, tập trung các cây trồng như: cà phê chủ yếu giống catimor với sản lượng trung bình 10.000 tấn/năm; rau các loại với sản lượng trung bình 155.716 tấn/năm; hoa khoảng 365,7 ngàn cành/năm; cây ăn quả 2.561 tấn/năm. Toàn huyện hiện có 738 ha sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt 225 triệu đồng/ha. Trong đó, diện tích trồng rau trong nhà kính đạt 500 - 800 triệu đồng/ha/năm, diện tích trồng hoa ước đạt 800 - 1.000 triệu đồng/ha/năm (có diện tích lên đến 2 tỷ đồng/ha/năm đối với hoa ly ly). 
 
Trên địa bàn huyện được phê duyệt 4 khu, 1 vùng quy hoạch sản xuất NNCNC; trong đó, có 1 khu NNCNC quốc gia được Thủ tướng phê duyệt với quy mô 221,32 ha. Hiện Lạc Dương thu hút hơn 28 doanh nghiệp, 10 hợp tác xã, 2 trang trại đầu tư sản xuất NNCNC, 25 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. 
 
“Thông qua các mô hình liên kết đã mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân như chi phí đầu vào giảm so với bên ngoài, chủ động trong khâu canh tác, sản xuất đồng loạt, hạn chế sự bấp bênh của giá bán các sản phẩm nông sản sau thu hoạch… Vì vậy, nông dân yên tâm sản xuất, hỗ trợ lẫn nhau về nguồn lực và chia sẻ rủi ro trong quá trình sản xuất, qua đó tăng chất lượng và giá trị sản phẩm”, ông Hải khẳng định.
 
Nỗ lực hoàn thành huyện nông thôn mới 
 
Kết quả huy động nguồn lực xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2019 của huyện Lạc Dương với tổng vốn thực hiện 111.280 triệu đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp cho chương trình 72.885 triệu đồng; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình dự án khác 24.506 triệu đồng; vốn tín dụng 8.000 triệu đồng; vốn doanh nghiệp, dân đóng góp 5.889 triệu đồng. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, trên địa bàn huyện không có tình trạng nợ đọng vốn xây dựng cơ bản. 
 
Đến nay, huyện Lạc Dương có 3/5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. 
 
Huyện đã hoàn thiện đề án xây dựng huyện Lạc Dương đạt chuẩn NTM vào năm 2020. UBND các xã đã xây dựng đề án xã đạt chuẩn NTM, trong đó, xã Đạ Sar đang triển khai xây dựng đề án NTM kiểu mẫu, thị trấn Lạc Dương có đề án xây dựng và phát triển đô thị đạt chuẩn đô thị văn minh trên cơ sở vận dụng Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2017 - 2021.
 
Kết quả thực hiện tiêu chí huyện NTM trên địa bàn huyện qua rà soát theo Quyết định 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổng số tiêu chí đã đạt 5/9 tiêu chí, tỷ lệ 55%. Trong đó, các tiêu chí đạt gồm: quy hoạch, điện, sản xuất, an ninh trật tự, chỉ đạo xây dựng NTM; các tiêu chí chưa đạt: giao thông, thủy lợi, y tế - văn hóa - giáo dục, môi trường. 
 
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, xây dựng huyện Lạc Dương trở thành huyện NTM phát triển toàn diện bền vững và được UBND tỉnh công nhận là huyện đạt chuẩn NTM, theo Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, địa phương tập trung thực hiện một số nội dung và giải pháp trọng tâm. Trong đó, hoàn thiện các kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp; tập trung phát triển hệ thống giao thông đồng bộ từ huyện đến xã, từ xã đến thôn; triển khai đầu tư và hoàn thiện các công trình thủy lợi trọng điểm cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân; tập trung đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất để các trường học trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia; tiếp tục duy tu, bảo dưỡng và xây dựng hệ thống cơ sở vật chất văn hóa tại các xã, thị trấn; tổ chức sản xuất theo hướng trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, hình thành và hoàn thiện các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của địa phương; thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; triển khai thực hiện Đề án cảnh quan bền vững huyện Lạc Dương, chú trọng bảo vệ sinh thái gắn với phát triển kinh tế - xã hội... 
 
VIỆT HÙNG