Nhiều cách làm hay, sáng tạo trong phong trào thi đua cụm Tây Nguyên

05:02, 11/02/2020

Rất nhiều cách làm hay, mới, sáng tạo, hiệu quả của từng địa phương trong cụm thi đua Tây Nguyên được ghi nhận...

Rất nhiều cách làm hay, mới, sáng tạo, hiệu quả của từng địa phương trong cụm thi đua Tây Nguyên được ghi nhận. Tất cả đều hướng đến huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong củng cố, xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội. 
 
Các tỉnh Tây Nguyên tham dự giao ban cụm thi đua các tỉnh Tây Nguyên dưới sự chủ trì của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Các tỉnh Tây Nguyên tham dự giao ban cụm thi đua các tỉnh Tây Nguyên dưới sự chủ trì của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
 
Nhìn lại năm 2019, tình hình các tầng lớp nhân dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai cơ bản ổn định. Nhân dân phấn khởi trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng - an ninh được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố và phát huy. Công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người nghèo, đồng bào DTTS, người cao tuổi được quan tâm, thực hiện. Nhân dân tin tưởng và kỳ vọng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng - lãng phí, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, chính quyền phục vụ Nhân dân.
 
Tuy nhiên, năm qua diễn biến thời tiết phức tạp, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ở người, cây trồng, vật nuôi bùng phát như dịch sốt xuất huyết, Corona, dịch tả lợn châu Phi xảy ra làm tổn hại lớn về kinh tế. Tình trạng rác thải, ô nhiễm môi trường, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh còn xảy ra ở nhiều nơi đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tư tưởng của Nhân dân. Tình trạng khai thác khoáng sản tài nguyên rừng, cát, đá... còn xảy ra. Vấn nạn hoạt động tín dụng đen còn diễn ra ngang nhiên, gây băn khoăn lo lắng cho người dân, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại các địa phương Tây Nguyên. 
 
Đồng hành vận động, thuyết phục, giải quyết các vấn đề nóng, nổi cộm trong một năm qua, nhìn chung, hoạt động thi đua trên các lĩnh vực đời sống xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) 5 tỉnh Tây Nguyên đã được UB Trung ương MTTQ Việt Nam ghi nhận đánh giá rất cao. Các tỉnh đã bám sát chương trình phối hợp và thống nhất hành động, các văn bản hướng dẫn của Trung ương MTTQVN gắn với mục tiêu, nhiệm vụ cấp ủy, chính quyền địa phương. Chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp với các tổ chức thành viên và chính quyền tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tập hợp và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc các dân tộc tại Tây Nguyên. Các địa phương không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tăng cường công tác tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền mở rộng hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên, phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo.
 
Trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, UBMTTQ các tỉnh Tây Nguyên đã phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của Nhân dân, triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. 
 
Các tỉnh đều có cách làm mới trong phương pháp vận động, đổi mới nội dung nên đã phát huy mạnh mẽ hiệu quả thực hiện 5 nội dung chính của cuộc vận động. Điển hình như Lâm Đồng đã tập trung triển khai xây dựng mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu”, “Khu dân cư tiêu biểu”. Kết quả có 12 huyện, thành phố trong tỉnh đã xây dựng 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 13 xã xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn nâng cao, 559 thôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu”. Năm qua, đã thẩm định, công nhận, trao bằng cho 157 khu dân cư kiểu mẫu cấp huyện và 54 khu dân cư kiểu mẫu cấp tỉnh. Đến nay 100% khu dân cư đều có mô hình tự quản hoạt động rất hiệu quả. Kết quả đến hết năm 2019 có 99/116 xã và 4 huyện, thành phố hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
 
Tại Đắk Nông, MTTQ và các tổ chức thành viên đã huy động được hơn 10 tỷ đồng đóng góp từ Nhân dân và vận động hiến được hơn 150 ngàn mét vuông đất phục vụ xây dựng các công trình an sinh xã hội. Các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp hơn 3 ngàn ngày công, giúp đỡ được 2 ngàn hộ nghèo, xây dựng 49 mô hình giúp nhau giảm nghèo bền vững. Tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện xây dựng Làng nông thôn mới kiểu mẫu tại làng Brel, xã Biển Hồ và làng Wâu - xã Chư Á - thành phố Pleiku. Đắk Lắk duy trì 3 mô hình cấp xã tại huyện Ea kar, huyện Krông Bông và huyện Lăk; xây dựng mới 2 mô hình tại xã Ea Lai, huyện M’Đrăk và xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn. Nhân dân trong tỉnh đã ủng hộ gần 80 tỷ đồng vào chương trình xây dựng nông thôn mới, Nhân dân hiến tặng 6.774 m2 đất, trên 7 ngàn ngày công lao động để xây dựng các tuyến đường nông thôn mới.
 
MTTQ các tỉnh đã huy động vận động được nguồn kinh phí lớn cho Quỹ “Vì người nghèo” để chăm lo xây dựng nhà Đại đoàn kết, giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng đã vận động được trên 12 tỷ đồng vào Quỹ “Vì người nghèo” để xây mới 997 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo năm 2019. Tỉnh Kon Tum vận động được 26,5 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 315 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trong tỉnh. Gia Lai huy động được 9,8 tỷ đồng xây mới 188 căn nhà đại đoàn kết. Đắk Lắk vận động được 32 tỷ đồng xây dựng 218 căn nhà cho hộ nghèo. Đắk Nông vận động được 3,5 tỷ đồng xây dựng 64 căn nhà đại đoàn kết, giúp các hộ nghèo có nhà ở để an cư lập nghiệp, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. 
 
Ngoài ra, còn nhiều hoạt động giám sát của UBMTTQ các tỉnh Tây Nguyên cũng đã có nhiều nội dung phù hợp, đi vào giám sát hiệu quả những nội dung mà Nhân dân quan tâm. 
 
Điển hình như Lâm Đồng giám sát về thu gom, xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế và rác thải nông nghiệp liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường và được Nhân dân đánh giá cao, có nhiều chuyển biến tích cực sau giám sát. Kon Tum giám sát về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đắk Nông thực hiện giám sát về quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện chính sách cho người lao động tại Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, BQL rừng phòng hộ... Gia Lai thực hiện giám sát về nội dung trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Đắk Lắk giám sát về kết quả bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân... Đa số các nội dung được MTTQ giám sát đều tạo sự chuyển biến tích cực từ lĩnh vực được giám sát và nhận được sự đồng tình trong Nhân dân.
 
Phát biểu về những kết quả trong cách làm mới, sáng tạo của MTTQ các tỉnh Tây Nguyên, đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của UBMTTQVN các tỉnh Tây Nguyên và các tổ chức thành viên đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, động viên Nhân dân tham gia tích cực các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước gắn với đặc điểm từng địa phương. Qua đó, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, nhất là trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”. Kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng diễn biến trong Nhân dân để có tham mưu cấp ủy giải quyết các vấn đề phát sinh tại cơ sở, qua đó tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Vị thế của MTTQVN các cấp ngày càng được nâng lên và được Bộ Chính trị đánh giá MTTQVN đã khẳng định rõ vai trò quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Trong thời gian tới, đề nghị MTTQ các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục phát huy thế mạnh, duy trì các mô hình mới, cách làm hay và sáng tạo để tạo hiệu quả rõ nét trong tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó tập trung phát huy vai trò “Dân làm chủ thông qua MTTQ”.
 
NGUYỆT THU