Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ cách mạng mang cốt cách hiền triết phương Đông

06:05, 17/05/2020

Vốn tri thức, văn hóa của dân tộc Việt Nam và của thế giới được tích hợp một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên trong con người Hồ Chí Minh, tạo nên nhân cách của một vị lãnh tụ cách mạng mang cốt cách hiền triết phương Đông. Đó chính là yếu tố làm nên sự khác biệt giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với các lãnh tụ cách mạng khác.

Vốn tri thức, văn hóa của dân tộc Việt Nam và của thế giới được tích hợp một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên trong con người Hồ Chí Minh, tạo nên nhân cách của một vị lãnh tụ cách mạng mang cốt cách hiền triết phương Đông. Đó chính là yếu tố làm nên sự khác biệt giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với các lãnh tụ cách mạng khác. 
 
Nhân cách của vị lãnh tụ cách mạng mang cốt cách hiền triết phương Đông ở Chủ tịch Hồ Chí Minh được biểu hiện một cách sinh động, đa dạng, phong phú trong suốt cuộc đời của Người. Trong khuôn khổ bài viết này, xin chỉ điểm qua một số khía cạnh để minh chứng cho vấn đề nêu trên.
 
Trước hết, Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo tư tưởng “Đức trị” và “Pháp trị” trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đức trị là học thuyết chính trị chủ trương “điều hành chính sự bằng đạo đức”; Khổng Tử cho rằng: “Cai trị dân mà dùng đạo đức, đưa dân vào khuôn phép mà dùng lễ thì dân sẽ biết liêm sỉ và thực lòng quy phục”. Còn “Pháp trị” có ý nghĩa là dùng pháp luật để cai trị, pháp luật được coi là công cụ của Nhà nước; đó là là “sự cai trị của pháp luật” (sáng tạo của người Anh) và “sự cai trị bằng pháp luật” (sáng tạo của người Trung Hoa). Bằng sự nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn của nhiều nhà nước trên thế giới, trên nền tảng văn hóa truyền thống cùng lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo các học thuyết về nhà nước, đặc biệt là học thuyết Mác - Lênin để hình thành tư tưởng về Nhà nước pháp quyền mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh với tính ưu việt và tính chất nhân văn sâu sắc. Quan điểm về Nhà nước pháp quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh có thể gói gọn trong 4 nội dung chủ yếu, đó là: (I) Nhà nước pháp quyền phải là nhà nước dân chủ, của dân, do dân và vì dân; (II) Nhà nước pháp quyền phải là một nhà nước tôn trọng pháp luật, được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; (III) Nhà nước pháp quyền kiểu mới phải là nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu quả, phải khắc phục được những căn bệnh cố hữu của các nhà nước kiểu cũ; (IV) Nhà nước pháp quyền Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc rộng rãi.
 
Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền Việt Nam là sự thống nhất, hài hòa và biện chứng giữa “Đức trị” và “Pháp trị”; đó là hai mặt của một thể thống nhất, không tách rời nhau. Điều này cho thấy, Hồ Chí Minh vừa coi trọng đạo đức và giáo dục đạo đức, vừa rất mực đề cao vai trò, sức mạnh của luật pháp trong xây dựng Nhà nước pháp quyền. Người chỉ rõ: “Luật pháp phải dựa vào đạo đức”. Như vậy, “Phép trị nước” của Hồ Chí Minh là kết hợp cả “Pháp trị” và “Đức trị”, trong đó “Pháp trị” là nghiêm minh và “Đức trị” là bao dung, độ lượng; giữa chúng không loại trừ nhau mà thống nhất, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Vì vậy, việc đề cao “Đức trị” hay “Pháp trị” trong xây dựng Nhà nước pháp quyền đều mang tính phiến diện, không đầy đủ. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa “Đức trị” và “Pháp trị” trong xây dựng Nhà nước pháp quyền của Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt các học thuyết, nhất là học thuyết Mác - Lênin để mở rộng và nâng tầm ý nghĩa cho phù hợp với những yêu cầu của thực tiễn cách mạng Việt Nam.
 
Sở dĩ Chủ tịch Hồ Chí Minh thống nhất, hài hòa và biện chứng giữa “Đức trị” và “Pháp trị”, bởi Người được sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, thấm nhuần tư tưởng Nho giáo tiến bộ coi dân là gốc; dân là quý nhất, thứ nhì là xã tắc, cuối cùng mới đến vua, nên đã tìm thấy trong học thuyết “Đức trị” những yếu tố tích cực và tiếp nhận với tinh thần rộng mở, không định kiến, không cố chấp. Bài học về sự kết hợp thống nhất, biện chứng giữa “Đức trị” và “Pháp trị” trong xây dựng nhà nước kiểu mới của Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị; là kim chỉ nam, là nguyên tắc cơ bản và phương pháp luận quan trọng mà chúng ta cần quán triệt để vận dụng sáng tạo trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân ở Việt Nam hiện nay.
 
Thứ hai, kế thừa Khổng học, biết chắt lọc các tinh hoa và đặt vào hoàn cảnh của một đất nước phải tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lược, xây dựng đời sống mới, Hồ Chí Minh đã xây dựng hệ thống “Ngũ thường” mới cho dân tộc Việt Nam. “Ngũ thường” mới theo Hồ Chí Minh bao gồm: “Nhân” là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. “Nhân” còn bao hàm “Tận trung với nước, tận hiếu với dân”... “Nghĩa” là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng, vì theo Bác ngoài lợi ích của Đảng, không có gì lợi ích cho riêng tư, việc gì Đảng giao phải hết sức cẩn thận, không sợ phê bình và phê bình người khác phải đúng đắn. “Trí” vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng... “Dũng” là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ, khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại vinh hoa, phú quý không chính đáng. “Liêm” là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình... Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Bác Hồ không chỉ nêu ra những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức cách mạng về "nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm mà điều rất quan trọng, rất thuyết phục là chính Người là hiện thân của những phẩm chất đó để chúng ta học tập. Nếu như Ngũ thường của Nho giáo hướng vào “Trung hiếu” hạn hẹp, thì Ngũ thường của Hồ Chí Minh lại hướng vào lợi ích của đất nước, Nhân dân, cách mạng: “Trung với nước, hiếu với dân” và Người xác định đó là đạo đức cách mạng. Rõ ràng, Hồ Chí Minh đã đưa khái niệm "Trung - Hiếu" vốn là các khái niệm sâu đậm trong tâm thức người Việt Nam đến một chất mới phù hợp với chế độ mới. 
 
Thứ ba, nét đặc sắc của nhà hiền triết phương Đông ở Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện ở khía cạnh triết lý nhân sinh, tấm lòng yêu nước, thương nòi, yêu dân, yêu con người một cách nồng nhiệt mà còn dạt dào tình cảm yêu thiên nhiên, hòa mình, gắn bó với thiên nhiên một cách đằm thắm, gần gũi. Tình yêu thiên nhiên của Bác khác xa với tình yêu thiên nhiên của các bậc tiền bối, của các nhà thơ xưa, bởi tình yêu ấy luôn gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Người tìm thấy trong thiên nhiên và coi thiên nhiên như một người bạn tâm tình, người bạn tri ân, người bạn chiến đấu, luôn cổ vũ, chia sẻ buồn vui. Vì vậy, dù bất kỳ hoàn cảnh nào, mối quan hệ của Người với thiên nhiên luôn ở trạng thái tâm hồn thanh thản, tỉnh táo, ung dung tự tại: “Trong tù không rượu cũng không hoa/Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ/Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”. Điểm khác biệt ở Hồ Chí Minh là cảm xúc trước vẻ đẹp của thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên nhưng không bao giờ lơ là nhiệm vụ cách mạng. Vì vậy, thiên nhiên trong thơ của Bác thấm đượm triết lý chính trị cách mạng, là người bạn luôn chứng kiến và chia sẻ với công việc của Bác: “Xem sách, chim rừng vào cửa đậu/Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi/Tin vui thắng trận dồn chân ngựa/Nhớ cụ, thơ xuân tặng một bài”; hoặc “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa/Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ/Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”... 
 
Mấy điều trên đây cũng đủ minh chứng phẩm chất, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự khác biệt so với các nhà lãnh đạo cách mạng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Sự khác biệt đó do Người đã hấp thụ được truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là tài sản vô giá, là những giá trị thiết yếu trong hệ giá trị Việt Nam, hết sức có ý nghĩa không chỉ đối với mọi người Việt Nam, mà còn cả với vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Vì vậy, chúng ta cần phải hết sức trân trọng, nghiêm túc học tập, nghiên cứu và vận dụng vào việc xây dựng chiến lược con người, chiến lược về phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trước bối cảnh toàn cầu hóa và đi vào nền kinh tế tri thức.
 
NHÂN LINH