5 năm phát triển sự nghiệp y tế

06:06, 11/06/2020

Ngành Y tế Lâm Đồng thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X giao và Nghị quyết số 145/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. 

Ngành Y tế Lâm Đồng thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X giao và Nghị quyết số 145/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. 
 
Các bác sĩ đang thực hiện kỹ thuật ERCP - nội soi mật tụy ngược dòng tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng dưới sự chỉ huy của GS Trịnh Đình Hỷ (Pháp)
Các bác sĩ đang thực hiện kỹ thuật ERCP - nội soi mật tụy ngược dòng tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng dưới sự chỉ huy của GS Trịnh Đình Hỷ (Pháp)
Cụ thể đấy là, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2020 ước đạt 1,02%; tỉ lệ xã, phường đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế chiếm 97,3% (kế hoạch giao 80%); có 7-8 BS/vạn dân; tỉ lệ người dân tham gia BHYT năm 2019 đạt 87,3% (kế hoạch giao 75-80%).
 
Tinh gọn tổ chức bộ máy
 
Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 và Kế hoạch số 49-KH/TU của Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Sở Y tế Lâm Đồng đã tổ chức sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc từ 41 đơn vị đã giảm 17 đơn vị. Cụ thể: Sáp nhập 12 Trung tâm Dân số - KHHGĐ tuyến huyện vào Trung tâm Y tế các huyện, thành phố; sáp nhập 5 đơn vị (gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe) thành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh. Ngoài ra, sáp nhập Trung tâm Tư vấn đầu tư xây dựng cơ bản của ngành Y tế vào Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Lâm Đồng.
 
Hiện còn 24 đơn vị thuộc ngành Y tế Lâm Đồng, trong đó có 12 đơn vị tuyến tỉnh gồm: 3 cơ quan quản lý nhà nước (Sở Y tế, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh); 1 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh; 2 đơn vị chuyên ngành (Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm, Trung tâm Pháp y); 6 bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng, Bệnh viện YHCT Bảo Lộc, Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh viện Nhi Lâm Đồng). Tuyến huyện có 12 đơn vị là 12 Trung tâm Y tế huyện, thành phố; các Trung tâm Y tế huyện, thành phố quản lý 23 phòng khám đa khoa và nhà hộ sinh khu vực, 142 trạm y tế. Các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn quản lý 1.592 nhân viên y tế thôn bản, tổ dân phố (đạt 100% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế).
 
Năm 2020, toàn ngành có 4.796 cán bộ y tế, tăng 5,3% so với năm 2011 là 4.556 người; tỉ lệ bác sĩ/vạn dân tăng từ 7 (năm 2016) lên 7,8; tỉ lệ dược sĩ đại học/vạn dân từ 0,7 lên 0,9.
 
Thực hiện cơ bản đạt các chỉ tiêu chuyên môn
 
Công tác y tế dự phòng, phòng chống các bệnh xã hội và dịch bệnh nguy hiểm được triển khai đồng bộ; không để xảy ra các vụ dịch lớn, khống chế và hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc và chết do dịch bệnh lưu hành tại địa phương như: sốt rét, sốt xuất huyết, cúm A. Đặc biệt, đầu năm 2020, ngành Y tế đã chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID-19, đã thực hiện cách ly 913 người. Từ ngày 4/5 đã hoàn thành cách ly 100% trường hợp theo quy định và không có ca bệnh COVID-19 xâm nhập vào địa bàn tỉnh. 
 
Đến nay, ngành Y tế Lâm Đồng đã triển khai thực hiện và cơ bản đạt được các chỉ tiêu Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020, cụ thể: Tỉ lệ bệnh nhân mắc lao/100.000 dân là 45; tỉ lệ bệnh phong lưu hành dưới 0,02/10.000 dân, 100% bệnh nhân phong tàn tật được chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng. Không để dịch sốt rét xảy ra, không có ca tử vong do sốt rét, tỉ lệ mắc sốt rét trên 1.000 dân là 0,13. Không có ca tử vong do bệnh sốt xuất huyết, tỉ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết trên 100.000 dân là 90. Có 100% xã, phường triển khai quản lý bệnh nhân tâm thần phân liệt và bệnh nhân động kinh; 100% bệnh nhân được quản lý, điều trị, phục hồi chức năng tại cộng đồng. Tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng là 0,1%, có 90% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết được tình trạng nhiễm HIV của mình và 90% người nhiễm HIV diện quản lý được điều trị ARV. Triển khai quản lý các chương trình phòng chống ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường, các rối loạn do thiếu I ốt, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, y tế học đường. Tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi duy trì trên 95% và giám sát chặt chẽ các bệnh lý trong chương trình tiêm chủng trên địa bàn toàn tỉnh. 
 
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
 
Đến nay, tỉ lệ giường bệnh trên dân số tại Lâm Đồng đạt 23 giường/vạn dân, trong đó giường bệnh công lập là 2.849 giường (chiếm 93,4%), giường bệnh tư nhân là 200 giường (chiếm 6,6%). Đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh tại các tuyến, hàng năm đạt và vượt các chỉ tiêu chuyên môn. Triển khai chế độ luân phiên cán bộ y tế tuyến trên về tuyến dưới theo Đề án 1816, đề án bệnh viện vệ tinh, nhờ đó giúp các bệnh viện trong tỉnh phát triển nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải cho tuyến trên, giảm chi phí cho bệnh nhân. Hiện nay, tại tỉnh đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao như: can thiệp tim mạch, can thiệp mạch não; đặt máy tạo nhịp; thay khớp háng, nội soi khớp gối và khớp vai; phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, chèn ép tủy, kỹ thuật điều trị tiêm giảm đau cột sống dưới Xquang tăng sáng, phẫu thuật cột sống…
 
Từ năm 2016 đến tháng 4/2020, thực hiện chính sách hỗ trợ một phần chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo, người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo trên địa bàn tỉnh cho 10.971 lượt bệnh nhân với tổng kinh phí hơn 42,5 tỷ đồng.
Các bệnh viện đã triển khai công tác quản lý chất lượng bệnh viện, kết quả thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về quản lý chất lượng bệnh viện có xu hướng tăng điểm qua từng năm. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế đã giúp tăng tỉ lệ hài lòng của người bệnh nội trú và ngoại trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện. Có 100% trạm y tế được trang bị gói thiết bị chăm sóc cơ bản theo nhu cầu thực tế đủ điều kiện triển khai mô hình bác sĩ gia đình.
 
AN NHIÊN