Nỗ lực của ngôi trường ở vùng khó

06:08, 13/08/2020

Đóng chân trên địa bàn thôn vùng sâu của xã Mê Linh (huyện Lâm Hà), Trường TH&THCS Cill Cus với 95% là học sinh dân tộc thiểu số ở ba thôn Hang Hớt, Buôn Chuối và Cổng Trời...

Đóng chân trên địa bàn thôn vùng sâu của xã Mê Linh (huyện Lâm Hà), Trường TH&THCS Cill Cus với 95% là học sinh dân tộc thiểu số ở ba thôn Hang Hớt, Buôn Chuối và Cổng Trời. Vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị… thầy và trò nhà trường đã nỗ lực để đạt được những kết quả trong công tác dạy và học.
 
Khen thưởng cho học sinh đạt thành tích trong học tập năm học 2019 - 2020. Ảnh: Hồng Thắm
Khen thưởng cho học sinh đạt thành tích trong học tập năm học 2019 - 2020. Ảnh: Hồng Thắm
 
Trường TH&THCS Cill Cus được thành lập vào năm học 2019 - 2020 trên cơ sở sáp nhập điểm trường của Trường THCS Mê Linh và Trường Tiểu học Cill Cus. Với gần 350 học sinh, trong đó, 12 lớp cấp tiểu học và 4 lớp cấp THCS. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên 32 người, trong đó, 27 giáo viên.
 
Câu chuyện về ngôi trường đóng chân tại thôn Hang Hớt, cái tên thôi đã đủ hình dung về một vùng đất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn được thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Lâm chia sẻ trong sự trăn trở: Điều kiện kinh tế của nhiều gia đình học sinh còn khó khăn, các em phải tham gia lao động phụ giúp gia đình. Nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con em mình. Do đó, khó khăn nhất hiện nay của trường trong công tác giáo dục là việc vận động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu dạy - học và các hoạt động giáo dục như: Thư viện, thiết bị, phòng học bộ môn và sân tập thể dục thể thao.
 
Không những vậy, do địa bàn rộng, dân cư phân bố thưa nên ngoài điểm trường chính, trường còn có hai phân hiệu ở thôn Buôn Chuối và Cổng Trời, với mỗi phân hiệu hai lớp 1 và 2. Đó cũng là khó khăn trong việc nâng cao chất lượng dạy - học tập trung. Ngoài ra, trường còn thiếu một số vị trí việc làm như: Văn thư, Thiết bị, Y tế…
 
Hiểu được khó khăn của nơi mình công tác, cả người đứng đầu và đội ngũ giáo viên nhà trường luôn nỗ lực để cải thiện chất lượng giáo dục. Với đặc điểm học sinh vùng dân tộc, giáo viên nhà trường đã chú trọng tổ chức cho học sinh tìm hiểu, khám phá kiến thức, khuyến khích động viên học sinh chia sẻ, giúp đỡ nhau tìm hiểu kiến thức trong và ngoài giờ học. Cùng với đó, công tác giáo dục đạo đức, kĩ năng sống luôn được chú trọng thực hiện bằng nhiều biện pháp thông qua các tiết chào cờ đầu tuần, qua các tiết giảng trên lớp, các hoạt động ngoại khóa... để giúp học sinh tự tin và có những chuyển biến trong rèn luyện đạo đức, lối sống.
 
Để làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số, các thầy, cô giáo không quản ngại đường sá đi lại vất vả, đến tận từng nhà tuyên truyền, vận động để học sinh đến lớp. Ở trường, các thầy cô lại như người cha, người mẹ thứ hai của các em, khi thì trang bị cây bút, quyển vở, lúc lại đôi dép khi thấy đôi chân trần bé nhỏ… Và trong năm học 2020 - 2021 này, nhà trường đã mua sách giáo khoa lớp 1 Chương trình Giáo dục phổ thông mới để phát miễn phí cho tất cả học sinh khối lớp 1. Tất cả những tình cảm, trách nhiệm đó đã được đổi lại bằng sự tin tưởng của phụ huynh, sự quý mến của học sinh dành cho thầy cô giáo. Tỷ lệ duy trì sĩ số vì vậy mà được giữ vững với 100% học sinh tiểu học và trên 95% học sinh trung học cơ sở. 
 
Với những nỗ lực của thầy và trò, kết quả năm học 2019 - 2020, đối với giáo dục tiểu học, 95% học sinh hoàn thành chương trình lớp từ khối 1 - 5; 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học, trong đó, hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt đạt 19,10%. Đối với giáo dục trung học cơ sở, 14% xếp loại học lực khá, 67% xếp loại trung bình, 19% xếp loại yếu, không có loại kém; 81% học sinh lên lớp thẳng, xét tốt nghiệp 18 học sinh (tỷ lệ 100%), trong đó xếp loại khá 4 học sinh, loại trung bình 14 học sinh. Đối với giáo viên, nhà trường có 1 giáo viên tham gia hội thi nghiệp vụ sư phạm trẻ;  có 2 chiến sỹ thi đua cơ sở; 2 cá nhân được tặng giấy khen của UBND huyện Lâm Hà.
 
Đặc biệt, năm học 2019 - 2020 vừa qua là năm đầu tiên nhà trường có học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện. Đó là em K’Biệt - học sinh lớp 9, trong nụ cười bẽn lẽn em chia sẻ: “Đạt được kết quả này em rất vui. Lúc đầu em không tự tin để đi thi, nhưng được thầy cô động viên, hướng dẫn tận tình nên em đã cố gắng hết sức mình. Em mong sau này sẽ trở thành cô giáo để về dạy chữ cho các em nhỏ trong buôn làng”. 
 
“Tuy chỉ mới đoạt giải Khuyến khích nhưng đây là thành công ban đầu của nhà trường trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, đây lại là học sinh dân tộc thiểu số nên nhà trường tin rằng, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác giáo dục mũi nhọn bên cạnh nâng cao chất lượng đại trà”, thầy Hiệu trưởng phấn khởi cho hay. 
 
Những kết quả trên còn khiêm tốn so với các trường vùng thuận lợi. Nhưng đối với Trường TH&THCS Cill Cus thì đây lại là nền tảng ban đầu để nhà trường xếp dần những “viên gạch” xây nên tên tuổi của trường trong một ngày không xa.
 
VIỆT HÙNG