Đại học và vấn đề tự chủ

08:04, 28/04/2021

(LĐ online) - Đó là chủ đề hội thảo khoa học giữa các trường đại học, cao đẳng và tổ chức trên toàn quốc diễn ra chiều 28/4 do Trường Đại học Đà Lạt chủ trì. 

(LĐ online) - Đó là chủ đề hội thảo khoa học giữa các trường đại học, cao đẳng và tổ chức trên toàn quốc diễn ra chiều 28/4 do Trường Đại học Đà Lạt chủ trì. 
 
Các đại biểu theo dõi tham luận
Các đại biểu theo dõi tham luận
 
Tham gia hội thảo có ông Trần Việt Hùng - Nguyên Phó chánh Văn phòng Trung ưng Đảng; TS. Vũ Thanh Bình - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Môi trường, Bộ Giáo dục Đào tạo; ông Bạch Thanh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Phát triểncộng đồng; TS. Lê Minh Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt…, cùng nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đến từ các trường đại học, cao đẳng và tổ chức… 
 
Các đại biểu được nghe tham luận từ các diễn giả: TS. Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ với nội dung “Chuyển giao công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học công nghệ, chính sách với cán bộ khoa học công nghệ”; GS.TS. Trần Diệp Tuấn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam với nội dung “Nhu cầu và thực tiễn của việc kết hợp trường đại học và giới đầu tư, công nghiệp và công ty: Thách thức và cơ hội” và  ông Vũ Anh Tuấn - Kiểm toán viên quốc gia, Phó giám đốc Công ty Kiểm toán và Định giá Quốc tế với nội dung “Một số gợi ý về việc hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ và các giải pháp nâng cao công tác quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học”. 
 
Lãnh đạo Trường Đại học Đà Lạt chủ trì hội thảo
Lãnh đạo Trường Đại học Đà Lạt chủ trì hội thảo
 
GS.TS. Trần Diệp Tuấn đã phân tích bằng nhiều đồ hình khái quát và sinh động, cụ thể trong sự so sánh toàn cầu. Theo ông, sự hợp tác đại học với doanh nghiệp chính là quá trình từ 2 cốt lõi là tri thức và sáng tạo đến xã hội tri thức và kinh tế tri thức. Theo đó là các mối quan hệ hữu cơ giữa đại học và doanh nghiệp, các mô hình hợp tác… 
 
Tự chủ đại học là giao quyền “tự quyết và tự chịu trách nhiệm” về những hoạt động của mình. Theo đó, các trường cần thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ đủ mạnh để phân quyền và phân nhiệm; đảm bảo quá trình ra quyết định và thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn không chỉ với xã hội, với cán bộ, viên chức, với người học mà cả với các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó, quản lý tài chính đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính. Đây là vấn đề then chốt nhằm đảm bảo quá trình tự chủ và tự chịu trách nhiệm được thực hiện đầy đủ, khách quan, công bằng và minh bạch.
 
Ông Vũ Anh Tuấn cho rằng: Công tác quản lý tài chính trong các cơ sở giáo dục đại học theo cơ chế hiện hành vốn dĩ phức tạp, chứa đựng nhiều nội dung. Trong xu thế mở rộng tự chủ đại học, việc quản lý tài chính trong các cơ sở giáo dục đại học lại càng phức tạp và chứa đựng nhiều nội dung hơn. Khi quyền tự chủ của các các cơ sở giáo dục đại học được mở rộng, Nhà nước sẽ không can thiệp sâu vào các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ kể cả hoạt động tài chính mà chỉ thực hiện chức năng tạo ra khuôn khổ pháp lý cho công tác quản lý tài chính của các trường. Căn cứ vào khuôn khổ pháp lý của Nhà nước, các trường phải đưa ra các quyết định phù hợp để quản lý hoạt động tài chính của đơn vị mình và chịu trách nhiệm trước xã hội và nhà nước về những quyết định đó. Chính điểm khác biệt này, đặt ra yêu cầu cần phải hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ và nâng cao công tác quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học là cần thiết. Vì vậy, cần có những giải pháp hoàn thiện các công tác về quản lý nguồn thu, mức thu; quản lý sử dụng nguồn tài chính; nâng cao công tác quản lý kết quả tài chính và các quỹ trong năm và hoàn thiện công cụ quản lý tài chính. 
 
Các đại biểu thảo luận
Các đại biểu thảo luận
 
Hội thảo khép lại với những nhận định: Đổi mới và hội nhập trong lĩnh vực giáo dục; trong đó, có giáo dục đại học ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. Cơ chế tự chủ bước đầu đã tạo ra những thuận lợi cho các đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ sở giáo dục đại học được giao thêm quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch hoạt động, chủ động, linh hoạt trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư trong xã hội cho giáo dục. Tuy nhiên, việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học vẫn ở mức độ thấp và chưa đáp ứng yêu cầu. 
 
Kết luận hội thảo, lãnh đạo Trường Đại học Đà Lạt nêu lên các vấn đề hết sức ý nghĩa như: Tạo được hệ sinh thái khởi nghiệp trong nhà trường; kết nối giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp; tạo điều kiện vai trò của hội đồng giáo dục đại học và kiểm soát được tính minh bạch trong hoạt động của hội đồng. Hội thảo là định hướng tốt cho việc triển khai cơ chế “tự chủ, tự chịu trách nhiệm” của hệ thống các trường đại học công lập nói chung cũng như Trường Đại học Đà Lạt nói riêng triển khai thời gian tới...
 
MINH ĐẠO