Lớp học trong đêm (bài cuối)

06:04, 07/04/2021

Bắt đầu từ lớp học đầu tiên ở Đạ M'Bô (xã Liêng Sronh, huyện Đam Rông) vào năm 2012, đến nay, đã có 13 lớp học xóa mù chữ được Đoàn Kinh tế Quốc phòng Lâm Đồng tổ chức...

[links()]
 

Bài cuối: Mười năm miệt mài “gieo” chữ

 
Bắt đầu từ lớp học đầu tiên ở Đạ M’Bô (xã Liêng Sronh, huyện Đam Rông) vào năm 2012, đến nay, đã có 13 lớp học xóa mù chữ được Đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) Lâm Đồng tổ chức. 900 người biết đọc, biết viết chỉ là con số tương đối, nhưng những gì mà người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nhận được từ những lớp học này lại là điều không thể nào đong đếm hết được. Đó là trái ngọt của hành trình “gieo chữ” mà những người lính và đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện ở Đoàn KTQP Lâm Đồng đã miệt mài thực hiện suốt 10 năm qua. 
 
Lớp trưởng Thào Seo Nhà giúp thầy giáo bộ đội điểm danh lớp học ở Tiểu khu 179
Lớp trưởng Thào Seo Nhà giúp thầy giáo bộ đội điểm danh lớp học ở Tiểu khu 179
 
Dạy học kết hợp làm dân vận
 
Suốt những ngày làm công tác xóa mù ở Tiểu khu 179, Thiếu tá Nguyễn Trọng Thúy bảo rằng “thấy bà con đến lớp là niềm vui lớn nhất của bộ đội”. Bàn tay những người lính nay ngồi nắn nót từng con chữ với bảng đen, phấn trắng. Họ đến gần từng người dân, vừa dạy chữ vừa động viên: “Học chữ để đi thi bằng lái xe máy. Biết chữ rồi mới biết mua loại phân bón nào cho cà phê nhiều trái, bắp tốt tươi, bán được tiền để bớt đói nghèo”.
 
Thiếu tá Trọng Thúy và những người bộ đội vào thay phiên nhau ở lớp xóa mù ở Tiểu khu 179 vẫn đùa nhau rằng, họ là những người thầy không chuyên. Khi cả xã hội đang phát triển theo xu hướng 4.0, họ vẫn kiên trì bám thôn, bám dân và thực hiện 4 cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng lao động và cùng học tập để bà con đến gần hơn với con chữ. Có lẽ suy nghĩ ấy đã theo những người lính của Đoàn KTQP Lâm Đồng suốt 10 năm qua, với 13 lớp học trên những miền đất khó nhất thuộc vùng kinh tế Bắc Lâm Đồng.
 
Không kể hết được những khó khăn, nhọc nhằn của hành trình mười năm “gieo chữ”, bởi địa bàn rộng, đông đồng bào dân tộc thiểu số và trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế kém phát triển. Vậy, làm thế nào để xóa bỏ tâm lý ngại ngần, vận động bà con kiên trì đến lớp? - Đó là câu hỏi mà chúng tôi đã đặt ra cho những người lính và đội ngũ trí thức trẻ ở Đoàn KTQP Lâm Đồng, nhưng có lẽ cũng chính là câu hỏi mà các anh đã tự đặt ra cho mình trước mỗi lần tổ chức lớp học.
 
Trên đường dạo quanh Tiểu khu 179 để dặn bà con đến trường buổi đầu tiên, Thiếu tá Nguyễn Trọng Thúy chia sẻ rằng: Để duy trì tốt lớp học, nhất định phải thực hiện tốt công tác dân vận trước tiên, lấy hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ để tạo sự thân quen, tin tưởng. “Vì không biết chữ, lại lớn tuổi, cho nên người dân rất ngại, không muốn tiếp xúc với người lạ. Chân tay cứng vì cầm cuốc chắc hơn cầm bút, cho nên công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số đi học là không dễ dàng. Không thể dùng vật chất để thuyết phục, chúng tôi phải làm cách nào để người dân tin yêu, gần gũi mình, hiểu được việc học chữ rất có ích, từ đó sẽ chịu đến lớp. Với cách làm ấy, cứ “mưa dầm thấm lâu”, lớp học dần được hình thành. Khi đã vào nền nếp, mọi người đăng ký đến lớp học xóa mù chữ rất đông, không bỏ học giữa chừng” - Thiếu tá Trọng Thúy cho hay.
 
Không chỉ ở Tiểu khu 179 đợt này, mà ở tất cả các lớp xóa mù trước, bộ đội đều trở thành thầy giáo cắm buôn. Tối lên lớp, ban ngày giúp dân. Có khi, lịch học được sắp xếp theo vụ mùa của bà con. Cũng có khi, bộ đội ra quân giúp dân thu hoạch cà phê, để bà con nhanh chóng có thời gian trở lại lớp học. 
 
Cứ như vậy, xuyên suốt 6 tháng của mỗi lớp học, các chiến sĩ của Đoàn KTQP Lâm Đồng lại “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con để tạo mối quan hệ thân tình quân - dân gần gũi.
 
Ở các lớp xóa mù, thầy giáo không rành tiếng H’Mông, tiếng K’Ho, còn bà con không rành tiếng Kinh. Vậy nên lớp học cần đến người “phiên dịch”. Chính vì vậy, việc phối hợp, phát huy vai trò gương mẫu của các già làng, trưởng bản và những người có uy tín được Đoàn KTQP Lâm Đồng hết sức chú trọng trong việc duy trì sĩ số lớp học. Hơn ai hết, các già làng, trưởng bản và những người có uy tín là những người hiểu rõ tâm lí, phong tục, tập quán của bà con. Thế nên, công tác vận động, tuyên truyền trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn.
 
Lớp học xóa mù chữ do Đoàn KTQP Lâm Đồng tổ chức tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà
Lớp học xóa mù chữ do Đoàn KTQP Lâm Đồng tổ chức tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà
 
 “Ánh sáng” từ con chữ
 
Trên đường vào Tiểu khu 179, xã Liêng Sronh, chúng tôi tình cờ gặp ông Giàng A Lỳ - người có uy tín của Tiểu khu 178 - nơi mà trước đây đã có lớp xóa mù chữ. Gặp bộ đội, ông tay bắt mặt mừng, hào hứng khoe bà con bây giờ đã biết đọc, biết viết. Vừa rồi sách báo mang về thôn, trẻ con đã tự học được, bà con đã mạnh dạn cầm đọc. Đó không chỉ là niềm vui của bà con, mà còn là niềm vui lớn của bộ đội.
 
Lớp học xóa mù chữ ở Tiểu khu 178 được tổ chức vào cuối năm 2020, cũng là một lớp học vô cùng đặc biệt bởi trong lớp, có tận 3 thế hệ, từ ông bà, cha mẹ, con cái cùng tham gia học. Có những ngày, lớp học được chia làm 2 ca để thầy giáo có cách dạy cho phù hợp với từng lứa tuổi. Ở đó, người dân khát khao con chữ đến nỗi ngày biết lớp học được mở, họ rủ nhau xẻ gỗ làm bàn, làm ghế ngồi học. “Chương trình xóa mù chữ của Đoàn KTQP Lâm Đồng không kể độ tuổi, đối tượng nào, miễn là người dân có nhu cầu học thì đơn vị sẵn sàng dạy. Thời gian trung bình của một lớp là 6 tháng, nhưng cũng có những lớp kéo dài hơn vì tác động thời tiết, mùa vụ,... Miễn sao cho bà con đọc thông viết thạo thì lớp học mới kết thúc” - Thượng tá Hoàng Văn Đình - Chính trị viên Đoàn KTQP Lâm Đồng, chia sẻ.
 
Lớp học xóa mù chữ chỉ kết thúc khi bà con đã đọc thông, viết thạo
Lớp học xóa mù chữ chỉ kết thúc khi bà con đã đọc thông, viết thạo
 
Đoàn KTQP Lâm Đồng thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn 11 xã thuộc 3 huyện Đam Rông, Lâm Hà, Di Linh. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 51% dân số. Cùng với việc tham gia các hoạt động góp phần phát triển kinh tế - xã hội, lực lượng trí thức trẻ tình nguyện của Đoàn KTQP Lâm Đồng đã phối hợp với các địa phương mở 13 lớp xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số tại thôn Păng Pá (xã Đạ K’Nàng); Tiểu khu 178, Đạ M’Bô (xã Liêng S’ronh); thôn Đơng Glê (xã Phi Liêng); thôn Đa Tế (xã Đạ Tông); Thôn 10 (xã Tân Thành),... dựa trên nhu cầu và nguyện vọng của chính người dân. Đến nay, đã tổng kết 12/13 lớp học, giảng dạy cho trên 900 người biết đọc, biết viết và làm những phép tính đơn giản. 
 
Hiệu quả của những lớp học đặc biệt này cũng được đánh giá theo cách thật đặc biệt. Phụ nữ đọc, viết được tên mình, đàn ông đi thi được bằng xe máy. Với các chiến sĩ gắn bó với những lớp học xóa mù chữ của Đoàn KTQP Lâm Đồng, đó đã là một thành công - khi người dân áp dụng được những gì đã học được vào những việc gần gũi và thiết thực nhất. Còn với những người uy tín của các tiểu khu như ông Giàng A Lỳ hay Ma Seo Tráng, việc bà con biết chữ giúp họ dễ dàng, thuận tiện hơn trong việc tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 
 
Khó khăn vẫn chưa hết ở Bắc Lâm Đồng. Khát khao con chữ vẫn chưa bao giờ dừng lại trong những thôn, buôn nhiều gian khó. Nhưng như khẳng định của Thượng tá Hoàng Văn Đình: Khi dân còn cần thì bộ đội còn sát cánh. Cùng với sự đồng hành của màu xanh áo lính, giữa những vùng rừng núi xa xôi, thăm thẳm, lớp học chữ của bà con đồng bào K’Ho, người H’Mông,.. vẫn ngày ngày âm vang. Tin rằng, tình quân - dân bền vững sẽ làm nảy mầm nhiều điều tốt đẹp trên mảnh đất này.
 
NGỌC NGÀ - VIỆT QUỲNH