Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục với chặng đường mới (bài 2)

06:07, 27/07/2021

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng mở, vừa đồng tâm, tích hợp về kiến thức, vừa phát huy năng lực sáng tạo và trải nghiệm của người học...

[links()]
 
Bài 2: Ðảm bảo số lượng, nâng cao chất lượng 
 
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng mở, vừa đồng tâm, tích hợp về kiến thức, vừa phát huy năng lực sáng tạo và trải nghiệm của người học. Để đáp ứng yêu cầu, dĩ nhiên cần đổi mới phương pháp dạy học của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục - gọi chung là đội ngũ làm giáo dục. 
 
Lâm Đồng sẵn sàng đón năm học 2021 - 2022 bậc học THCS lớp đầu tiên áp dụng Chương trình mới. (Ảnh: Giáo viên lớp 6 tập huấn)
Lâm Đồng sẵn sàng đón năm học 2021 - 2022 bậc học THCS lớp đầu tiên áp dụng Chương trình mới. (Ảnh: Giáo viên lớp 6 tập huấn)
 
Lâm Đồng đặt ra những nội dung gì 
 
Trước hết, đó là bảo đảm đủ số lượng giáo viên (GV) để triển khai Chương trình mới (Chương trình GDPT 2018) theo lộ trình. Theo đó, ngành GDĐT chủ trì, phối hợp với ngành Nội vụ tham mưu, đề xuất UBND cấp huyện và UBND tỉnh đảm bảo đủ số lượng đội ngũ làm giáo dục cho các cơ sở giáo dục công lập đúng theo Thông tư liên tịch số 06/2015 ngày 16/3/2015 của Bộ Nội vụ và Bộ GDĐT cũng như Thông tư số 16/2017 ngày 12/7/2017 của Bộ GDĐT. Với tinh thần này, hàng năm thực hiện việc rà soát để có phương án sắp xếp, điều hòa đội ngũ GV hợp lý; kịp thời bổ sung GV theo nhu cầu cần thiết, đặc biệt là các môn học mới. 
 
Song song với số lượng dĩ nhiên nâng cao chất lượng đội ngũ để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình mới và đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Một trong những văn bản có tính chỉ đạo và định hướng là Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo cho GV mầm non, tiểu học và THCS. Đề án phát triển đội ngũ làm giáo dục của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 còn đặt ra các nội dung khác để nâng chất lượng đội ngũ. Đó là hàng năm cử đội ngũ làm giáo dục tham gia các khóa bồi dưỡng theo kế hoạch, từ nội dung hướng dẫn dạy học môn học đến các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ GDĐT; từ việc cử người tham gia tập huấn bồi dưỡng về phương pháp dạy học đến tổ chức các lớp bồi dưỡng phương pháp dạy học ở đơn vị cơ sở; quan tâm sát sao đến việc sử dụng đồ dùng dạy học, học liệu điện tử… Đó còn là thành lập tổ GV cốt cán để tổ chức các chuyên đề, dự giờ, tư vấn, hỗ trợ cho đội ngũ GV các lớp về điều chỉnh nội dung, sử dụng phương pháp và tổ chức dạy học. Song song với đó là tăng cường công tác tự học, tự bồi dưỡng của mỗi cá nhân trong đội ngũ làm giáo dục. Vấn đề cá nhân tích cực và đam mê tìm tòi sáng tạo, tự đào tạo để ngày càng hoàn thiện năng lực có vai trò quyết định lớn. Đồng hành với đó là sự hỗ trợ, giúp đỡ của đội ngũ những cán bộ quản lý (CBQL), GV cốt cán, có nhiều kinh nghiệm cần phát huy thường xuyên. Từ năm 2020, Bộ GDĐT bắt đầu triển khai các module bồi dưỡng CT GDPT 2018 và tiếp tục theo lộ trình, vì vậy 100% GV được tiếp nhận đầy đủ, hiệu quả nhất cũng góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đội ngũ. 
 
Nhiệm vụ và giải pháp
 
Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tập trung các nhóm nhiệm vụ và giải pháp sau. Để bảo đảm số lượng GV theo cơ cấu môn học, (a) Ngành GDĐT tham mưu cho UBND các cấp theo thẩm quyền bố trí đủ GV, CBQL đạt chuẩn cho các đơn vị, trường học. (b) Tiếp tục sắp xếp, cơ cấu và đẩy mạnh tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; từ đó có thêm biên chế để tuyển dụng GV. (c) Có kế hoạch tuyển dụng phù hợp, trong đó ưu tiên những loại hình GV còn thiếu, GV trình độ cao, học giỏi và theo đó là bố trí sắp xếp phù hợp, khoa học. (d) Chủ động đào tạo mới/đào tạo văn bằng 2/đào tạo liên thông/bồi dưỡng nghiệp vụ-chuyên môn…(đ) Có phương án bố trí GV theo môn dạy ở 2 trường trên cùng địa bàn trong trường hợp chưa tuyển dụng được và đồng thời tiến hành điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu. (e) Đào tạo, bồi dưỡng GV dạy các môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. (g) Triển khai bồi dưỡng theo Chương trình mới... 
 
Để nâng cao chất lượng đội ngũ, Đề án cũng yêu cầu các nhiệm vụ - giải pháp sau: (a) Sở GDĐT tham mưu UBND các cấp theo thẩm quyền triển khai kế hoạch nâng chuẩn trình độ của GV đúng theo Nghị định 71 của Chính phủ. (b) Tập trung bồi dưỡng đội ngũ về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, các năng lực về quản lý, giảng dạy, giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt năng lực triển khai CT GDPT 2018... (c) Đào tạo nâng trình độ chuẩn nhằm chuẩn hóa chuyên môn, nghiệp vụ. Đào tạo đạt chuẩn và vượt chuẩn trình độ chuyên môn theo vị trí việc làm và đảm bảo lộ trình, mục tiêu đề ra. (d) Cử GV tham gia đào tạo, đào tạo lại; bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý giáo dục, năng lực giảng dạy, năng lực dạy học các môn tích hợp; mặt khác công tác này đảm bảo đúng địa chỉ và nhu cầu thực tiễn…(đ) Mỗi cá nhân đội ngũ làm giáo dục phải có kế hoạch tự bồi dưỡng; mỗi cơ sở giáo dục là một trung tâm bồi dưỡng GV, có chế độ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho GV học tập, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học.
 
Đề án đồng thời đặt ra các nhiệm vụ-giải pháp như truyền thông; kinh phí; công tác quản lý, kiểm tra và giám sát. Cuối năm 2025, sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá, sơ kết để tiếp tục thực hiện nội dung của Đề án những năm tiếp theo và sẽ đánh giá, tổng kết vào cuối năm 2030. Thực hiện Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình mới, Sở GDĐT là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông. Đồng hành quá trình tổ chức thực hiện Đề án là UBND huyện, thành phố và các đơn vị trường học.
 
MINH ĐẠO