Đà Lạt phát triển đội ngũ giáo dục cho chặng đường mới

06:11, 05/11/2021

Năm học 2021-2022 là năm học thứ 2 thực hiện các nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Năm học 2021-2022 là năm học thứ 2 thực hiện các nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018. Để nhanh chóng tiếp tục thực hiện có hiệu quả theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, một nhiệm vụ trọng tâm là phát triển đội ngũ đảm bảo chiến lược dài hơi. 
 
Hoạt động thi Giáo viên giỏi của thành phố Đà Lạt năm học 2020-2021
Hoạt động thi Giáo viên giỏi của thành phố Đà Lạt năm học 2020-2021
 
•  NHỮNG CƠ SỞ ĐỂ PHÁT TRIỂN 
 
Thành phố Đà Lạt là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, dân số thường trú tính đến ngày 31/12/2020 là 230.266 người. Là trung tâm du lịch, tham quan nghỉ dưỡng, trung tâm giáo dục, đào tạo của tỉnh và khu vực; Đà Lạt còn là một trong những vùng sản xuất rau, hoa có quy mô lớn của cả nước... CTGDPT 2018 với lộ trình triển khai cuốn chiếu từ năm học 2020-2021 đến 2024-2025, đòi hỏi nhiều đổi mới để đáp ứng. Vì vậy, giữa tháng 8/2021, UBND thành phố Đà Lạt chính thức ban hành Quyết định 2949 về phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục...” (gọi tắt là đội ngũ giáo dục) giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. 
 
Tại thời điểm tháng 8/2021, theo UBND thành phố Đà Lạt, đội ngũ giáo dục thành phố có 1.691 người; trong đó, mầm non có 425 người, tiểu học có 841 người và THCS có 425 người. Về chất lượng, trình độ thạc sĩ đạt tỷ lệ 1,7%; đại học 82,9%; cao đẳng 14,8% và trung cấp có 0,6%. Trình độ trung cấp lý luận chính trị đạt tỷ lệ 15%; trình độ quản lý cấp phòng hoặc quản lý giáo dục tỷ lệ 16%; trình độ ngoại ngữ bậc 2 trở lên theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT hoặc tương đương tỷ lệ 90% và trình độ tin học cơ bản trở lên theo Thông tư số 03/2014/TT-BGDĐT hoặc tương đương đạt tỷ lệ 91%. 
 
Đối với chất lượng giáo dục học sinh, hàng năm, mầm non có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm từ 0,5 đến 1%; tỷ lệ học sinh được đánh giá hoàn thành chương trình lớp học đạt từ 95 đến 99%; bậc THCS học lực giỏi tăng từ 2 đến 3%; học lực yếu, kém giảm từ 0,5 đến 1%; hoàn thành chương trình bậc học từ 98 đến 100%... 
 
•  ĐỦ VỀ SỐ LƯỢNG VÀ CHẤT LƯỢNG
 
Hướng đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo dục các bậc học đạt chuẩn theo quy định hiện hành, đồng thời từng bước nâng cao về trình độ đào tạo, nâng cao chất lượng toàn diện, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, vững vàng về tư tưởng chính trị, mẫu mực về phẩm chất, đạo đức, lối sống là mục tiêu của thành phố Đà Lạt. Hàng năm, bổ sung đủ nhu cầu về đội ngũ giáo dục cho các trường học, đáp ứng quy mô trường, lớp và học sinh. Theo đó, Đà Lạt đặt ra những mục tiêu cụ thể. Hàng năm, bổ sung đủ nhu cầu con người cho các trường học, đáp ứng quy mô trường, lớp và học sinh. Những cơ sở pháp lý để thực hiện là Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLTBGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Bộ Nội vụ; Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ GDĐT... Thực tiễn còn cần đến tính đồng bộ về cơ cấu. Ví dụ, bố trí đội ngũ đảm bảo về độ tuổi, giới tính và bộ môn giảng dạy; đủ giáo viên ở các bộ môn mới...
 
Một trong những yêu cầu về đội ngũ đó còn là đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Thành phố Đà Lạt đặt ra các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025, gồm: phấn đấu 100% đạt trình độ đại học, trong đó 10% có trình độ sau đại học và trình độ trung cấp lý luận chính trị đạt 23%, trình độ cao cấp lý luận chính trị đạt 1%. Toàn ngành Giáo dục có 100% nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục bậc tiểu học, THCS tham gia bồi dưỡng CTGDPT 2018. Đà Lạt đồng thời phấn đấu có 25% cán bộ quản lý, giáo viên dự nguồn được bồi dưỡng quản lý giáo dục hoặc quản lý cấp phòng. 
 
Về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm, 100% đội ngũ giáo dục được bồi dưỡng kiến thức. Để đáp ứng CTGDPT 2018, cần tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ theo hướng đáp ứng mục tiêu giáo dục học sinh đạt được các năng lực như: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; các năng lực về ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mĩ và thể chất. Cùng đó là chú trọng thực hiện bồi dưỡng về chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, quản lý giáo dục...
 
•  THỰC HIỆN ĐỒNG THỜI NHIỀU NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP 
 
Một trong những yêu cầu đầu tiên để thực hiện CTGDPT 2018 là bảo đảm số lượng giáo viên theo cơ cấu môn học. Vì vậy, cần đồng thời các giải pháp như: tổ chức sắp xếp, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập; bố trí con người theo yêu cầu thực tế công việc, đúng chuyên ngành đào tạo và nhu cầu; điều chuyển con người giữa các trường và hợp đồng giáo viên đúng và trúng. Song song với số lượng, đội ngũ còn cần nâng cao về chất lượng. Theo đó, phải đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy các môn tích hợp; triển khai bồi dưỡng về chương trình, sách giáo khoa mới; đào tạo nâng chuẩn đối với 100% giáo viên còn ít nhất 7 năm công tác. Mặt khác, chọn, cử giáo viên tham gia đào tạo các môn học mới; đào tạo trên chuẩn; từng bước đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy theo yêu cầu mới. 
 
Một nhiệm vụ khác, đó là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo dục và toàn xã hội về vai trò, vị trí, trách nhiệm của giáo viên, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ giáo dục có chất lượng cao, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức, tận tụy với nghề nghiệp, làm trụ cột thực hiện các mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan quản lý giáo dục; tổ chức các hoạt động kiểm tra có hiệu quả thực sự và kịp thời theo yêu cầu thực tiễn. Đề án phát triển đội ngũ giáo dục được Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt ký ban hành có tổng kinh phí khái toán 10,118 tỷ đồng; trong đó, kinh phí đào tạo 7,535 tỷ đồng, kinh phí bồi dưỡng 2,583 tỷ đồng. 
 
MINH ĐẠO