Già làng bên dòng Krông Nô

06:11, 04/11/2021

Là già làng của thôn Đa Tế (xã Đạ M'Rông, huyện Đam Rông), già Kơ Să Kris Căn (76 tuổi) đến nay vẫn đảm đương vai trò là đội trưởng đội cồng chiêng của thôn...

Là già làng của thôn Đa Tế (xã Đạ M’Rông, huyện Đam Rông), già Kơ Să Kris Căn (76 tuổi) đến nay vẫn đảm đương vai trò là đội trưởng đội cồng chiêng của thôn. Trăn trở làm sao để tiếng chiêng đại ngàn luôn hòa nhịp cùng dòng chảy thời gian và dòng chảy của dòng Krông Nô, dấu chân của già in hằn làng trên xóm dưới để tìm người nối nhịp cồng chiêng. 
 
Già Kơ Să Kris Căn vẫn tâm nguyện dạy con cháu lưu giữ tiếng chiêng đại ngàn
Già Kơ Să Kris Căn vẫn tâm nguyện dạy con cháu lưu giữ tiếng chiêng đại ngàn
 
Thôn Đa Tế có vị trí khá đẹp, có thể nói là “tựa núi nhìn sông”. Những ngôi nhà gỗ nằm thấp thoáng được mưa nắng phủ lên một màu huyền diệu. Trước đây, khi bà con người Cil còn canh tác lúa rẫy, cũng khi đó già Kơ Să Kris Căn còn trai tráng thì tiếng chiêng của già đã ngân khắp đại ngàn để mừng lúa mới, mừng đôi lứa về chung một mái nhà, mừng những vị khách quý ghé thăm buôn làng… trong hương men rượu cần.
 
Bẵng đi một thời gian, già Kơ Să Kris Căn đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, đôi tay, bàn chân không còn được nhanh nhẹn như xưa, nhưng nhiệt huyết để truyền dạy cồng chiêng cho con cháu vẫn còn. Già tâm sự rằng hiện nay đội cồng chiêng của thôn có 6 thành viên chính thức và 4 thành viên “dự bị”, gọi là “dự bị” vì họ chưa sành sỏi các điệu chiêng, nên phải tập luyện thêm. Còn những thành viên chính thức đều cao tuổi cả rồi, nên việc “ráp” được đội hình để đi biểu diễn cũng gặp nhiều khó khăn.
 
Vì lẽ đó, tâm huyết của già làng phải làm sao gầy dựng được một đội cồng chiêng trẻ cho thế hệ thanh, thiếu niên ở thôn. Hôm chúng tôi ghé nhà của già, có cả vị trưởng thôn trẻ, anh Kră Jăn Ha Bích. Tôi đã trực tiếp hỏi vị trưởng thôn này về câu chuyện đội cồng chiêng trẻ của thôn vì sao đến nay vẫn chưa thành lập được. Có rất nhiều lý do, có thể là khó học vì nhiều điệu và người đánh chiêng phải kết hợp với nhau mới tạo nên âm hưởng, hồn chiêng. Cũng có thể vì một thời đại của công nghệ đã bào mòn đi những giá trị núi rừng. Nhưng, trưởng thôn trẻ vẫn khẳng định rằng nhất quyết thời gian tới thanh niên trong thôn sẽ cố gắng để giữ gìn nhịp chiêng của cha ông, theo dấu của già làng.
 
Còn anh Kră Jăn Ha Su, một người trạc tuổi trung niên ở thôn được già làng hướng dẫn các điệu chiêng của dân tộc mình cho hay: Cũng khó học lắm, vì nhiều điệu, nhiều cách đánh khác nhau. Mình phải cố gắng học dần dần từng ngày một thôi, học để sau này còn cái để mà truyền lại cho con của mình nữa chứ. Đấy, năm nay con mình cũng đã lớn rồi đó, lỡ các cháu có hỏi về cha ông, về nguồn cội, về cồng chiêng thì còn biết để mà gửi gắm. Già làng dạy là dễ hiểu nhất rồi, cầm tay chỉ điệu luôn; khi có già ngồi một bên, hễ sai nhịp, sai tư thế đánh là già sửa ngay. 
 
Ngoài là già làng, đội trưởng đội cồng chiêng thôn; già Kơ Să Kris Căn còn là Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Đa Tế. Phát huy vai trò của già làng, người cao tuổi mẫu mực trong thôn; già còn tích cực vận động bà con thôn xóm phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ngay bản thân của già, cũng đã thực hiện chuyển đổi hơn 3 sào đất bãi bồi ven dòng Krông Nô để trồng dâu nuôi tằm. Tính đến nay, với mỗi lứa tằm già đều thu được từ 6 triệu đồng đến 7 triệu đồng.
 
Đôi tay với những điệu chiêng của già Kơ Să Kris Căn đã hằn sâu vào báu vật của núi rừng. Còn đôi chân của già vẫn không mỏi để đến với con cháu trong những giờ chiêng ngân. Một đời già Kơ Să Kris Căn chỉ mong sao con cháu tích cực làm ăn, đền ơn phù sa sông Krông Nô bồi đắp, biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chăm lo đến đời sống bà con với bao nghĩa tình.
 
ĐỨC TÚ