Chú trọng đào tạo nghề vùng dân tộc thiểu số

06:11, 04/11/2021

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động đồng bào dân tộc thiểu số được xem là một trong những bước đi quan trọng trong công tác giảm nghèo mà huyện Đam Rông hướng tới...

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được xem là một trong những bước đi quan trọng trong công tác giảm nghèo mà huyện Đam Rông hướng tới. Những năm qua, nhờ thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đời sống kinh tế của bà con được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. 
 
Lớp dệt thổ cẩm
Lớp dệt thổ cẩm
 
•  ĐÀO TẠO NGHỀ GẮN VỚI NHU CẦU THỰC TẾ
 
Là huyện vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ người dân đồng bào DTTS chiếm tới 73%, từ nhu cầu thực tế của người lao động và thế mạnh của từng địa phương, huyện Đam Rông đã xây dựng các lớp dạy nghề phù hợp như trồng dâu, nuôi tằm; trồng và chăm sóc cây sầu riêng, bơ, chuối Laba ứng dụng công nghệ cao; các kỹ thuật canh tác cây trồng rau, quả nông nghiệp công nghệ cao; nuôi cá nước lạnh... Qua các lớp học nghề, người lao động nắm vững được các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và áp dụng sản xuất hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. 
 
Từng là học viên của lớp trồng dâu nuôi tằm do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện tổ chức, chị Kră Jăn K’Mỹ Hảo (thôn Đa Tế, xã Đạ M’Rông) chia sẻ: “Tham gia lớp học mình học được cách trồng dâu, nuôi tằm hiệu quả từ khâu chọn cây, con giống đến phương pháp chăm sóc. Sau khi áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, tình hình sản xuất của gia đình được cải thiện rõ từ sản lượng cho đến chất lượng kén”. 
 
Đến nay, mỗi lứa tằm của gia đình chị cho khoảng hơn 60 kg kén, được thu mua với giá cao, dao động từ 150.000 đến 160.000 đồng/kg kén. Nghề trồng dâu, nuôi tằm đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình với hơn 100 triệu đồng/năm, chất lượng cuộc sống cũng được nâng lên. “Để mở rộng sản xuất, tăng thêm thu nhập cho gia đình, mình đang dự tính mở rộng thêm 2 sào đất thành 7 sào để trồng dâu và mua thêm con giống”, chị Hảo cho hay. 
 
Cùng với các lớp nghề nông nghiệp, Trung tâm GDNN-GDTX huyện cũng mở các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp như lớp sửa chữa máy nông nghiệp; xây, ốp và lát gạch đá… cho lao động nông thôn. Ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đam Rông cho biết, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực sự hiệu quả, hàng năm, huyện đều rà soát, nắm bắt trình độ, nhu cầu học nghề trên thực tế của người lao động trên từng địa bàn theo từng nghề, tiềm năng sản xuất của địa phương, từ đó có phương pháp tuyên truyền và đào tạo nghề phù hợp. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn nhằm đảm bảo việc làm cho học viên sau đào tạo. 
 
Học viên tham gia học nghề hầu hết là đồng bào DTTS, các gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, vì vậy Trung tâm lựa chọn hình thức vừa học, vừa làm để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên. Các lớp học nông nghiệp được thực hành trực tiếp tại vườn, đàn vật nuôi của gia đình, giúp học viên tiếp thu kiến thức và áp dụng vào thực tiễn hiệu quả hơn. 
 
ĐẢM BẢO ĐÀO TẠO NGHỀ TRONG TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH
 
Theo kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2021, huyện Đam Rông dự kiến đào tạo nghề sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho hơn 380 lao động nông thôn trên địa bàn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Trung tâm GDNN-GDTX chỉ mới mở được 3 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp gồm lớp sửa chữa máy nông nghiệp ở xã Đạ M’rông, lớp dệt thổ cẩm ở xã Đạ R’sal và một lớp xây ốp lát gạch đá ở xã Liêng S’rônh. 
 
Ông Thái cho biết: “Trong tình hình dịch bệnh, Trung tâm GDNN-GDTX được trưng dụng làm khu cách ly tập trung, do đó các lớp phi nông nghiệp chỉ mới khai giảng, chưa thể tổ chức. Đối với các lớp nông nghiệp, việc dạy nghề luôn đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch. Những tháng cuối năm, để hoàn thành các lớp dạy theo đúng kế hoạch đề ra, Trung tâm sẽ tăng cường cho công tác đào tạo nghề, đội ngũ giáo viên cũng chủ động bám sát tình hình của người lao động và địa phương để tổ chức các lớp dạy nghề, đảm bảo an toàn phòng dịch”. 
 
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đam Rông, giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã đào tạo nghề cho hơn 1.200 lao động nông thôn với 44 lớp thuộc 8 nghề đào tạo, bao gồm trồng và chăm sóc cà phê, chăn nuôi bò, sửa chữa máy móc nông nghiệp… 
 
Về công tác đào tạo nghề, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đam Rông Dương Tất Phong nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn, đa số lao động nông thôn là hộ nghèo, hộ DTTS trình độ dân trí còn thấp, còn thiếu vốn và điều kiện tổ chức sản xuất, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động còn khó; địa bàn các xã phân bố cách xa nhau, giao thông đi lại khó khăn trong khi đội ngũ giáo viên còn thiếu, khiến việc tổ chức đào tạo nghề còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, vì là huyện vùng sâu, vùng xa nên địa phương chưa có nhiều doanh nghiệp, cơ sở, đơn vị tham gia đào tạo nghề và đăng ký chức năng dạy nghề, nghề đào tạo chưa đa dạng.
 
Trước những khó khăn này, huyện cũng đề ra những giải pháp cụ thể, ngoài việc tăng cường tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ lợi ích của việc tham gia các lớp đào tạo nghề, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, địa phương cũng huy động thêm nguồn nhân lực từ các tổ chức hội, đoàn thể cho công tác đào tạo nghề; đồng thời, nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên; thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nghề, xây dựng các môn học phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn huyện và nhu cầu của thị trường lao động cùng với khả năng của học viên… Qua đó, phát huy vai trò thiết thực của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần vào công cuộc giảm nghèo của địa phương.
 
NHẬT QUỲNH