Nỗ lực duy trì văn hóa đọc trong dịch bệnh

06:11, 24/11/2021

Giãn cách xã hội khiến hơn 4 tháng qua Thư viện Lâm Đồng vắng bóng độc giả...

Giãn cách xã hội khiến hơn 4 tháng qua Thư viện Lâm Đồng vắng bóng độc giả. Với tinh thần chủ động sáng tạo, những người làm công tác thư viện đã đổi mới hình thức phục vụ linh hoạt, thích ứng với tình hình, đưa sách trở thành liều “vắc xin tinh thần”, nỗ lực duy trì văn hóa đọc trong dịch bệnh.
 
Đưa sách đến khu cách ly phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch
Đưa sách đến khu cách ly phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch
 
•  “VẮC XIN TINH THẦN” TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH 
 
Dịch bệnh làm cho hệ thống thư viện công cộng tỉnh Lâm Đồng gồm 1 Thư viện tỉnh, 11 thư viện huyện, thành phố, 28 thư viện cấp xã phải đóng cửa. Vì vậy, tổng số tài liệu hiện có trong Thư viện tỉnh là 284.397 tài liệu và trên 150 loại báo - tạp chí; trong đó tài liệu truyền thống 275.935 bản sách hầu như không phát huy hết tác dụng. Trong năm 2021, tổng số lượt bạn đọc ước đạt hơn 905 ngàn lượt và hơn 257 ngàn lượt tài liệu luân chuyển, giảm 32.237 lượt bạn đọc và 18.605 lượt tài liệu luân chuyển so với năm 2020 do thư viện không mở cửa phục vụ bạn đọc để phòng, chống dịch. 
 
Để đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin, tri thức, phát triển văn hóa đọc, Thư viện Lâm Đồng đã xây dựng mô hình “Tủ sách cộng đồng phục vụ Nhân dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch” ở 2 khu cách ly tại tại Trung đoàn Bộ binh 994 (xã Liên Hiệp, Đức Trọng) thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh Lâm Đồng (Phường 7, Đà Lạt). Đây là những nơi đang thực hiện cách ly hàng ngàn người là F1 có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao. Bước đầu các tủ sách được trang bị hơn 3.500 bản sách in và hơn 1.500 sách điện tử truy cập bằng mã QR với đủ mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, văn học, lịch sử, địa lý, khoa học kỹ thuật, pháp luật... đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của người dân, đặc biệt là các đối tượng thanh, thiếu niên và lực lượng tuyến đầu chống dịch. 
 
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, số người cách ly tăng lên từng ngày. Những cuốn sách không chỉ làm lan tỏa văn hóa đọc đến cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an đang làm nhiệm vụ tại các khu cách ly, mà thông qua hoạt động đọc sách, những người có nguy cơ mắc COVID có thêm phương tiện giải trí trong suốt 15 ngày nhàn rỗi, được tiếp nhận các giá trị tri thức, tạo sức mạnh mềm như liều “vắc xin tinh thần” để không hoang mang, lo sợ, chán nản, mà thêm vững tin vượt qua dịch bệnh. 
 
•  ĐỔI MỚI HÌNH THỨC PHỤC VỤ THÍCH ỨNG VỚI TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH
 
Ngoài việc xây dựng tủ sách cộng đồng ở khu cách ly, Thư viện đã chủ động đổi mới hoạt động theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thông qua không gian mạng phục vụ đông đảo bạn đọc. Hiện tại, Thư viện có tổng vốn tài liệu điện tử là 6.612 bản sách. Năm 2021, cùng với việc bổ sung được 13.735 bản bản sách in, trên 150 loại báo - tạp chí theo kỳ phát hành; Thư viện đã thực hiện số hóa 15.928 trang tài liệu, đăng và giới thiệu thư mục tài liệu web của thư viện: 141 bài báo - tạp chí, 98 cuốn sách, 24 thư mục thông báo sách mới, 10 thư mục thông tin chuyên đề, 45 video clip... Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bạn đọc vào đọc sách điện tử mọi lúc, mọi nơi bằng cách quét mã QR qua điện thoại smartphone để hạn chế tiếp xúc, tụ tập đông người. 
 
Bà Vi Bích Thủy Châu - Phó Giám đốc Thư viện Lâm Đồng cho biết: Về lâu dài, trong thời gian tới, thực hiện “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh, Thư viện Lâm Đồng đã xây dựng dự án “Số hóa tài liệu tập trung” nhằm hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, đầu tư nâng cấp trang thiết bị tiện ích thư viện thông minh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.
 
Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2023, Thư viện sẽ dần hình thành thư viện điện tử, thư viện số cho phép tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu, trao đổi tài nguyên thông tin số giữa Thư viện Lâm Đồng với các thư viện trong cả nước và nước ngoài; từ đó có thể hợp tác trong bổ sung, chia sẻ, dùng chung cơ sở dữ liệu và quyền truy cập tài nguyên thông tin số. Cung cấp các dịch vụ trực tuyến như giới thiệu tài nguyên thông tin mới, tra cứu, mượn/trả, gia hạn, sao chụp từ xa, truy cập vào nguồn tài nguyên thông tin bằng các thiết bị di động. Xây dựng dữ liệu mở để mọi người dân, tổ chức, thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân cùng tham gia xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở về thư viện, xây dựng xã hội học tập. Mục tiêu đến 2025, sẽ số hóa 70% tài liệu cổ quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, các tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học do Thư viện Lâm Đồng cùng các thư viện có vai trò quan trọng và các thư viện chuyên ngành trên địa bàn tỉnh thu thập, quản lý; số hóa 60% tài liệu cổ quý hiếm và bộ sưu tầm tài liệu có giá trị đặc biệt trên các lĩnh vực của các thư viện huyện, thành trong tỉnh. Đến năm 2030, tiếp tục chuyển đổi số, phát triển thư viện số, thực hiện liên thông ở mọi loại hình thư viện từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo hiệu quả phục vụ bạn đọc mọi lúc, mọi nơi.
 
QUỲNH UYỂN