Đẩy nhanh hiện đại hóa hành chính

08:01, 01/01/2022
Đại dịch COVID-19 năm qua đã có những tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội của tỉnh, nhất là việc giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc. Chính vì vậy, Lâm Đồng đã tích cực đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy việc giải quyết thủ tục hành chính các cấp trên môi trường điện tử.
 
Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ tại Bộ phận Một cửa Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng.
Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ tại Bộ phận Một cửa Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng.
 
  KẾT NỐI TỪ TỈNH ĐẾN CƠ SỞ 
 
Ông Nguyễn Văn Thu - Trưởng phòng Cải cách hành chính (CCHC), Sở Nội vụ Lâm Đồng nhận xét, hầu hết các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh, cấp huyện và rất nhiều xã, thị trấn đến nay đều cơ bản được hiện đại hóa, đáp ứng được việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của người dân trên môi trường điện tử, trong đó có các thủ tục hồ sơ giải quyết ở mức độ 3, mức độ 4. 
 
Thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), cho đến nay hầu hết cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh đều có máy tính làm việc; 100% cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã có mạng nội bộ LAN; toàn bộ các đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trang thông tin điện tử. Hệ thống mạng nội bộ LAN được duy trì ổn định, kết nối mạng Internet, đảm bảo cho việc quản lý, điều hành qua môi trường mạng.
 
Ở cấp tỉnh, hệ thống mạng CAMPUS tại Trung tâm Hành chính tỉnh đang hoạt động rất tốt. Tổng cộng có trên 1.700 người của 54 đơn vị (gồm 18 đơn vị cấp sở, 36 đơn vị trực thuộc sở) đang sử dụng hệ thống này với 91 máy chủ tập trung, 37 đường kết nối Internet được đặt tại phòng máy chủ. 
 
Cho đến nay Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, gồm Cổng thông tin điện tử và Hệ thống thư điện tử công vụ đều hoạt động ổn định, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của tất cả các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
 
Cùng đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng dành riêng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được cáp quang hóa đến 59 cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện, 142 điểm cấp xã. Mạng truyền dẫn cáp quang, mạng viễn thông nông thôn đã phát triển đến toàn bộ các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; mạng di động phủ sóng toàn bộ địa bàn tỉnh, dịch vụ điện thoại cố định và Internet tốc độ cao phát triển đến tất cả các xã và đã thay thế hệ thống cáp đồng.
 
Lâu nay Lâm Đồng cũng đã vận hành tốt hệ thống truyền hình sử dụng đường truyền cáp quang cho các hội nghị trực tuyến, lắp đặt tại 41 điểm cầu trên địa bàn toàn tỉnh, đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật cho tất cả các cuộc họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với các đơn vị trong tỉnh, bên cạnh hệ thống họp trực tuyến kết nối đến Trung ương. 
 
Đến nay, Lâm Đồng đã cấp 2.546 chứng thư số, trong đó có 837 chứng thư số tổ chức, 1.709 chứng thư số cá nhân cho các cơ quan nhà nước thuộc cả hai khối Đảng và khối chính quyền từ cấp tỉnh tới cấp xã. 
 
Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc được tỉnh triển khai đồng bộ đến toàn bộ các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn. Tỉnh hiện có 7 đơn vị có hệ thống dùng riêng nhưng tất cả các hệ thống này đều đã kết nối liên thông gửi nhận văn bản điện tử, đảm bảo thông suốt từ cấp tỉnh tới cấp xã trên trục kết nối liên thông của tỉnh, có tích hợp sử dụng chứng thư số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp. 
 
Tỉnh cũng kết nối với Trung ương qua trục liên thông quốc gia. Riêng trục liên thông của tỉnh đến nay kết nối đến 1.400 cơ quan, đơn vị hành chính; hệ thống này đang hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả trong liên thông gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp tại các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.
 
Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, tính từ 15/12/2020 đến 15/12/2021, toàn tỉnh đã có 1.891.093 văn bản gửi nhận trên trục liên thông, trong đó 308.456 văn bản đi và 1.582.637 văn bản đến.
 
•  VẬN ĐỘNG DÂN SỬ DỤNG DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN
 
Đây là một nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh đặt ra trong năm 2021, đồng thời đã có những nỗ lực rất lớn nhằm đẩy mạnh việc giải quyết TTHC cho người dân ở các cấp qua môi trường mạng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
 
Cho đến nay Lâm Đồng đã tích hợp trang thông tin điện tử của tỉnh với 64 trang thông tin điện tử của các đơn vị sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các đơn vị, đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, Cổng thông tin điện tử Lâm Đồng còn tích hợp cả hệ thống một cửa hiện đại và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; toàn bộ TTHC của tỉnh được công khai trên trang thông tin; kết quả giải quyết TTHC cũng được công khai (tại địa chỉ https://dichvucong.lamdong.gov.vn).
 
Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến đến nay đã triển khai đến toàn bộ các đơn vị nhà nước thuộc tỉnh, gồm 19/19 sở, ban, ngành; 12/12 huyện, thành phố và 142/142 xã/phường/thị trấn trong tỉnh. Lâm Đồng cũng kết nối, tích hợp hệ thống này với Cổng thông tin điện tử Chính phủ (www.chinhphu.vn) tại chuyên trang “Công khai tiến độ giải quyết hồ sơ của địa phương”. 
 
Lâm Đồng đến nay cũng tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị trực thuộc lên Cổng thông tin một cửa điện tử của tỉnh và Cổng dịch vụ công Quốc gia; công khai kết quả giải quyết TTHC và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, nhằm tiếp nhận và giải quyết TTHC của người dân và doanh nghiệp công khai, minh bạch, tăng cường tính trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. 
 
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã cung cấp được 186 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 301 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt 100% TTHC của địa phương có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 vượt chỉ tiêu kế hoạch CCHC giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh.
 
Trong năm 2021, tỉnh cũng hoàn thành việc tích hợp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đối với nhóm TTHC đăng ký tuyển sinh đầu cấp, mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính (thuế, lệ phí trước bạ) trong thực hiện TTHC về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân. 
 
Nhờ làm tốt việc vận động tổ chức, người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tổng cộng trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận được 72.928 hồ sơ trực tuyến thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó hồ sơ trực tuyến mức độ 3 là 28.397, mức độ 4 là 44.531 hồ sơ.
 
Điều đáng nói, có một số lĩnh vực trước đây hồ sơ giải quyết còn chậm thì trong năm qua đã có những tiến bộ đáng kể. Cụ thể, hồ sơ TTHC do các sở, ngành tiếp nhận được giải quyết đúng hẹn đạt tỷ lệ 98,77%; hồ sơ TTHC do UBND cấp huyện tiếp nhận được giải quyết đúng hẹn đạt tỷ lệ 98,45%; hồ sơ TTHC do UBND cấp xã tiếp nhận được giải quyết đúng hẹn đạt tỷ lệ 99,87%. Riêng hồ sơ TTHC về lĩnh vực đất đai được giải quyết đúng hẹn ở cả 3 cấp trong năm qua đạt 97,66%; còn lĩnh vực xây dựng được giải quyết đúng hẹn ở cả 3 cấp đạt 99,69%.
 
  XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ 
 
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2022, tỉnh sẽ thực hiện tốt việc tiếp nhận các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành phục vụ hoạt động cơ quan hành chính nhà nước theo tiến độ triển khai của các bộ, ngành Trung ương; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc họp trực tuyến, chứng thực chữ ký số cho các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
 
Lâm Đồng cũng tích hợp chứng thư số của Ban cơ yếu Chính phủ vào các ứng dụng CNTT của tỉnh; cung cấp chứng thư số cá nhân cho lãnh đạo tại các cơ quan tiến tới sử dụng văn bản điện tử thay văn bản giấy.
 
UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng tỉnh thời gian đến cần đảm bảo chất lượng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và an ninh an toàn thông tin, hoàn thiện nâng cấp tính năng phần mềm quản lý văn bản và điều hành, đáp ứng yêu cầu kết nối liên thông 4 cấp theo yêu cầu của Văn phòng chính phủ; duy trì kết nối liên thông văn bản điện tử tỉnh đến các cơ quan khối Đảng, khối Chính quyền từ cấp tỉnh tới cấp xã, đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt các nhiệm vụ trong thực hiện kiến trúc chính quyền điện tử mà Lâm Đồng đang hướng đến.
 
VIẾT TRỌNG