Lâm Hà: ''Dân vận khéo'' trong phát triển mô hình kinh tế tập thể

06:02, 23/02/2022
Việc không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền vận động phát triển các mô hình kinh tế tập thể đã góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và đóng góp vào quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Lâm Hà.
 
Sản phẩm của mô hình kinh tế tập thể tại Lâm Hà trưng bày giới thiệu đến người tiêu dùng
Sản phẩm của mô hình kinh tế tập thể tại Lâm Hà trưng bày giới thiệu đến người tiêu dùng
 
Lâm Hà là địa phương có địa bàn rộng, diện tích đất canh tác lớn (hơn 53.660ha), điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng có nhiều thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Hiện toàn huyện Lâm Hà có trên 70% tổng số hộ dân là nông dân, sản xuất nông nghiệp, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng sản xuất tự phát, manh mún, nhỏ lẻ; “được mùa mất giá”, thương lái ép giá; đầu ra không ổn định vẫn còn tồn tại trên địa bàn. Do đó, đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người dân tại địa phương. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, người nông dân cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản. Chính vì vậy, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy, Ban Dân vận Huyện ủy Lâm Hà đã phối hợp xây dựng mô hình “Dân vận khéo” để vận động người dân tham gia phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trên địa bàn.
 
Thực hiện mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn, chính quyền, mặt trận, khối dân vận và các tổ chức đoàn thể tại Lâm Hà đã tăng cường tuyên truyền vận động để người dân sản xuất nông nghiệp tại địa phương tham gia mô hình kinh tế tập thể, tạo tiếng nói chung, liên kết để sản xuất nông nghiệp ổn định, bền vững và nâng cao thu nhập. Trong đó, công tác tuyên truyền vận động được tăng cường với các nội dung liên quan đến kinh tế tập thể cho người dân như: Chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với thành phần kinh tế tập thể; Luật HTX năm 2012; Nghị quyết của cấp ủy, chính quyền địa phương về phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; vai trò và những lợi ích của mô hình kinh tế tập thể... Thông qua công tác tuyên truyền, vận động cũng hướng dẫn các hộ chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn hợp tác với nhau thông qua HTX, THT, tổ liên kết sản xuất. Từ đó, để các hộ nông dân thấy được khi tham gia vào các HTX, THT, tổ liên kết sản xuất thành viên không chỉ được tập huấn kỹ thuật mà còn chia sẻ, hỗ trợ nhau về kiến thức, kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ. 
 
Hiệu quả của mô hình “Dân vận khéo” là nhiều mô hình kinh tế tập thể như HTX, THT, tổ liên kết sản xuất trên địa bàn huyện Lâm Hà đã được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả. Chỉ riêng năm 2021 vừa qua, trên địa bàn huyện Lâm Hà đã có 5 HTX được thành lập mới, nâng số HTX trên toàn huyện lên 46 HTX đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 101 tỷ đồng. Ngoài ra, có 98 THT hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi theo phương thức cùng tham gia sản xuất một chủng loại sản phẩm, tìm doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Tham gia mô hình kinh tế tập thể, các hộ dân tại Lâm Hà cũng đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tập trung phát triển các loại cây trồng chủ lực của địa phương để tạo vùng nguyên liệu tại chỗ cho phát triển sản xuất, chế biến và đáp ứng được các tiêu chuẩn sản phẩm OCOP của địa phương. Các loại cây trồng phát triển tốt, năng suất, chất lượng nông sản ngày càng được nâng cao và đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến nay, diện tích cây lâu năm trên toàn huyện đạt 47.886 ha. Các loại cây lâu năm được đầu tư chăm sóc và thu hoạch đạt năng suất cao, đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, mô hình trồng cây ăn quả trên đất nông, lâm kết hợp bước đầu phản ánh hướng đi đúng đắn. Những hộ dân tham gia HTX, THT tại Lâm Hà cũng đã giúp đỡ, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn như: ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà kính; công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm; công nghệ đèn Led; công nghệ cảm biến thông minh kết nối và điều khiển tự động; công nghệ giống; cơ giới hóa, tự động hóa được ứng dụng đồng bộ trong canh tác. Đến nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Lâm Hà là hơn 5.540 ha; diện tích sản xuất nông nghiệp tốt là 10.073ha.
 
Đồng chí Hoàng Thanh Hải - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lâm Hà cho biết, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã xác định, phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững là thành phần quan trọng trong nền kinh tế của địa phương. Từ đó, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng mô hình “Dân vận khéo” để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để hình thành các mô hình kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể. Qua đó, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và những tổ chức cùng tham gia mô hình kinh tế tập thể, HTX, THT để không ngừng nâng cao thu nhập và bảo đảm an sinh xã hội cho các thành viên; đồng thời tham gia mạnh mẽ vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của huyện. 
 
DUY DANH