Vẻ đẹp diễn xướng dân gian K'Ho

05:03, 22/03/2022
Giữa muôn màu, muôn sắc các dân tộc anh em đến từ 19 tỉnh, thành cả nước tụ hội về Kon Tum trong Liên hoan diễn xướng dân gian các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng từ ngày 16-19/3, các nghệ nhân K’Ho đến từ buôn làng Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà đại diện các dân tộc Lâm Đồng đã để lại dấu ấn đẹp đẽ.
 
Tái hiện lễ hội Mừng lúa mới Nhô R’hê của người K’Ho - Lâm Hà
Tái hiện lễ hội Mừng lúa mới Nhô R’hê của người K’Ho - Lâm Hà
 
Nam Tây Nguyên hùng vĩ từ lâu đời những ngọn núi, con sông, dòng suối đã nuôi dưỡng, chở che cho người Mạ, K’Ho, Churu, M’Nông. Nơi đó ẩn chứa biết bao chuyện cổ mộc mạc, hồn nhiên, những điệu yalyao, những khúc tầm pớt, tiếng khèn, tiếng chiêng sâu lắng, trữ tình, vũ điệu xoang nhịp nhàng, yểu điệu. Trong sắc màu thổ cẩm, chương trình nghệ thuật dân gian “Âm vang Nam Tây Nguyên” với 6 tiết mục đã mang đến liên hoan thấm đẫm hơi thở đại ngàn, độc đáo bản sắc K’Ho. “Ngất ngây men rượu cần, chao nghiêng khúc tầm pớt, rạo rực những chàng trai, mơ màng bao cô gái, ngày vui buôn làng mở hội, tiếng chiêng nhộn nhịp gọi mùa”, tiết mục hát múa “Dróp P’nu” (Những chàng trai, những cô gái) do nhạc sĩ Krajan Dick phát triển lối hát đồng dao K’Ho, đưa người nghe về không gian quần tụ cộng đồng.
 
Mỗi dân tộc một bản sắc riêng, một chất liệu âm nhạc dân gian khác nhau, độc đáo và phong phú, khúc Yalyao của người K’Ho “Ơi mơr” (Lời thương) phát triển dân ca giao duyên như hơi thở của con người, như miếng cơm lam được nướng thơm trong ống nứa trên bếp lửa hồng, như bầu nước suối trong mát ngọt lành, rộn ràng, thấm đẫm, da diết, rạo rực. Điệu múa “Âm vang cao nguyên” tưng bừng buôn làng vào hội, cảm ơn Yàng và thần linh đã cho buôn làng một năm mưa thuận, gió hòa, lúa trĩu hạt, thóc về đầy kho, rộn ràng tiếng chày giã gạo, tiếng chiêng vang vọng núi rừng, điệu xoang rộn ràng không dứt.
 
Cồng chiêng đi cùng người K’Ho suốt các giai đoạn của cuộc đời, từ khi cất tiếng khóc chào đời, đến khi nhắm mắt xuôi tay về với Yàng, cồng chiêng không thể thiếu trong các lễ nghi nông nghiệp và trong những sự kiện buồn vui, sinh hoạt cộng đồng của đồng bào. “Tiếng chiêng nhỏ, chiêng to, cồng con, cồng mẹ hòa vào nhau như mưa như gió, lúc nhẹ như nước chảy, lúc êm như gió chiều, lúc ầm ầm thác đổ, như sấm rền tháng 8, như mưa sa tháng 10. Đánh to rồn rập, tiếng chiêng luồn vào rừng sâu, bò lên núi cao; đánh chậm, tiếng chiêng trườn lên đồng cỏ, thú rừng quên ăn, quên uống, ngẩng đầu nghe tiếng chiêng”. Cùng với dàn chiêng 6, khèn M’puốt, Ching Yu (đấu chiêng đôi) là cuộc chơi đặc sắc của người K’Ho - Lâm Hà. Trong lễ hội, khi men rượu cần đã ngấm sâu vào mỗi người thì cũng là lúc các chàng trai thử tài đánh chiêng để chiếm lấy trái tim của các cô gái, Ching Yu là một hình thức đấu chiêng của người K’Ho như một cuộc chơi tao nhã. Trong thể thức cuộc chơi này, các chàng trai sẽ dùng tài nghệ đánh chiêng của mình để ép đối phương không đánh chiêng được, át đi tiếng chiêng của đối phương, làm cho đối phương loạn nhịp, sẽ giành chiến thắng. Phần thưởng giành cho người thắng cuộc là những cần rượu, ánh mắt và nụ cười ngọt ngào của các cô gái.
 
Trong muôn vàn trầm bổng, những thanh âm từ nhạc cụ tre nứa cùng hòa điệu với tiếng cồng chiêng, khi trầm hùng như thác nguồn, khi ầm ào như nước đổ, khi thánh thót như tiếng chim, lúc róc rách như suối chảy, khi dạt dào như gió luồn qua cây lá... Âm thanh là tiếng lòng con người kết nối với thần linh, nối hiện tại với quá khứ, gửi gắm khát vọng mong cuộc sống tốt đẹp hơn. Liên khúc dân ca Pép Tur Jun - Linh Leo vẽ nên không gian Nam Tây Nguyên hùng vĩ hoang sơ, những chàng trai, cô gái chăm chỉ với ruộng nương, khi nông nhàn cùng ngân nga câu yalyao, khúc tầm pớt, lời ca, tiếng hát rộn ràng đan xen cùng nhịp chiêng, điệu xoang, trao gởi tình cảm cho nhau, ước vọng về một cuộc sống ấm no thanh bình. 
 
Thi ẩm thực truyền thống tại liên hoan
Thi ẩm thực truyền thống tại liên hoan
 
Giữa muôn sắc trang phục thổ cẩm của các dân tộc anh em sống trên dải Trường Sơn - Tây Nguyên, váy áo của người K’Ho với hoa văn độc đáo mang bản sắc riêng. Người K’Ho chịu thương, chịu khó, cần cù lao động, chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống và luôn ý thức làm đẹp cho đời, làm đẹp cho chính mình. Người K’Ho có nghề dệt thủ công từ lâu đời với khung dệt đơn giản, chỉ là những thanh tre, gỗ làm tành ùi. Chất liệu vải từ cây bông tự trồng, xe thành sợi, nhuộm màu sắc từ thiên nhiên các loại vỏ cây, rễ, củ. Màu nền của vải là màu đen hoặc chàm được trang trí hoa văn, họa tiết hình học sắc sảo, nhưng không cầu kỳ. Người thợ vừa dệt vừa sáng tạo hoa văn, tỉ mỉ trên từng đường dệt. Ngoài váy, áo, khố dành cho nam giới, trang phục truyền thống độc đáo nhất của người K’Ho là tấm choàng (ùi) của người phụ nữ bởi tính đa năng, tiện dụng trong đời sống, phù hợp với phong tục tập quán, lao động sản xuất và khí hậu khắc nghiệt của núi rừng. Ùi làm khăn tắm khi xuống suối, ùi địu con khi lên rẫy, làm chăn đắp khi đêm về, quấn thành áo ấm khi trời trở lạnh...
 
Bên cạnh các tiết mục dân ca, dân vũ, các nghệ nhân K’Ho Lâm Đồng đã giới thiệu văn hóa ẩm thực với các món ăn truyền thống như cơm lam, thịt trâu gác bếp, canh da trâu cà đắng… và tái hiện lễ hội Nhô R’hê (mừng lúa mới) của đồng bào dân tộc K’Ho Srê huyện Lâm Hà. Trong lễ hội mừng lúa mới, lễ vật có rượu cần, cá khô, muối, xôi, trái cây và không thể thiếu nghi lễ hiến sinh để tạ ơn Yàng. Những năm được mùa thì hiến bằng trâu, nhỏ hơn thì bằng dê, gà. Sau khi thực hiện nghi thức hiến sinh bằng một con gà trống, già làng K’Thế dùng máu con vật bôi lên cây nêu, bôi lên mặt cồng chiêng và trán các thành viên dự hội, cầu sự may mắn, sức khỏe, bình an đến cho mọi người, cầu cho mùa rẫy năm sau Yàng cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Già làng xin phép Yàng cho hạ dàn chiêng xuống để buôn làng mở hội và làm thủ tục khai ché rượu cần, dâng bát rượu về phía cây nêu mời Yàng và các vị thần linh, rồi mời khách cùng uống. Tiếng cồng chiêng, những bài hát dân ca, vũ điệu xoang trong men rượu chuếnh choáng. Cuộc vui kéo dài, men rượu càng lúc càng ngấm sâu, tiếng chiêng thêm càng lúc càng vang xa, tiếng hát thêm ngọt ngào, da diết, lửa bập bùng thâu đêm. 
 
Vinh dự đại diện Nhân dân các dân tộc Lâm Đồng tham dự liên hoan, 30 nghệ nhân đến từ buôn Bồ Liêng đã để lại dấu ấn đẹp với phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực riêng có, góp một sắc màu đẹp trong vườn hoa muôn sắc các dân tộc anh em Trường Sơn - Tây Nguyên. Ông Hoàng Mạnh Tiến - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng cho biết: Là dân tộc sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Tây Nguyên, đồng bào K’Ho ở Lâm Hà luôn tự hào về truyền thống văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc của mình. Những năm qua, cộng đồng luôn có ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa. Không gian văn hóa cồng chiêng được các thế hệ tiếp nối nhau gìn giữ nguyên gốc và phát huy, đây cũng là huyện đầu tiên trong tỉnh có đội cồng chiêng nữ. Đã có 2 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “nghệ nhân ưu tú” là ông K’Bes và K’Ken, 5 nghệ nhân cấp tỉnh và hàng trăm thanh niên, thiếu niên đang không ngừng tiếp thu để kế tục các giá trị văn hóa truyền thống. Tái hiện lễ hội “Nhô R’hê” - mừng lúa mới, biểu diễn nghệ thuật dân gian với hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, trình diễn trang phục truyền thống, văn hóa ẩm thực tại Liên hoan diễn xướng dân gian, đồng bào K’Ho có quyền tự hào về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình trong dòng chảy văn hóa các dân tộc anh em trên dải Trường Sơn - Tây Nguyên. Từ đó, nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 
 
QUỲNH UYỂN