Thường xuyên tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng

03:07, 01/07/2022
(LĐ online) - Ngày 1/7, để kịp thời kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng trong những tháng cuối năm 2022, Sở Y tế Lâm Đồng yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thành phố khẩn trương tham mưu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, huy động các phòng, ban, ngành thuộc địa phương quản lý và UBND các xã, phường, thị trấn để tổ chức thường xuyên các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm mới nổi.
 
Tăng cường công tác giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch theo quy định của Bộ Y tế về việc hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh tay chân miệng. Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân sốt xuất huyết trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, chủ động nguồn hóa chất tại địa phương để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế.
 
Phối hợp với các cơ quan truyền thông tại địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết và tay chân miệng với nhiều hình  thức để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống tay chân miệng và sốt xuất huyết như: Lật úp, loại bỏ các dụng cụ chứa nước không sử dụng, diệt lăng quăng/bọ gậy, nằm màn, chống muỗi đốt, truyền thông về dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết và hướng dẫn khi mắc bệnh không tự điều trị tại nhà, đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời… Tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện.
 
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị y tế trong toàn ngành triển khai công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh mới nổi trên địa bàn theo đúng quy định. Thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch; hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng chống dịch. Đảm bảo cơ số hóa chất để kịp thời hỗ trợ cho các địa phương có số ca mắc tăng cao và nhiều ổ dịch trên diện rộng.
 
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn ngành dự trù đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư… để phục vụ cho công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm khi tới khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tổ chức tập huấn công tác điều trị bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng cho các bác sĩ tham gia điều trị sốt xuất huyết và tay chân miệng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn bù dịch theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyệt của Bộ Y tế, không truyền dịch khi chưa có chỉ định. Tuân thủ chỉ định chuyển từ dung dịch cao phân tử sang dung dịch điện giải khi người bệnh ra sốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi sử dụng dung dịch cao phân tử trên phải theo dõi sát tình trạng đáp ứng điều trị và phát hiện sớm các diễn biến để kịp thời hội chẩn khoa, hội chẩn bệnh viện hoặc hội chẩn tuyến trên.
 
Tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng lên tuyến trên, trước khi chuyển tuyến lên tuyến trên yêu cầu các cơ sở chủ động liên hệ, cung cấp các thông tin liên quan đến người bệnh để bệnh viện tuyến trên chủ động trong công tác điều trị. Thực hiện ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết.
 
Bố trí khu khám sàng lọc bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng một cách linh hoạt đáp ứng tình hình dịch; bố trí nhân lực có kinh nghiệm để khám phân loại, sàng lọc nhanh kịp thời điều trị cho ca bệnh.
 
Từ đầu năm 2022 đến nay, tại Lâm Đồng ghi nhận 659 ca bệnh sốt xuất huyết, tập trung nhiều tại TP Bảo Lộc 189 ca, huyện Đạ Tẻh 124 ca, Di Linh 99 ca… Bệnh tay chân miệng ghi nhận 239 ca trong toàn tỉnh, nhiều nhất tại TP Đà Lạt 54 ca, Đức Trọng 52 ca…
 
AN NHIÊN