Khát vọng lên thị xã

02:08, 18/08/2022
Bức tranh kinh tế huyện Đức Trọng gần đây có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Với mục tiêu trở thành thị xã và đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025, huyện Đức Trọng đã và đang đẩy mạnh các giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra, phấn đấu về đích đúng hẹn.
 
Đức Trọng đang thực hiện nhiều giải pháp, phấn đấu lên thị xã vào năm 2025. Trong ảnh: Một góc thị trấn Liên Nghĩa
Đức Trọng đang thực hiện nhiều giải pháp, phấn đấu lên thị xã vào năm 2025. Trong ảnh: Một góc thị trấn Liên Nghĩa
 
  NHIỀU THUẬN LỢI
 
Thuận lợi đầu tiên có thể kể đến là giải trình đô thị hóa nhanh của thị trấn Liên Nghĩa - trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội của huyện Đức Trọng. Liên Nghĩa đang "thay da đổi thịt" từng ngày và đã có diện mạo của một đô thị văn minh, hiện đại, năng động. Kinh tế của Liên Nghĩa không ngừng phát triển, quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng lên. Các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm từng bước được triển khai thực hiện, tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển; lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển khá đồng bộ, đời sống của Nhân dân không ngừng được nâng lên, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị ngày càng được kiện toàn, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, củng cố... 
 
Mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo và tham gia góp ý kiến nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Liên Nghĩa mở rộng, huyện Đức Trọng đến năm 2035. Phạm vi lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 46.221 ha, dân số khoảng 142.053 người (năm 2021), trong đó, gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thị trấn Liên Nghĩa và 7 xã: Hiệp An, Hiệp Thạnh, Liên Hiệp, Phú Hội, Tân Thành và Ninh Gia. Theo ngành chức năng, sự cần thiết lập quy hoạch chung đô thị Liên Nghĩa mở rộng vì đây là đô thị động lực phía Nam trong vùng đô thị đối trọng của vùng thành phố Đà Lạt. Đồng thời, là đầu mối giao thương giữa các vùng kinh tế động lực quốc gia, như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
 
Cùng với đó, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đức Trọng lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Đức Trọng đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, mọi mặt của đời sống xã hội. Kinh tế tiếp tục phát triển khá, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; trong đó: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ; thu ngân sách 5 năm đạt 4.945 tỷ đồng (đạt 121% kế hoạch). Các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm trên địa bàn huyện từng bước triển khai và đạt những kết quả khả quan; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư; chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đạt kết quả tốt (huyện Đức Trọng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019); diện mạo đô thị từng bước tiệm cận các tiêu chí đô thị loại IV. Các lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, vận tải, viễn thông, khách sạn... phát triển mạnh về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng lên; nếp sống văn hóa, văn minh đô thị tiến bộ; các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội đảm bảo. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội giữ vững, ổn định; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến tích cực... 
 
Chị Nguyễn Thị Mai (Tổ 23, thị trấn Liên Nghĩa) nói: "Tôi gắn bó với Liên Nghĩa hơn 15 năm nay, thấy rõ thị trấn này nói riêng và huyện Đức Trọng nói chung đang đổi thay từng ngày. Tin chắc rằng, với đà phát triển này, Đức Trọng sẽ phát triển lên thị xã trong thời gian sớm".
 

Các chỉ tiêu cụ thể được đặt ra: Đến năm 2025, thu ngân sách trên địa bàn bình quân tăng 10-12%; kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2020-2025 đạt 690-720 triệu đồng; phấn đấu độ che phủ rừng đạt 42%; 100% rác được thu gom và xử lý. 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có ít nhất 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng huyện nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa; tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt 35,78%; ngành Thương mại - dịch vụ đóng góp vào GRDP của huyện từ 12%-13%. Tập trung phát triển cây xanh đường phố, hoàn thành trồng 4,5 triệu cây theo Đề án Trồng 50 triệu cây xanh giai đoạn 2020-2025 của tỉnh... Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất đạt và vượt các chỉ tiêu đô thị loại III; đến năm 2045, trở thành đô thị thông minh, hiện đại.

 
•  CẦN THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP
 
Tháng 11/2021, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết về phát triển huyện Đức Trọng trở thành thị xã giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu nhằm phát triển Đức Trọng thành trung tâm công nghiệp, thương mại, tài chính, dịch vụ, logistics và là vùng kinh tế động lực quan trọng của tỉnh. Cụ thể, xây dựng Đức Trọng đến năm 2025, trở thành thị xã, đạt tiêu chí đô thị loại IV; đến năm 2030, đạt tiêu chí đô thị loại III và đến năm 2045, đạt tiêu chí đô thị loại II.
 
Ngay sau đó, Huyện ủy Đức Trọng đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát triển Đức Trọng trở thành thị xã giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng yêu cầu triển khai thực hiện đầy đủ, toàn diện các mục tiêu, hiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của huyện. Đồng thời, tập trung nguồn vốn để đầu tư chỉnh trang và phát triển đô thị các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại. Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, đề ra lộ trình triển khai thực hiện và thời gian hoàn thành các nhiệm vụ trên từng lĩnh vực; phân công cụ thể từng đồng chí ấp ủy viên, người đứng đầu tổ chức, nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
 
Cụ thể, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu; chuyển dịch kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, thương mại, công nghiệp, xây dựng; đổi mới công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn huyện. Huy động tối đa nguồn lực đầu tư vào huyện; trong đó, chú trọng các nguồn vốn tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), coi đây chính là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trường kinh tế và tạo nguồn đóng góp ngân sách bềnh vững cho huyện. Thực hiện hiệu quả các chương trình hợp tác, liên kết vùng, nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực tổng hợp cùng với các huyện, thành phố, lân cận trong tiểu vùng kinh tế Đà Lạt và vùng phụ cận của tỉnh Lâm Đồng, gồm Đà Lạt - Đơn Dương - Đức Trọng - Lâm Hà; là cửa ngõ của thành phố Đà Lạt, có điều kiện hạ tầng kết nối với Quốc lộ 27, Quốc lộ 20, Quốc lộ 28, sân bay Quốc tế Liên Khương, đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt, nằm trên trục giao lưu kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, Buôn Ma Thuột... có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội - an ninh Quốc phòng và trở thành khu vực trung chuyển, phân phối lưu thông hàng hóa với các mối kinh tế trong tỉnh, trong nước và quốc tế.
 
Cùng với đó, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ, hiện đại, có ý nghĩa chiến lược; phát triển công nghiệp - xây dựng theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững; phát triển thương mại, dịch vụ, logistics, du lịch; phát triển đô thị theo hướng đô thị, thông minh... 
 
NHẬT MINH