Hỗ trợ phụ nữ yếu thế khởi nghiệp

06:09, 16/09/2022
Trong thời gian qua, các phong trào do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cát Tiên phát động, trong đó có Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, đã lan tỏa khí thế, tinh thần cùng nhau khởi nghiệp, lập nghiệp đến những phụ nữ thuộc đối tượng yếu thế, những chị em dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
 
Chị Triệu Thị Huế đã mạnh dạn đầu tư lò ấp trứng gia cầm để khởi nghiệp
Chị Triệu Thị Huế đã mạnh dạn đầu tư lò ấp trứng gia cầm để khởi nghiệp
 
Được sự giới thiệu của Hội LHPN huyện Cát Tiên, chúng tôi tìm đến mô hình lò ấp trứng gia cầm của gia đình chị Triệu Thị Huế ở Thôn 2, xã Tiên Hoàng. Đây là tấm gương tiêu biểu về nghị lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống tại địa phương. 
 
Vừa tất bật giao hàng cho khách xong, chị Huế lại nhanh tay kiểm tra nhiệt độ của lò ấp trứng và chất lượng trứng trước khi đưa vào lò để ấp. Bố mẹ mất sớm, nhà lại không có đất để canh tác, bản thân lại là người khuyết tật, nhưng trong suy nghĩ của mình, chị Huế luôn trăn trở, mong muốn kiếm một công việc phù hợp, có thu nhập để trang trải cuộc sống. 
 
Chị Huế cho hay, xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên có hơn 90% dân số tại địa phương làm nông nghiệp kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, người dân vẫn duy trì thói quen ấp nở trứng tự nhiên, do đó tỷ lệ trứng nở con không cao. Do đó, tiềm năng để mở một lò ấp trứng với quy mô nhỏ, trước nhằm phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, sau đó mở rộng tìm kiếm thêm nguồn khách hàng là vô cùng khả quan. 
 
Chính vì vậy, ngay khi được Hội LHPN huyện Cát Tiên cũng như xã Tiên Hoàng tư vấn, hỗ trợ, chị Huế đã mạnh dạn đầu tư 1 lò ấp trứng với trị giá 25 triệu đồng, công suất ấp đạt 4.000 quả/năm để phục vụ nhu cầu của bà con địa phương, lại vừa cho thêm thu nhập cho gia đình. Các loại trứng gia cầm sau khi được người dân đưa đến sẽ được chị Huế ghi chú cẩn thận trước khi đưa vào lò ấp. Tại đây, máy sẽ được điều chỉnh nhiệt độ phù hợp và thực hiện đảo trứng để tất cả trứng trong máy đều đạt được môi trường lý tưởng nhất cho quá trình ấp trứng và nở. Ngoài ra, máy ấp trứng cũng sẽ thực hiện theo quy trình ấp đa kỳ, cứ 20 ngày thì nở một lứa với tỷ lệ nở đạt gần như 100% đối với trứng đạt yêu cầu. Khi trứng gia cầm nở, chị Huế sẽ giao lại cho các hộ dân về chăm sóc. 
 
Chị Huế chia sẻ: “Trước khi thực hiện ý tưởng khởi nghiệp, bản thân tôi cũng đã tìm hiểu, nắm tình hình về thị trường và đối tượng khách hàng. Trong đó, các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Tiên Hoàng là khách hàng tiềm năng chính. Mục đích của tôi là tạo ra những sản phẩm tốt, chất lượng giống gia cầm con tốt phục vụ nhu cầu chăn nuôi của người dân”. 
 
Để mở rộng và tìm kiếm thêm khách hàng, trong thời gian qua, chị Huế đã tập trung giới thiệu quảng cáo mô hình trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook. Đặc biệt, chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia Hội thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2022 do Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng tổ chức. “Khi tham gia hội thi này, tôi mong muốn dự án của mình sẽ được các cấp Hội quan tâm, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp và kết nối thị trường tại địa phương; mở các lớp tập huấn, hỗ trợ các thành viên nâng cao năng lực quản lý, hướng dẫn cách quản lý kinh doanh, thúc đẩy mô hình phát triển bền vững. Mặt khác, thông qua mô hình này, tôi muốn hướng đến những người yếu thế và hy vọng có thể truyền động lực của mình đến những chị em phụ nữ khác”, chị Huế cho hay.
 
Bà Trần Thị Ngọc Lài - Chủ tịch Hội LHPN huyện Cát Tiên cho biết, để góp phần giúp các chị có được cuộc sống an toàn, khẳng định giá trị bản thân, xây dựng gia đình hạnh phúc và xây dựng xã hội, Hội LHPN các cấp phối hợp với các ngành chức năng đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ khuyết tật nhằm tạo điều kiện cho các chị được học tập, học nghề, vay vốn, tạo việc làm phù hợp, cải thiện đời sống. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân nhằm xóa bỏ sự kỳ thị, các thông tin liên quan về giới, bình đẳng giới, kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục về vai trò của gia đình và trách nhiệm của cộng đồng hỗ trợ các chị vươn lên về mọi mặt.
 
Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp tổ chức hoạt động tăng cường năng lực cho phụ nữ khuyết tật trong cộng đồng dân cư giúp các chị tự khẳng định giá trị bản thân, thay đổi hành vi, có cơ hội để hòa nhập và phát triển, ưu tiên hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà dột nát, xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ nữ hội viên được vay vốn tại địa phương, định hướng, giúp đỡ đào tạo nghề, phù hợp với khả năng để giúp chị em có cơ hội tham gia lao động, ổn định thu nhập.
 
Trong đó, phải kể tới tấm gương điển hình của chị Triệu Thị Huế với thành tích đoạt giải Nhì Hội thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2022 do Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng tổ chức vừa qua. Trong thời gian đến, Hội LHPN huyện Cát Tiên sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động khuyết tật thông qua các hoạt động đào tạo nghề từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Từ đó, giúp hội viên phụ nữ khuyết tật có cơ hội việc làm, tạo thu nhập một cách độc lập nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình.
 
HOÀNG SA