Tượng phúc thần Ganesha ở Thánh địa Cát Tiên

06:09, 22/09/2022
Qua các đợt khai quật, giới khảo cổ đã tìm thấy ở Thánh địa Cát Tiên 3 tượng Ganesha. Trong 3 tượng đó, nhà trưng bày của Thánh địa Cát Tiên đang lưu giữ 1 tượng Ganesha bằng đá bazan, phục vụ công tác tham quan, nghiên cứu.
 
Một trong ba bức tượng phúc thần Ganesha được tìm thấy tại Thánh địa Cát Tiên
Một trong ba bức tượng phúc thần Ganesha được tìm thấy tại Thánh địa Cát Tiên
 
  VỊ PHÚC THẦN TRONG HINDU GIÁO
 
Theo các chuyên gia cổ sử, trong quan niệm của tín hữu Hindu giáo, Ganesha là vị phúc thần, chuyên ban phát những điều tốt lành cho mọi người. Bộ kinh Purana Shiva miêu tả rằng, Ganesha là con trai của nữ thần Parvati và Shiva, nhưng chỉ do mình nữ thần Parvati tạo ra. Trong một lần nữ thần Parvati tắm, để đảm bảo cho sự riêng tư của mình, nữ thần đã lấy lớp da bên ngoài cơ thể tạo ra cậu bé Ganesha khôi ngô, rồi bảo cậu canh chừng. Thần Shiva trở về nhà và đi thăm vợ, thấy một cậu bé lạ mặt, lại ra sức ngăn cản mình. Thần Shiva không biết cậu bé ấy là con trai của mình nên rất tức giận và đã chém đứt đầu Ganesha. Parvati tắm xong, thấy con trai mình bị mất đầu, vô cùng đau khổ. Thần Shiva khi biết chuyện đã rất hối hận, bèn sai đoàn thiên binh của mình (gana) đi bắt một sinh vật đang ngủ để lấy đầu thay cho Ganesha. Thần Shiva còn ra điều kiện với gana, sinh vật đang ngủ đó đầu phải quay về hướng Bắc. Đoàn thiên binh tìm mãi nhưng chỉ gặp một con voi đang nằm ngủ trong tư thế mặt quay về hướng Bắc như yêu cầu của thần Shiva. Thế rồi, gana đã mang con voi đó về cho thần Shiva. Thần Shiva lấy đầu con voi để bù cho con trai và thổi sự sống vào Ganesha. Do được ghép bởi đầu voi nên Ganesha có nhân dạng mình người đầu voi. Thần Shiva giao cho con trai nhiệm vụ lãnh đạo (pati) đoàn thiên binh kia. Từ đó, Ganesha còn được gọi bằng cái tên khác, là thần Ganapati.
 
Ganapati tượng trưng cho “sự hợp nhất giữa tiểu vũ trụ và đại vũ trụ”, cũng là vị thần hiện thân cho sự thông minh, trí tuệ và sáng tạo. Ganapati là vị thần mang lại hạnh phúc, may mắn cho mọi người.
 
  TƯỢNG PHÚC THẦN GANESHA TẠI CÁT TIÊN
 
Thánh địa Cát Tiên là một quần thể liên lập các phế tích kiến trúc đền tháp chịu ảnh hưởng Ấn Độ giáo. Vì vậy, việc tượng phúc thần Ganesha có mặt tại đây cũng không có gì lạ. Bằng chứng tại Thánh địa Cát Tiên, các nhà khảo cổ đã phát hiện 3 tượng Ganesha.
 
Tượng thứ nhất được tìm thấy tại gò 1A. Tượng này chế tác từ đá sa thạch màu xám xanh. Theo đo đạc của các chuyên gia, tượng cao 34 cm, rộng 21 cm, thể hiện vị phúc thần trong tư thế ngồi trên bệ hình chữ nhật. Bệ tượng cao 6 cm, dài 21 cm, rộng 14 cm. Niên đại của tượng được xác định vào khoảng từ thế kỷ VII - thế kỷ VIII. Tượng đặc tả khá hiện thực với cái đầu voi tròn, trán nở, hai tai to chảy dài xuống, hai mắt nhỏ, vòi vươn dài vắt sang bên trái, đầu vòi đặt nhẹ lên chiếc đĩa tròn. Tay trái của tượng xòe ra đỡ lấy chiếc đĩa. Tay phải tượng thu lại ngang thân, nắm chặt con rắn. Tượng có vai nở rộng. Bụng tượng to tròn, ngang thân quấn một tấm vải mỏng. Hai chân tượng xếp bằng, lòng bàn chân ngửa lên phía trên. 
 
Một tượng Ganesha khác, phát hiện tại gò 2A. Bức tượng tạc bằng chất liệu đá bazan, cao 1,2 m (riêng phần đế cao 0,38 m), rộng 0,7 m, dày 0,35 m, trong tư thế ngồi xếp bằng trên bệ đá có chốt cắm. Các nhà khảo cổ nhận định, tượng có niên đại từ thế kỷ VII - VIII. Qua quan sát thực địa, đầu tượng khá to, trán hơi gồ. Mặt tượng bị vỡ. Ngoài ra, chiếc vòi voi vắt sang phía bên trái đã bị gãy và cánh tay phải cầm ngà voi cũng đã bị gãy. Tượng mô tả hai tai to hình cánh quạt buông xuống vai, cánh tay mập, bàn tay không thể hiện rõ ràng chi tiết. Thân tượng tròn với phần bụng to, hai chân xếp bằng tạo thành một khối liền với bệ tượng. Bề mặt tượng khá gồ ghề, khiến người xem có cảm giác đây mới chỉ là một phác thảo tượng, chưa phải là một bức tượng hoàn chỉnh.
 
Tại gò số 8, các nhà khảo cổ còn phát hiện thêm một tượng Ganesha bằng đá sa thạch hạt mịn, màu xám xanh. Tượng cao 17 cm, rộng 10,8 cm. Tượng trong tư thế ngồi xếp bằng trên bệ hình chữ nhật dẹt. Niên đại của bức tượng này được xác định, khoảng thế kỷ VIII - IX. Phần đầu tượng thể hiện đôi tai lớn, vành tai buông nhẹ lên hai bên bờ vai. Đầu tròn có hai u nổi cao, hai mắt tròn với mí mắt cong mềm tạo nên đôi mắt khá sinh động. Phần thân trên để trần thể hiện sự khỏe khoắn và phần thân dưới mặc Sampot. Ngà ngắn như mới nhú. Tượng có vòi vắt sang bên phải, nhúng phần đầu vòi vào một chiếc tô. Đặc điểm này hoàn toàn khác so với hai tượng Ganesha đã tìm thấy ở gò 1A và gò 2A. Bởi hai tượng Ganesha kia, phần vòi voi đều vắt sang bên trái. Các nhà khảo cổ đoán định, sự khác biệt đó, có thể do sự ngẫu hứng của nghệ nhân hoặc do người nghệ nhân tạc bức tượng này thuận tay phải?
 
Nhìn chung, 3 tượng Ganesha được tìm thấy tại Thánh địa Cát Tiên đều có kích thước tương đối nhỏ. Các bức tượng ở đây thiên về tả thực, thể hiện thần Ganesha trong tư thế ngồi xếp bằng. Thân hình tượng mập mạp, chắc khỏe, sinh động. Cả 3 bức tượng đều tạc bằng chất liệu đá với 2 cánh tay, không tạc nhiều tay như các bức tượng ở những di tích khảo cổ khác.
 
Mặc dù là vị phúc thần có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhưng khi du nhập vào các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, Ganesha đã mang thêm những quan niệm bản địa, được thờ cúng theo những quan niệm khác nhau của mỗi dân tộc. Trong phạm vi văn hóa cung đình, thần được xem là người trợ giúp nhà vua trong các cuộc chiến tranh chinh phạt. Trong tín ngưỡng dân gian, thần lại được dân chúng sùng bái như một vị thần tài lộc, chuyên ban phát phúc lành, tháo gỡ khó khăn, mang đến những niềm vui và hạnh phúc cho con người.
 
Rõ ràng, việc phát hiện 3 tượng phúc thần Ganesha tại Thánh địa Cát Tiên không chỉ khẳng định giá trị lịch sử của Thánh địa Cát Tiên, còn làm xuất lộ các giá trị về tín ngưỡng, giá trị mỹ thuật và làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa vùng đất cổ Cát Tiên.
 
TRỊNH CHU