AAV định hướng nội dung chương trình ưu tiên giai đoạn 2023 - 2027

06:11, 05/11/2022
(LĐ online) - Chiều 4/11, tại thành phố Đà Lạt, ActionAid Việt Nam (AAV) đã tổ chức hội thảo để rà soát lại kết quả thực hiện chương trình ưu tiên 2018 - 2022 và định hướng nội dung chương trình ưu tiên giai đoạn 2023 - 2027.
 
Toàn cảnh buổi hội thảo
Toàn cảnh buổi hội thảo
 
Tham dự hội thảo có ông Jagat Pattnaik - Giám đốc ActionAid quốc tế khu vực Châu Á; bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng đại diện của tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam; đại diện các cơ quan đối tác tại Việt Nam; đại diện các Ban Quản lý dự án do ActionAid tài trợ tại các địa phương trong nước; các chuyên gia, nhà tư vấn.
 
ActionAid là một Liên đoàn Quốc tế hoạt động với mục tiêu chấm dứt đói nghèo và bất công. Đên nay ActionAid đa có mặt tại 47 quốc gia trên thế giới. Trong hoạt động của mình, ActionAid đã tích cưc tham gia vào các nỗ lực xóa nghèo và phát triển tại các khu vực Châu Á, Châu Âu, Mỹ Latinh va Châu Phi. ActionAid Việt Nam (AAV) là một bộ phận của ActionAid Quốc tế (AAI) và đã chính thức trở thành thành viên liên kết của Liên đoàn AAI từ tháng 6 năm 2015. 
 
Bắt đầu mở Văn phòng Đại diện tại Việt Nam từ năm 1992, đến nay AAV đã có 30 năm liên tục hợp tác với Việt Nam thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển dài hạn tại các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực nghèo đô thị. Trong 30 năm hoạt động tại Viêt Nam, với ngân sách trung bình hàng năm đạt 2-3 triệu Bảng Anh, AAV cũng đã hỗ trợ trực tiếp hàng triệu lượt người trên khắp cả nước. Đặc biệt, AAV đã tập trung vào các nhóm phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn... Riêng trong năm 2016, AAV đã hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp hơn 2,6 triệu người tại địa bàn các tỉnh khó khăn có cuộc sống tốt đẹp hơn. 
 
AAV xây dựng định hướng Chương trình giai đoạn 2018-2023 là “Thúc đẩy quyền con người vì công lý xã hội”, với niềm tin vững chắc và cam kết hành động vì một thế giới công bằng, bền vững, nơi bất cứ ai cũng có thể tận hưởng quyền được sống với phẩm giá. AAV cũng hỗ trợ hành động của người dân để cải thiện sinh kế, thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu và xây dựng cộng đồng an toàn; thúc đẩy thực hiện dân chủ cơ sở để tăng cường quyền tiếp cận dịch vụ công có tính nhạy cảm giới của người dân. AAV cũng thực hiện đối tác, cộng đồng và tổ chức được nâng cao năng lực thực tế (tri thức, kỹ năng, không gian thảo luận và kết nối mạng lưới) nhằm xây dựng công lý xã hội.
 
Tại Lâm Đồng, trong 10 năm qua, AAV cùng với chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, địa phương tại huyện Lâm Hà triển khai rất nhiều hoạt động thiết thực, đáp ứng những nhu cầu cụ thể của người dân cũng như hài hòa với chủ trương, chính sách của chính quyền các cấp. Các chương trình mà AAV thực hiện tại Lâm Hà được chính quyền địa phương và người dân đánh giá rất cao vì đã góp phần giúp cho người dân nơi điều kiện học hỏi thêm những kiến thức về trồng trọt, thực hiện các mô hình nông nghiệp và sinh kế bền vững, được tiếp cận thêm nguồn vốn từ AAV để phát triển kinh tế gia đình, từng bước xóa đói, giảm nghèo. 
 
Sau 10 năm đầu tư của ActionAid vào Lâm Hà với số tiền thực hiện trên 20 tỷ đồng đã góp phần giúp đời sống của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo được cải thiện; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội được nâng cao và có bước phát triển bền vững. Các mô hình, nội dung hoạt động của ActionAid đã trở thành kinh nghiệm tốt để Lâm Hà áp dụng vào việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận, bàn bạc, đưa ra các ý tưởng để định hướng nội dung chương trình ưu tiên của AAV giai đoạn 2023 - 2027.
 
DUY NGUYỄN