Giữ hồn cốt cho làng quê Việt Nam (Kỳ cuối)

07:11, 17/11/2022
[links()] Cần phải có sự định hướng rõ ràng, hệ thống chính sách đi vào cuộc sống, can thiệp phù hợp và kịp thời. Những chương trình, dự án cụ thể về lĩnh vực bảo tồn văn hóa làng xã truyền thống và cảnh quan kiến trúc nông thôn cũng phải được triển khai quyết liệt nhằm kịp thời phát huy những ảnh hưởng, xu hướng biến đổi tích cực và đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực, những mặt trái đang xâm thực, bào mòn dần các hệ giá trị văn hóa cổ truyền nông thôn Việt Nam. 
 
Kỳ cuối: Bảo tồn truyền thống và kiến tạo giá trị gia tăng
 
Thực trạng kiến trúc nông thôn đòi hỏi phải có những nghiên cứu sâu, những giải pháp hợp lý. Không nên áp đặt hình mẫu chung mà phải tìm kiếm những mô hình nhà ở phù hợp với địa hình, cảnh quan, khí hậu, đáp ứng công năng nhưng vẫn đảm bảo bản sắc vùng, miền, thậm chí theo cảnh sắc, địa thế mỗi làng. Những ngôi nhà nông thôn không chỉ đáp ứng nhu cầu của con người nơi đó mà còn tạo nên sức sống, vẻ đẹp sinh động của làng quê với nét đặc trưng riêng; hiện đại, tiện nghi mà vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống. Những ngôi làng cũng không trở thành những cái “tổ người” chật chội mà vẫn là nơi chốn trữ tình, thanh tao. Về điều này, ông cha ta từ hàng nghìn năm qua đã kiến tạo những mô hình phù hợp, điều đó là cốt lõi để dựng nên bản sắc cho cảnh quan làng Việt; đó là hình ảnh những làng nông nghiệp, làng chài ven biển, làng nghề thủ công, làng trung du và buôn - bản miền núi rất dễ nhận diện. Còn ngày nay, nền tảng kinh tế - xã hội có sự thay đổi, công nghiệp, thương mại phát triển mạnh ở vùng nông thôn; công năng của mỗi ngôi nhà, cách tổ chức sinh hoạt trong từng gia đình cũng không giống trước. Chúng ta hãy coi đó là những thách thức khoa học, những bài toán khó mà các nhà hoạch định, quản lý và chuyên môn cần đóng góp tâm huyết, trí tuệ để đưa ra lời giải. Cần nhấn mạnh rằng, dù với cách làm nào nhưng vẫn phải định vị và nhận diện đặc thù kiến trúc nông thôn, tiếp thu sự hiện đại nhưng không phải là sự vay mượn, chắp vá mà phải giữ được bản sắc cốt lõi, không xóa nhòa phong vị, như một sự khẳng định sức sống ngàn năm của văn hóa làng Việt… 
 
Bên mái nhà xưa. Ảnh: Thanh Hà
Bên mái nhà xưa. Ảnh: Thanh Hà
 
Thời đại phát triển, chúng ta cũng không chỉ sống bằng tâm niệm hoài cổ theo tư duy “ao làng”. Nhưng phải nhận thức rằng, những giá trị tốt đẹp xưa cũ thì không nên để dễ dàng mất đi mà phải bảo tồn hài hòa trong không gian mới mẻ khi tiến trình phát triển không thể dừng lại. Xã hội ngày nay với những biến động không ngừng của nó, cần phải được nhìn nhận và tìm kiếm những giải pháp phù hợp. Như đã nói, sự chuyển hóa của kiến trúc nông thôn theo quá trình hiện đại hóa là một điều tất yếu và những thay đổi kèm theo là không thể tránh khỏi. Nhưng theo một số chuyên gia mà chúng tôi tiếp xúc, sự thay đổi đó cần có triết lý, có định hướng, có cơ sở và quan trọng là phải bám theo những vấn đề “cốt lõi” như đã nói. Các nghiên cứu, thí điểm mô hình kiến trúc phải nằm trong tổng quan nghiên cứu nông thôn mỗi vùng cùng với việc phát huy được kiến trúc, coi kiến trúc cũng là tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và giữ gìn văn hóa. Làng ngư nghiệp sẽ khác với làng nông nghiệp, làng miền núi, trung du sẽ không giống với đồng bằng; làng người Mông tất nhiên sẽ khác với làng Banar. Ví như làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) được bảo tồn chính là tài sản quý của cư dân làng phát triển du lịch. Những làng chài ven biển miền Trung xanh mát bóng dừa được người dân cải tạo làm những homestay nghỉ dưỡng hấp dẫn. Gần đây, nhiều bản người Thái, người Mường ở phía Bắc, các buôn người Ê Đê, K’Ho phía Nam hay các làng người Kinh khu vực đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long đã rất quan tâm bảo tồn văn hóa tộc người và không gian sống cổ truyền nhằm khai thác du lịch. Từ góc độ bảo tồn không gian làng Việt thì hãy coi đó là những hình mẫu quý. Cách làm đó của chúng ta cũng tương đồng như nhiều quốc gia đã áp dụng thành công mô hình “nông thị” hay cách gọi khác là “nông trấn” (Agritown) như một cách dung hòa giữa phát triển hiện đại và bảo lưu những giá trị truyền thống. Trong một “nông thị” như thế, khu vực tâm linh, nhà ở, sản xuất, thương mại, hành chính, trường học được sắp xếp hợp lý, hài hòa cùng với diện tích cây xanh, mặt nước, bãi cỏ, khu vui chơi vẫn được ưu tiên. 
 
Khác với đô thị với những luật định, quy định nghiêm ngặt hơn, quy hoạch, kiến trúc nông thôn do những vấn đề mang tính lịch sử - văn hóa, cần đến nhiều cơ chế mang tính tổng hợp, bao gồm: định hướng, quản lý, tham vấn và tuyên truyền. Lúc sinh thời, trong một cuộc hội thảo, kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện đã khuyến nghị: “Vấn đề quy hoạch phát triển nông thôn không chỉ có Bộ Xây dựng mà liên quan đến nhiều bộ, ngành chức năng, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”. Quy hoạch nông thôn hiện nay chưa thống nhất, đồng bộ, vì vậy, các bộ liên quan nên có sự phối hợp với nhau để đưa ra những bản quy hoạch thật sự có tính hệ thống và quy mô mang tính chiến lược cho các địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp phải nhận thức được vấn đề, cần tham khảo, lựa chọn và áp dụng mô hình phù hợp đối với địa phương mình để ngăn chặn yếu tố tự phát trong xây dựng, kiến trúc hiện nay. Ngay cả vấn đề cơ bản trong phát triển quỹ đất như giữa vấn đề đô thị hóa, xây dựng các khu công nghiệp và bảo vệ đất canh tác, đất thổ cư nông thôn cũng đang gặp nhiều mâu thuẫn, nhiều địa phương lúng túng. Thiết nghĩ, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) nên đặc biệt quan tâm đến sự thay đổi diện mạo các làng quê và phải vào cuộc quyết liệt để giữ lấy hình ảnh làng Việt trong thời hiện đại. Không có mẫu chung cho nông thôn, nhưng cần phải xây dựng những mẫu kiến trúc phù hợp với mỗi miền, mỗi làng, cùng với các bộ, các ngành khác, đây chính là chuyên môn và trách nhiệm của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia và Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Xin được gửi gắm tâm nguyện tới các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư, không chỉ nên chăm chút cho đô thị mà hãy nhiệt tình hơn với nông thôn chúng ta. Với trách nhiệm và tài năng, các vị tham gia cùng chính quyền cơ sở và hướng dẫn người dân ý thức hơn trong việc bảo tồn và kiến tạo những giá trị gia tăng để làm đẹp không gian, cảnh quan làng quê Việt Nam trong thời đổi mới…
 
* * *
 
Như đã phản ánh, trong khi kiến trúc, cảnh quan nông thôn có những thay đổi theo hướng tiêu cực, thì các giá trị văn hóa tinh thần của làng quê Việt Nam đã có những mai một, phai nhạt một cách đáng báo động. Vẫn biết rằng, xã hội phát triển thì nhiều kết cấu tưởng chừng bền vững đang có nguy cơ tuột rã, lơi lỏng. Trước nguy cơ đó, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và mới đây, Hội nghị văn hóa toàn quốc thêm một lần xác định, nền văn hóa Việt Nam phải đứng vững trên “đôi chân” vừa tiên tiến - hiện đại, vừa đậm đà bản sắc, kế thừa truyền thống. Sự biến đổi văn hóa cổ truyền trong xã hội hiện đại với sự thay đổi sâu sắc các nền tảng là một tất yếu. Nhưng biến đổi không thể là biến mất, bởi di sản ông cha để lại phải được con cháu gìn giữ và phát huy bằng nhiều cách khác nhau. 
 
Trước hết, khi đời sống người dân nông thôn có nhiều khởi sắc thì chính quyền cần là người định hướng và tổ chức Nhân dân trong việc phát huy niềm tự hào và trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống song song với việc xây dựng một nông thôn tiên tiến, hiện đại. Tu bổ và phát huy giá trị các di tích và phục hồi các lễ tiết, lễ hội, thông qua đó, cùng với việc thực hành các nghi lễ, tín ngưỡng cổ truyền, các trò chơi truyền thống cần bổ sung các trò chơi giải trí, hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao mang hơi thở đương đại và phù hợp với mọi lứa tuổi. Bên cạnh loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi thì cần phải phát huy những yếu tố tốt đẹp, nhân văn trong các phong tục có từ thời xa xưa. Chính quyền các địa phương cũng cần quan tâm phát huy mặt tích cực của văn hóa dòng họ, hội đồng già làng trong công tác vận động xã hội, nhất là phong trào khuyến học, bảo đảm trật tự trị an và đẩy lùi tệ nạn. Các bản hương ước, luật tục xưa có nhiều nội dung mang tính điều chỉnh đạo đức xã hội, nên chăng có sự lựa chọn và áp dụng mặt tích cực phù hợp ở những làng đặc thù? Ở các vùng, các làng, buôn có truyền thống văn hóa - văn nghệ đặc sắc, nên có chính sách động viên các nghệ nhân dân gian, giúp họ có thêm niềm đam mê và động lực trong việc tiếp lửa, trao truyền. Đưa di sản vào trường học, thành lập các câu lạc bộ; khơi dậy phong trào bằng cách tổ chức các cuộc thi, các cuộc liên hoan. Về điều này, các làng quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ, ví giặm Nghệ Tĩnh, ca trù Hà Nội, bài chòi các tỉnh miền Trung, ca Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, cồng chiêng Tây Nguyên… đã làm; nhưng muốn thành công hơn thì cần phải có sự định hướng rõ ràng của chính quyền, sự hỗ trợ nhiệt tình của ngành Văn hóa và ngành Giáo dục... 
 
Các cuộc vận động lớn liên quan xây dựng đời sống văn hóa nói chung và làng văn hóa nói riêng đã tạo nên động lực, góp phần xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta hãy tiếp tục các cuộc vận động nhưng cần đi vào chiều sâu và thực chất, không nên chỉ là sự công nhận mang tính hình thức như một số nơi mắc phải. Làng văn hóa được công nhận phải là làng thực hiện đủ các tiêu chí, mà trong đó, người dân là chủ thể sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa; tình làng nghĩa xóm được thắt chặt; nhân cách và lối sống đẹp được phát huy. Làng văn hóa cũng góp phần ổn định chính trị, đời sống, dân trí nâng cao, kinh tế phát triển, đẩy lùi đói nghèo lạc hậu và tệ nạn xã hội bị bài trừ. Cũng như vậy, việc công nhận gia đình văn hóa phải là sự thực chất, những gia đình được biểu dương phải là những điểm sáng, có sức làm gương và lan tỏa ra cộng đồng. Làm sao để làng Việt ngày nay phải là một môi trường dân chủ, văn hóa, an toàn, lành mạnh và tiến bộ. 
 
Nói tóm lại, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nông thôn ngày càng diễn ra mạnh mẽ, kéo theo những biến động văn hóa ở khu vực này. Trong xu hướng tương lai, sự vận động và biến đổi ngày càng phức tạp hơn. Chúng ta cùng nhận thức sâu sắc rằng, bảo tồn những giá trị quý báu của văn hóa làng vốn đã được các thế hệ người Việt thanh lọc qua biết bao thăng trầm thời gian, chính là giữ hồn cốt của người Việt Nam, của tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam. Văn hóa là bản sắc, là hình ảnh nhận diện, văn hóa cũng là động lực của tiến trình phát triển, là kháng thể cho người Việt khẳng định bản lĩnh vững vàng trước mọi biến động và thử thách của thời cuộc.
 
UÔNG THÁI BIỂU