Thầy giáo, cô giáo quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục

08:11, 18/11/2022
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, mỗi thầy giáo, cô giáo là những chiến sĩ trên mặt trận giáo dục, là “những người vẻ vang nhất, là những người anh hùng vô danh”. Bởi “nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. 
 
Tặng Giấy khen của Giám đốc Sở GDĐT cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc
Tặng Giấy khen của Giám đốc Sở GDĐT cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc
 
THÀNH QUẢ GIÁO DỤC LÂM ĐỒNG 
 
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định nhiều nội dung liên quan đến giáo dục và đào tạo (GDĐT), trong đó có nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục. Đó là “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục là khâu then chốt; chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên (GV); đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục; sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục”...
 
Đối với nền giáo dục tỉnh Lâm Đồng, tuy là địa bàn miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, còn nhiều vùng khó khăn về các điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, nhưng cả hệ thống chính trị đã nỗ lực không ngừng và vươn lên nhiều năm nay đạt các thành tích thuộc Top đầu của cả nước. Những thành quả đó đã được ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất; Công đoàn ngành Giáo dục được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất… Toàn ngành đã có 32 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; nhiều tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Huân chương Lao động, cờ thi đua, bằng khen.
 
Đến nay, đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, cả sự hợp lý về cơ cấu và phân bố khá toàn diện trong các cấp, bậc học. Toàn ngành hiện có 682 đơn vị trường học với 330.786 học sinh. Có 21.901 CBQL và GV; trong đó, đã đạt trình độ đào tạo trên chuẩn 59,92% và đạt chuẩn 29,85% (ở bậc học mầm non); 0,54% và 78,34% (ở tiểu học); 1,55% và 78,34% (ở trung học cơ sở); tiến sĩ 0,14%, thạc sĩ 14,82%, đại học 85,04% (ở trung học phổ thông). Năm học 2021-2022 vừa qua, toàn ngành có 541 tập thể và 7.577 cá nhân được khen thưởng. Đặc biệt có 123 nhà giáo và CBQL giáo dục tiêu biểu trong công tác giảng dạy, quản lý, gương mẫu đi đầu việc thực hiện “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương và thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. 
 
NHIỀU VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ HƯỚNG TỚI
 
Vẫn còn nhiều vấn đề về đội ngũ đặt ra cho toàn ngành GDĐT nói chung trong đó có tỉnh Lâm Đồng cần tiếp tục vượt qua. Đó là, hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực thấp; hệ thống văn bản liên quan chưa đồng bộ, kịp thời. Sự bất cập về số lượng, cơ cấu; tình trạng thừa, thiếu cục bộ; tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đạt theo quy định. Chất lượng, cơ cấu đội ngũ không đồng đều, chưa hợp lý giữa các cấp học, các môn học và ngành nghề đào tạo. Năng lực lãnh đạo, quản lý, quản trị, ngoại ngữ, tin học của nhiều CBQL giáo dục còn thấp. Một bộ phận nhà giáo còn yếu về năng lực sư phạm, chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn nghề nghiệp; thiếu tâm huyết, có biểu hiện thiếu trách nhiệm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; ý thức tự bồi dưỡng, tự học tập chưa thật tốt. Công tác đánh giá, xếp loại nhà giáo và CBQL giáo dục có nơi chưa thực chất, chưa phản ánh đúng năng lực…
 
Với vai trò, vị trí quyết định về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục càng quan trọng để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Vì vậy cần có nhiều giải pháp đồng bộ trong thực hiện như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ; tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo GV; bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục từng cấp bậc học…
 
Tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022) của ngành GDĐT tỉnh Lâm Đồng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm. Đó là, toàn ngành phải thay đổi nhận thức, tiếp cận tinh thần đổi mới của Nghị quyết 29/TW; khẩn trương rà soát hiện trạng đội ngũ GV để chủ động xây dựng và thực hiện bồi dưỡng, tập huấn chất lượng, hiệu quả; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của GV, CBQL giáo dục; tăng cường công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
 
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Tôi đề nghị quý thầy giáo, cô giáo chủ động tự nghiên cứu, học hỏi để nâng cao kiến thức, cải tiến phương pháp giảng dạy, tiếp cận với thực tiễn, công nghệ mới, không ngừng nâng cao tay nghề để truyền đạt cho các em học sinh những kiến thức hữu ích nhất. Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, đội ngũ các nhà giáo, CBQL giáo dục và người lao động trong toàn ngành GDĐT của tỉnh sẽ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực với nghề, tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục mọi khó khăn hạn chế, đoàn kết đồng lòng, chủ động đổi mới và sáng tạo để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vinh quang của nghề dạy học, góp phần xây dựng quê hương Lâm Đồng ngày càng phát triển, xứng đáng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và lòng mong mỏi của Nhân dân”. 
 
MINH ĐẠO