Tiếp nhận văn chương giữa mùa xanh Đà Lạt

08:11, 18/11/2022
(LĐ online) - Những ngày này, ở Tây Nguyên, tiết trời se se, lành lạnh, miền kí ức của con người ta dễ hừng ấm những dư vị ngọt ngào của những ngày tháng đã qua. Đó có thể là những kí ức của mùa thu quê nhà với trời thu xanh trong, với nước thu long lanh đáy; đó có thể là những kí ức dịu nhẹ về những món ăn đậm chất dân dã trên những gánh hàng đặc trưng của phố phường Việt Nam. Riêng tôi, độ này kí ức về một người thầy như những thanh âm nhẹ nhàng vang dậy trong miền sâu thẳm: những kí ức về thầy Huỳnh Như Phương – người thầy mà tôi may mắn được học trong những tháng ngày tôi thực hiện chương trình cao học tại Đại học Đà Lạt. 
 
Thầy Huỳnh Như Phương trong những giây phút đời thường
Thầy Huỳnh Như Phương trong những giây phút đời thường
 
Đà Lạt những ngày đầu tiên của mùa khô đẹp lắm, nó đẹp bởi bầu trời không còn quá đỗi u xám. Đẹp bởi Đà Lạt sau những ngày tháng dài đón nhận mưa trời thì giờ đây muôn loài như đang căng tỏa trong những tia nắng tươi vàng dịu nhẹ. Năm đó, chúng tôi cũng nhập học dịp này. Buổi đầu tiên của những ngày tháng ấy, tại giảng đường A7, chúng tôi được giáo vụ khoa giới thiệu về chương trình, lúc đầu ai cũng tò mò về bộ môn mà chúng tôi sẽ học rồi từ tò mò về môn học câu chuyện chuyển chủ đề về những giảng viên mà chúng tôi sẽ được học và giáo sư Huỳnh Như Phương – giảng viên thỉnh giảng - đã xuất hiện trong câu chuyện của những học viên đang chụm lại với nhau như thế. Ai trong chúng tôi cũng có cái cảm xúc xốn xang, chờ đợi, hào hứng từ buổi ấy. 
 
Rồi ngày đầu tiên được học môn của thầy cũng đến, thầy bước vào lớp một cách nhẹ nhàng với nụ cười dìu dịu nổi bật. Sau khi giới thiệu những tài liệu tiếng Việt, tiếng nước ngoài mà thầy đã cẩn thận mang từ Thành phố Hồ Chí Minh lên Đà Lạt, thầy bắt đầu bài giảng về “Tiếp nhận văn học”. Chúng tôi chăm chú dõi theo từng tiết diễn của thầy trên lớp. Lúc đó, ai cũng nhận ra rằng, mỗi một lần thầy hạ nét phấn rồi quay xuống giảng bài là cả người thầy như một chuyện động nhẹ nhàng ở gót chân, ở lưng, ở bàn tay đang cầm phấn và chúng tôi có cảm tưởng lúc đó thầy đang du đưa với bản tango của riêng thầy – một bản nhạc mà nhạc điệu là vô vàn những tri thức, những say mê đang chắp điệu. Chúng tôi say sưa với tiết dạy của thầy như thế và quả thật sau những tiết dạy về “Tiếp nhận văn học” chúng tôi còn vỡ ra rằng bộ môn này không chỉ cho chúng tôi những kiến thức về tiếp nhận một tác phẩm, một giai đoạn văn học... mà rộng hơn, bài giảng của thầy còn cho thấy cuộc sống này hay mỗi một con người ta gặp trong cuộc đời chính là những bản thể, nó đòi hỏi ta không ngừng nghỉ mới có thể tiếp nhận được. 
 
Kết thúc tuần học thứ nhất, tôi xin phép đến phòng của thầy tại dãy nhà A2 – nơi nghỉ ngơi của những giảng viên thỉnh giảng. Trong lần gặp gỡ này, với lòng ngưỡng trọng của mình, tôi trình bày mong muốn được thầy hướng dẫn luận văn tốt nghiệp. Tiếp nhận lời của tôi, thầy trả lời ngay “Thầy không thể trực tiếp hướng dẫn em vì trường Đại học Đà Lạt có rất nhiều phó giáo sư, tiến sĩ giỏi, lại ở gần đây. Tuy nhiên, trong quá trình làm, em cần tư liệu hay góp ý thêm thì cứ mail cho thầy, giúp được thầy sẽ giúp em”. Câu trả lời của thầy làm tôi hơi hụt hẫng nhưng sau đó tôi đã phần nào hiểu ra: đằng sau câu trả lời ấy là cả một sự khiêm nhường, là tinh thần trách nhiệm với học viên, với đồng nghiệp sở tại và với cả đơn vị chủ quản của thầy. Bài học sâu sắc hơn cả mà tôi rút ra đó chính là bài học về xác định phương vị của bản thân trong cuộc sống này. Có thể nói sự khiêm nhường là nét phong thái rất điển hình ở thầy Huỳnh Như Phương. Và sau này, trong cuốn sách “Ước vọng cho học đường” của mình, thầy từng nhấn mạnh “Vậy nên người dạy học luôn luôn có tình cảm biết ơn: biết ơn thầy cô, biết ơn đồng nghiệp, biết ơn học giới đã xây đắp kho tàng tri thức và văn hóa mà ngày nay mình thừa hưởng và truyền đạt lại cho thế hệ sau”.  
 
Thầy Huỳnh Như Phương sau những giờ giảng giảng tại Đại học Đà Lạt
Thầy Huỳnh Như Phương sau những giờ giảng giảng tại Đại học Đà Lạt
 
Sau khoảng thời gian ngày hai buổi học với thầy, thấm thoắt buổi học cuối cũng đã tới. Như thường lệ, sáng sớm tôi vẫn lên dãy A2 để đón thầy lên lớp, xuống xe, trước khi vào lớp, thầy lấy ra trong chiếc ba lô của thầy một cuốn notebook màu hồng khổ A5 rất dễ thương, thầy đưa cho tôi và nói “Thầy tặng em cuốn sổ này, em hãy viết ra đây những ý tưởng mà em trăn trở hằng ngày”. Nhận cuốn sổ, tôi rất mừng vì nó là tình cảm mà thầy dành riêng cho tôi nhưng điều mà tôi trân quý hơn cả là chính món quà như một lời nhắn nhủ, một sự tin tưởng của một người thầy lớn trao cho người học viên nhỏ bé. Cuốn sổ màu hồng cứ thế luôn bên tôi từ đó cho đến  nay, đó là một nơi tôi chăm chút những ý tưởng về nghề dạy học của mình rồi chấp bút cho ra đời những bài báo đầu tay đăng trên Báo Lâm Đồng như “Từ cái tát trong học đường đến hiện tượng Khá Bảnh” – viết về cậu học trò tát cô giáo ở Hà Nội, ““Chiếc lá cuối cùng” không bao giờ rụng xuống” – viết về những hy vọng của chúng ta trong những ngày tháng Covid dữ dội, đớn đau hay bài “Trẻ buồn, cô đơn, lo âu, rất cần người khác giúp đỡ để nói ra” – viết về những cách thức nhỏ hỗ trợ học sinh bị trầm cảm đăng trên Báo Tuổi trẻ...  
 
Cuối buổi học hôm đó, tôi lên gặp thầy và trình bày ý muốn chở thầy đến một điểm trong khuôn viên của trường Đại học Đà Lạt, thầy đồng ý. Đó là một buổi chiều trời trong xanh, khí dìu dịu, thầy và tôi đến trước giảng đường A25. Trước đó có rất nhiều tùng cổ thụ, có cây có lẽ do giông gió nên đã cụt ngọn, có cây có lẽ là do nhân tác nên xệ cành nhưng còn đó những cây tùng đủ đầy và sum suê. Ngắm nghía một lát, tôi mời thầy đứng dưới cây tùng có gốc to, cành lá xum xuê, lấy máy hình của thầy và chụp một tấm hình riêng về thầy. Và cũng kể từ đó tôi luôn cảm thấy mình hạnh phúc và may mắn khi được học với thầy. 
 
NGUYỄN VĂN DŨNG