Tuổi trẻ Lâm Đồng: Xung kích ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường

09:07, 22/07/2016

Vài năm trở lại đây, biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ mà đã là những hình thái thời tiết cực đoan, diễn biến phức tạp. Với Lâm Đồng - Đà Lạt, một vùng đất từng có mật độ rừng bao phủ rất lớn, một miền khí hậu ôn hòa, mát mẻ đang đứng trước nguy cơ nóng dần lên trong tình trạng diện tích rừng dần bị thu hẹp

Vài năm trở lại đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) không còn là nguy cơ mà đã là những hình thái thời tiết cực đoan, diễn biến phức tạp. Với Lâm Đồng - Đà Lạt, một vùng đất từng có mật độ rừng bao phủ rất lớn, một miền khí hậu ôn hòa, mát mẻ đang đứng trước nguy cơ nóng dần lên trong tình trạng diện tích rừng dần bị thu hẹp. Không đứng ngoài cuộc, tuổi trẻ các dân tộc Lâm Đồng đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực đẩy mạnh phong trào “Tuổi trẻ xung kích tình nguyện ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”.
 
SV ĐH Yersin vẽ pano hình cây xanh, tổ chức để các em in dấu vân tay nhằm tuyên truyền bảo vệ rừng và môi trường sống (Ảnh chụp tại Tà Hine - Đức Trọng)
SV ĐH Yersin vẽ pano hình cây xanh, tổ chức để các em in dấu vân tay nhằm tuyên truyền bảo vệ rừng và môi trường sống (Ảnh chụp tại Tà Hine - Đức Trọng)

Nhiều hoạt động phong phú, thiết thực
 
Tỉnh Đoàn đã chú trọng tổ chức sâu rộng nhiều hoạt động bảo vệ môi trường: tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh thiếu nhi về ứng phó với BĐKH, khắc phục hậu quả thiên tai; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, khắc phục ô nhiễm rác thải, nguồn nước, cải thiện điều kiện sống; tích cực trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ rừng. 
 
Biến nhận thức thành hành động, nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực đã diễn ra mạnh mẽ như: Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh, trồng cây ơn Bác (19/5), Tết trồng cây (mồng 5 Tết), Chiến dịch Hành quân xanh... Các hoạt động đó đã thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên (ĐVTN) bắt tay vào giải quyết những vấn đề do môi trường đặt ra: trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc, thu gom và xử lý rác thải và bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng nhà xí, di dời chuồng trại, dọn dẹp vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, nạo vét suối, dọn trên những dòng chảy, bảo vệ dòng sông quê hương… Nhiều công trình lớn đã để lại ấn tượng: thường xuyên dọn rác trên suối Cam Ly - Phan Đình Phùng của tuổi trẻ Đà Lạt, diệt cây mai dương tránh xâm thực đất sản xuất và xâm lấn dòng chảy của tuổi trẻ huyện Đơn Dương. 
 
Vào các sự kiện: Giờ Trái Đất, Ngày môi trường thế giới; Tỉnh Đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các các ban ngành, các tổ chức phi chính phủ (như UNREDD) tổ chức đợt tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân bằng những việc làm cụ thể, đã có sức mạnh kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với những hình ảnh quen thuộc như giễu hành trên đường phố với Pano, áp pích, khẩu hiệu; phát tờ rơi; tặng túi đi chợ thân thiện môi trường...; mỗi thanh niên trở thành một tuyên truyền viên vận động gia đình, người thân không lãng phí điện, nước; tiết kiệm thực phẩm; bỏ rác đúng nơi quy định; trồng và chăm sóc cây xanh; làm sạch đường phố, khu dân cư... Hàng năm, ĐVTN trong tỉnh đã trồng và chăm sóc được hơn 50 ngàn cây xanh. Duy trì hoạt động có hiệu quả các CLB, đội, nhóm bảo vệ môi trường, vận động hơn 120 ngàn ĐVTN, HSSV tham gia các hoạt động “Ngày chủ nhật xanh”; 38 phường, xã, thị trấn đã xây dựng được mô hình góc phố xanh, vỉa hè xanh, thôn xóm xanh.
 
Sức lan tỏa của phong trào
 
Có thể nói, hoạt động lớn nhất, thường xuyên nhất, có ý nghĩa thiết thực nhất trong phong trào xung kích ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường của tuổi trẻ Lâm Đồng là trồng rừng và trồng cây phân tán. Sức trẻ đã tạo nên những cánh rừng từ công trình thanh niên trồng 20 ha rừng ở Tà Năng, Đạ Quyn (Đức Trọng), 10 ha ở Măng Lin (Đà Lạt), công trình 20 ha rừng tại Lộc Bảo và 5 ha phủ xanh đồi trọc ở B’Lá (Bảo Lâm). Đồng thời, những con đường cây xanh và hoa của tuổi trẻ Đức Trọng, cây và hoa dọc đường đèo Mimosa hay đèo Tà Nung là những con đường đẹp có sức thuyết phục lớn. Trong quá trình trồng, mỗi thanh niên đều ý thức được rằng “đã trồng là phải sống” và mong mỏi “hành động hôm nay sẽ là không gian xanh ngày mai”. Các ĐVTN còn dõi theo sự sinh trưởng và phát triển của những hàng cây, rừng được trồng bởi bàn tay của mình bằng cả trách nhiệm. Một ngày mưa, chúng tôi gặp nhóm bạn Trần Di Linh (Đại học Yersin Đà Lạt) tại Tà Năng xa xôi, từ Đà Lạt đi xe máy vượt quãng đường xa đến 80 km xuống đây chỉ để nhìn lại đồi thông mình trồng cách đây 2 năm có tươi tốt không, đã lớn chừng nào. Niềm vui hiện lên ánh mắt khi hàng chục ngàn cây thông lá xanh tua tủa đâm chồi...
 
Mỗi chi đoàn là một đội nhóm bảo vệ rừng, Đoàn đã cam kết cho các ĐVTN in giấu vân tay, ký tên bảo vệ môi trường, thanh niên nông thôn cam kết không chặt cây rừng, không đốt rừng làm rẫy, tham gia nhận giao khoán đất rừng, cải tạo rừng tạp, phát triển rừng kinh tế, góp phần cải thiện khí hậu, chống xói mòi. Bạn sẽ ấn tượng khi đi qua vùng đất Đạ Huoai, Đạ Tẻh khi bắt gặp những rừng keo lá tràm làm nguyên liệu giấy, làm dịu cơn oi bức; rừng xanh lên bởi mồ hôi và sức trẻ của ĐVTN trong từng hộ gia đình là không ít... Nhiều đội hình “Thanh niên xung kích bảo vệ môi trường” ở các vùng nông thôn đã được hình thành. Qua đó, đã phát huy vai trò xung kích tình nguyện của ĐVTN, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường. Thanh niên đô thị đã hình thành các đội hình thanh niên tình nguyện, đảm nhận phần việc khó khăn, duy trì các hoạt động xung kích “Vì môi trường không rác”, “Ra quân vì cuộc sống tươi đẹp” với việc tổ chức chăm sóc cây xanh, trồng hoa và cây xanh trong các khuôn viên, trên các con đường; tháo gỡ tờ rơi, quảng cáo trên các trụ điện nơi công cộng; làm nên nhiều công trình thanh niên, đoạn đường thanh niên, tuyến đường xanh thanh niên. 
 
Mùa hè là mùa ra quân rầm rộ của các chương trình “Hành quân xanh”, mới chỉ 2 tháng hè, đã có hàng ngàn cây được tuổi trẻ Đà Lạt trồng trên đồi Măng Lin, 1.300 cây được trồng ở Tà Năng, Tà Hine (Đức Trọng), 5 ha rừng ở Bảo Lâm... Với nguồn nước trời, qua mùa mưa cây sẽ sinh trưởng phát triển tốt. 
 
Không thể kể hết những việc làm mà tuổi trẻ Lâm Đồng đã hành động để ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường sống, qua đó tinh thần xung kích của thế hệ trẻ đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, kêu gọi toàn xã hội cùng chung tay bảo vệ môi trường.
 
QUỲNH UYỂN