Những cô gái thủ khoa

09:09, 16/09/2016

Kết thúc xét tuyển đợt 1 kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, các gương mặt thủ khoa của các khối ngành tại Trường Đại học Đà Lạt đã bắt đầu lộ diện. Trong đó, có không ít gương mặt nữ đã trở thành những tân sinh viên với điểm xét tuyển đứng đầu ngành học.

Kết thúc xét tuyển đợt 1 kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, các gương mặt thủ khoa của các khối ngành tại Trường Đại học Đà Lạt đã bắt đầu lộ diện. Trong đó, có không ít gương mặt nữ đã trở thành những tân sinh viên với điểm xét tuyển đứng đầu ngành học.
 
Cao Nguyễn Hoàng Yến - Thủ khoa ngành Sư phạm Hóa Học: Cô gái nhỏ với niềm đam mê lớn.
 
Với dáng vẻ bề ngoài nhỏ nhắn, hiền lành và có phần yếu đuối, ít ai biết rằng, cứ mỗi lần vào phòng thí nghiệm, Hoàng Yến lại như trở thành một cô gái khác hẳn khi hoàn toàn chủ động với các thí nghiệm hóa học. Chính niềm say mê và tự tin với ống nghiệm, với hóa chất mà Yến đã chọn cho mình giấc mơ trở thành giáo viên dạy Hóa. Là cựu học sinh Trường THPT Trần Phú (TP Đà Lạt), Hoàng Yến ghi dấu ấn tại trường với thành tích học tập khá ổn khi 3 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm học 2015-2016, Yến còn đoạt giải nhì Kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Hóa cấp tỉnh. Chính vì vậy mà thông tin em trở thành thủ khoa ngành Sư phạm Hóa học (Toán: 8,75; Lý: 7,6; Hóa: 8,6) của Trường ĐH Đà Lạt không khiến nhiều bạn bè và thầy cô bất ngờ.
 
Chia sẻ về kinh nghiệm học các môn tự nhiên, Hoàng Yến cho biết: “Điều quan trọng nhất là mình phải có ý thức tự học là chính và không ngừng rèn luyện tư duy. Bên cạnh những bài học ở lớp, em còn làm thêm nhiều bài tập trong sách tham khảo và mạng Internet để công thức tự đi vào đầu mình và “ở lại” đó rất lâu. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải phân chia thời gian học hợp lý giữa các môn, tránh sa đà vào môn này rồi bỏ quên môn kia”.
 
Ngô Thị Như Quỳnh - Thủ khoa ngành Đông phương học: Để học tốt Lịch sử, cần phải có tình yêu.
 
Đến từ vùng đất Thanh Hóa xa xôi, Như Quỳnh ngay lập tức gây ấn tượng với các bạn cùng lớp trong ngày đầu gặp mặt, không chỉ vì số điểm xét tuyển nổi bật (Ngữ văn: 8; Lịch sử: 9,25; Địa lý: 8,5), mà còn vì phong thái nói chuyện tự tin, mạnh mẽ.
 
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Thọ Xuân còn nhiều khó khăn, Như Quỳnh sớm ý thức được vai trò của việc học. Một ngày của em được phân chia thời gian hợp lý, buổi sáng đến trường, buổi chiều theo mẹ ra đồng, buổi tối là thời gian để em tự học. Do không có điều kiện tham gia các lớp học thêm nên Quỳnh tự bám vào sách giáo khoa để học là chính. Bên cạnh đó, cô học trò mê Lịch sử còn mượn sách của thầy cô và thư viện trường để đọc thêm. Nhận thấy bản thân có thế mạnh về các môn xã hội, ngay từ lớp 10, Quỳnh đã chọn học lớp chuyên ban C để có cơ hội phát huy thế mạnh của mình.
 
Mặc dù có năng khiếu về môn Địa lý, mà giải nhì Kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Địa lý cấp tỉnh năm học 2015-2016 đã chứng minh, nhưng Như Quỳnh lại dành tình yêu to lớn của mình cho môn Lịch Sử. Em tâm sự: “Đối với môn Lịch sử, càng đọc nhiều, biết nhiều, em càng cảm thấy thích thú và tò mò về sự phát triển của xã hội qua các giai đoạn. Đồng thời, em càng biết trân trọng hơn cuộc sống hiện tại để ý thức được mình cần phải sống tốt hơn, sống cho xứng đáng với những hi sinh to lớn của cha ông”.
 
Với môn Sử và Địa lý, em chia thành từng giai đoạn để học, liên hệ các kiến thức liên quan giữa 3 môn Văn - Sử - Địa với nhau để có thể nhớ lâu. Riêng với môn Văn - môn học mà Như Quỳnh cho rằng mình không có năng khiếu nhất, em cố gắng khắc phục bằng cách đọc thật nhiều sách và luyện tập với thầy cô theo kiểu vấn đáp. Cách học này giúp Quỳnh không chỉ được thầy cô chỉ ra lỗi sai trực tiếp, mà còn giúp em nắm được bản chất để có thể nhớ lâu.
 
Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Thủ khoa ngành Sư phạm Tiếng Anh với giấc mơ trở thành cô giáo 
 
Không như nhiều bạn cùng lớp cấp 3 chọn TP Hồ Chí Minh làm nơi để gắn bó trong 4 năm đại học, Ngọc Trinh nằm trong số 4 bạn ít ỏi còn lại của lớp chọn ở lại Đà Lạt để thực hiện giấc mơ trở thành cô giáo của mình. Em suy nghĩ, nếu mình cố gắng học tốt thì bất cứ ở đâu, bất cứ môi trường nào cũng có thể phát huy tốt nhất năng lực. Và danh hiệu Thủ khoa ngành Sư phạm Tiếng Anh với tổng điểm 24,75 đã phần nào khẳng định được điều này.
 
Là con đầu trong gia đình chỉ có 2 chị em, bố mẹ lại là công chức Nhà nước, ngay từ nhỏ, Ngọc Trinh đã tập cho mình thói quen chủ động học bằng nhiều cách: đọc sách vở, hỏi thầy cô, tìm kiếm trên mạng,... Nhờ sự cố gắng này mà 3 năm học tại Trường THPT Trần Phú (TP Đà Lạt), Trinh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Em còn được chọn vào đội tuyển thi Học sinh giỏi môn Tiếng Anh cấp tỉnh của trường.
 
Với niềm yêu thích môn Tiếng Anh, Trinh chia sẻ: “Em tự luyện cho mình cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết bởi trong thời kỳ Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ quốc tế thì kỹ năng nào cũng trở nên quan trọng. Một cách giúp học hiệu quả nhất là thường xuyên làm bài tập trong nhiều sách để nắm vững cấu trúc câu. Bên cạnh đó, em thường xuyên nghe nhạc, xem phim Tiếng Anh như là một cách để vừa có thể giải trí, vừa luyện kỹ năng nghe cho mình, rồi tự nói trước gương để học cách giao tiếp bằng Tiếng Anh”. Trong túi của Ngọc Trinh, đến bây giờ vẫn luôn có một cuốn sổ tay nhỏ chi chít chữ, đó là nơi mà Trinh có thể ngay lập tức ghi vào một từ mới em bất chợt gặp đâu đó.
 
Trở thành tân sinh viên ngành Sư phạm Tiếng Anh, ước mơ được truyền cảm hứng với thứ ngôn ngữ thú vị này cho các em học sinh của Ngọc Trinh đang dần được hoàn thành.
 
VIỆT QUỲNH