Thanh niên hợp tác chăn nuôi bò

09:11, 03/11/2016

Tận dụng lợi thế về phát triển chăn nuôi, Đoàn xã Phúc Thọ (huyện Lâm Hà) đã tập hợp thanh niên để thành lập Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò thịt. Dù mới chỉ triển khai trong thời gian ngắn nhưng THT đã từng bước khẳng định hướng đi đúng và tạo đà phát triển kinh tế cho các thành viên trong tổ.

Tận dụng lợi thế về phát triển chăn nuôi, Đoàn xã Phúc Thọ (huyện Lâm Hà) đã tập hợp thanh niên để thành lập Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò thịt. Dù mới chỉ triển khai trong thời gian ngắn nhưng THT đã từng bước khẳng định hướng đi đúng và tạo đà phát triển kinh tế cho các thành viên trong tổ.
 
Nhờ tham gia tổ hợp tác, anh Nguyễn Tấn Phúc đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm và ngày càng phát triển đàn bò của gia đình. Ảnh: H.Yên
Nhờ tham gia tổ hợp tác, anh Nguyễn Tấn Phúc đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm và ngày càng phát triển đàn bò của gia đình. Ảnh: H.Yên
Tháng 3/2016, THT Thanh niên chăn nuôi bò xã Phúc Thọ ra đời. Các thành viên trong tổ đã cùng nhau góp vốn xây dựng chuồng trại, mua máy móc, thiết bị, con giống… Anh Đàm Văn Tuyên, Bí thư Đoàn xã Phúc Thọ (người khởi xướng thành lập THT thanh niên chăn nuôi bò) cho biết: “Trước đây, tôi và các bạn từng nuôi bò thịt nhưng chỉ vài con nên hiệu quả kinh tế thấp. Đầu năm 2016, khi được Huyện Đoàn Lâm Hà hướng dẫn thành lập THT, tôi đã vận động anh em cùng chăn nuôi bò trên địa bàn xã tham gia lập tổ nuôi bò thịt. THT đã mở ra một hướng làm ăn mới cho thanh niên trong vùng. Việc thành lập tổ hợp tác nuôi bò quy mô lớn đã gây bất ngờ với nhiều người. Tham gia THT, các thành viên hỗ trợ lẫn nhau về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc bò bệnh, cách chọn bò giống, bổ sung dinh dưỡng để bò tăng trọng…”.
 
Theo anh Nguyễn Tấn Tú (thôn Phúc Hưng, tổ viên của THT chăn nuôi bò thịt), khi nuôi tự phát với quy mô nhỏ lẻ, do không nắm rõ kỹ thuật chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế không cao và không ổn định. Từ khi tham gia THT, được anh em hướng dẫn kỹ thuật, anh Tú đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, đàn bò của anh trên 10 con. “Nhờ tham gia THT, tôi được đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, được hỗ trợ vốn và chỉ dẫn kỹ thuật nên đàn bò của tôi được chăm sóc và phát triển hơn trước rất nhiều. Lợi nhuận từ việc chăn nuôi bò thịt của gia đình cũng ngày càng tăng. Nhờ vậy, kinh tế gia đình tôi và mấy anh em trong tổ ai cũng khá lên. Có thêm vốn từ lợi nhuận, trong năm nay, tôi sẽ tăng thêm số lượng đàn bò. Ngoài việc bán bò thịt, thành viên trong tổ cũng tận dụng nguồn phân bò để chăm bón cho cà phê của gia đình, giảm được thêm một khoản chi phí về phân bón” - anh Tú cho biết thêm. Tương tự, anh Nguyễn Khắc Thịnh (thôn Phúc Thanh) cũng cho rằng, chăn nuôi hợp tác hiệu quả hơn nhiều vì nếu bán số lượng ít, thương lái thường ép giá hoặc không mua. Còn khi đã chăn nuôi quy mô hợp tác, số lượng xuất bán mỗi lần hàng chục con nên cũng thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ. Ngay cả khi mua bò giống, vì mua số lượng nhiều nên giá cả cũng thấp hơn. Theo anh Thịnh, thực tế chăn nuôi bò cho thấy, mỗi thành viên có điểm hay dở khác nhau. Do đó, khi ngồi lại cùng chia sẻ thì những ưu điểm sẽ được phát huy, những khuyết điểm sẽ được hạn chế. Đến nay, các thành viên trong tổ đã không còn bị sai sót khi đi mua bò giống, không chọn nhầm bò yếu, bị bệnh như trước đây nữa.
 
Qua hơn nửa năm xây dựng, THT chăn nuôi bò của thanh niên xã Phúc Thọ đã thu hút 8 thành viên tham gia với tổng đàn bò là 45 con, tăng gần gấp đôi so với khi mới thành lập. THT đang từng bước giúp cho thanh niên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn có điều kiện tăng thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo ông Phạm Minh Liệu, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ, UBND xã đánh giá cao về hiệu quả của mô hình THT chăn nuôi bò của thanh niên xã trong việc phát triển kinh tế cũng như giải quyết việc làm cho thanh niên. Đây là một trong những mô hình được huyện chọn để phát triển đàn bò thịt. UBND xã cũng đã phối hợp với các ngành chuyên môn tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi cho các thành viên trong Tổ; đồng thời, tìm cách ổn định nguồn tiêu thụ bò thịt, giúp anh em yên tâm trong chăn nuôi. Đây không chỉ là mô hình kinh tế cho thanh niên mà còn là sợi dây gắn kết, tập hợp thanh niên vào tổ chức, sinh hoạt Đoàn ở tuyến cơ sở.
 
PHONG VÂN