Sáng tạo từ tình yêu cùng trang giấy

09:03, 16/03/2017

Labata là "Làm bằng tay - Làm bằng tâm" - là ý nghĩa của cái tên mà 2 cô gái Đà Lạt đã chọn để đặt cho những cuốn sổ handmade của mình...

Labata là “Làm bằng tay - Làm bằng tâm” - là ý nghĩa của cái tên mà 2 cô gái Đà Lạt đã chọn để đặt cho những cuốn sổ handmade của mình. Từ bỏ công việc ổn định để đặt tất cả thời gian cũng như tâm huyết vào sản phẩm, đến nay, những cuốn sổ Labata của 2 chị em Huỳnh Giang Thủy Thư (SN 1985) và Huỳnh Hồng Phước Thư (SN 1992) đã có mặt phổ biến ở các nhà sách tại TP Hồ Chí Minh, Hội An,… và cũng đã trở thành lựa chọn quen thuộc làm quà lưu niệm của nhiều du khách nước ngoài.
 
Thủy Thư và Phước Thư tỉ mỉ với từng sản phẩm. Ảnh: V.Quỳnh
Thủy Thư và Phước Thư tỉ mỉ với từng sản phẩm. Ảnh: V.Quỳnh
Giữa vô vàn những kiểu dáng, kích thước, màu sắc của hàng ngàn cuốn sổ công nghiệp được trưng bày trong nhà sách, những cuốn sổ Labata với nét giản dị, mộc mạc lại trở nên nổi bật vì sự khác biệt. Sự khác biệt đó không chỉ được tạo nên bởi từng trang giấy, từng tấm bìa được làm hoàn toàn bằng tay, mà còn nằm ở câu chuyện của cô chủ về hành trình cho ra đời những sản phẩm này - giữa lúc người ta đã bỏ dần thói quen viết sổ tay và thay vào đó là sử dụng các thiết bị điện tử.
 
Sinh ra và lớn lên tại huyện Đức Trọng, nhưng cả 2 chị em Thủy Thư và Phước Thư đều đã có một khoảng thời gian dài học tập và làm việc tại Sài Gòn trước khi quyết định trở lại Lâm Đồng và gắn bó với Đà Lạt - cũng là gắn bó với Labata. Nhớ lại cái “duyên” gắn đời mình với những cuốn sổ, Thủy Thư chỉ cười rồi bảo, đã là “duyên” thì nó đến bất ngờ và nhẹ nhàng lắm: “Cách đây 3 năm, trong một lần tham gia gây quỹ giúp đỡ một người bạn gặp khó khăn, mình nghĩ đến việc nên làm một cái gì đó để bán. Vốn là một copy writer và xuất phát từ thói quen ghi chép hàng ngày, mình mày mò làm một vài cuốn sổ tay để bán, không ngờ lại được nhiều người yêu thích vì sự độc đáo và mới lạ”.
 
Nhận thấy đây là một sản phẩm có tiềm năng nhưng chỉ làm cho vui vậy, chính Thủy Thư cũng không ngờ rằng chỉ một vài tháng sau, khi niềm đam mê với những cuốn sổ tay handmade lớn dần lên, chị quyết định bỏ luôn công việc đang ổn định để tập trung hoàn toàn thời gian và công sức vào những sản phẩm mới lạ này.
 
Vậy là cái tên Labata được ra đời. Đó là những cuốn sổ được “Làm bằng tay - Làm bằng tâm”, với 90% các bước tạo ra sản phẩm được làm hoàn toàn bằng tay, từ cắt bìa, đóng tập, khâu, dán, may bìa… Không chọn những trang giấy trắng sáng để làm sổ, Thủy Thư ưu tiên chọn giấy có màu cũ kỹ và không có dòng kẻ, với mục đích kích thích tính sáng tạo của mỗi người, đồng thời cũng tạo nên cá tính cho mỗi cuốn sổ. Nét cá tính đó còn được thể hiện rất rõ qua trang bìa của mỗi cuốn. Bìa được làm từ các chất liệu phong phú như vải thổ cẩm, vải hoa, vải nỉ, bìa gỗ,… cùng hoa văn phong phú. Mỗi quyển sổ là một cá tính riêng biệt. “Với mong muốn người dùng sẽ nhìn thấy nét tương đồng của mình khi nhìn thấy nó, nên những cuốn sổ tay vừa đủ đẹp, đủ cá tính, lại có tính ứng dụng cao để mọi người đều có thể sử dụng và phải bền để có thể gìn giữ được lâu”- Thư chia sẻ. Mỗi cuốn sổ dòng “Vẽ tay- độc bản” là duy nhất, được khâu tỉ mỉ và được “phóng tác” theo ngẫu hứng dựa trên chủ đề được yêu cầu trước từ khách. 
 
Sau 3 năm ra đời, Labata đã bắt đầu trở nên quen thuộc tại nhiều nhà sách và gian hàng lưu niệm. Thế nhưng, cô em gái Phước Thư vẫn chưa quên những ngày đầu gian nan khi Labata vẫn chưa được nhiều người biết đến và chưa có đầu ra ổn định. Hàng ngày, hai cô gái nhỏ bé lại cùng nhau chở những bao sổ nặng đến các hội chợ để trưng bày và bán sản phẩm, nhằm giới thiệu cho nhiều người biết đến. Rồi cả những trăn trở của hai chị em mỗi khi làm một cuốn sổ mới với cá tính mới…
 
Đến nay, quy mô sản xuất của Labata còn nhỏ nhưng đầu ra của sản phẩm dần ổn định, với nhiều đơn hàng từ 200 - 300 cuốn từ các công ty để làm quà tặng tri ân khách hàng. Thủy Thư cũng đã nhận được các lời mời hợp tác sản xuất từ Nhật Bản nhưng chưa đủ đáp ứng về số lượng. Hiện tại, xưởng làm sổ đặt tại Đức Trọng của Labata có 5 nhân công làm việc theo thời vụ, còn lại chủ yếu vẫn do 2 chị em tự tay làm mọi thứ một cách tỉ mỉ, từ sổ, đến mark book hay thậm chí là những túi đựng sổ làm từ giấy báo. 
 
Đầu năm 2017, Thủy Thư quyết định mở shop Labata handmade nhỏ xinh để bắt đầu đưa Labata về với thị trường Đà Lạt, với mong muốn những cuốn sổ tay cá tính và độc đáo sẽ kích thích thói quen ghi chép của những người trẻ nơi đây - như là thói quen một thời của nhiều người để giải tỏa tâm lý stress, căng thẳng. Natalie, cô gái trẻ đến từ Đức - cũng là một vị khách quen của Labata chia sẻ: “Những cuốn sổ ở đây thật sự đặc biệt và độc đáo, nhất là những cuốn sổ có bìa thổ cẩm rất đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. Tôi thích các sản phẩm làm bằng tay này, bởi nó chứa đựng sự sáng tạo và cả tình yêu của người làm đặt vào đó”.
 
Đây cũng là không gian mà hai chị em Thủy Thư và Phước Thư mở lớp dạy đóng sổ tay và làm các sản phẩm handmade đơn giản cho các em nhỏ. Các em sẽ mang giấy thừa cuối mỗi năm học đến đây và hai chị sẽ hướng dẫn các em đóng thành tập, tập cho các em thói quen tận dụng giấy vở bỏ đi, từ đó hình thành ý thức tiết kiệm như tuổi học trò ngày xưa của hai chị em và cả của rất nhiều người.
 
Thủy Thư tâm sự: “Khoảng thời gian sống vội vã ở Sài Gòn khiến mình trở nên hời hợt với bản thân. Thế nên hiện tại, công việc và không gian Đà Lạt giúp mình sống chậm lại và giúp bản thân mình cân bằng lại cuộc sống”. Có lẽ chính vì vậy mà chị chọn hình ảnh con chuồn chuồn đỏ làm biểu tượng cho sản phẩm Labata của mình, với ý nghĩa: Cân bằng, ngẫu hứng, sáng tạo và màu sắc.
 
VIỆT QUỲNH