Khởi nghiệp từ các trường đại học

08:05, 11/05/2017

Cùng với làn sóng "tinh thần khởi nghiệp" đang dâng cao khắp cả nước, các trường đại học tại Lâm Đồng cũng xem khởi nghiệp là một chương trình quan trọng trong quá trình đào tạo. Không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức chuyên môn mà các trường đại học còn được xem như "bệ phóng" khởi nghiệp cho sinh viên...

Cùng với làn sóng “tinh thần khởi nghiệp” đang dâng cao khắp cả nước, các trường đại học tại Lâm Đồng cũng xem khởi nghiệp là một chương trình quan trọng trong quá trình đào tạo. Không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức chuyên môn mà các trường đại học còn được xem như “bệ phóng” khởi nghiệp cho sinh viên. Không đợi cầm trong tay tấm bằng đại học, các ý tưởng khởi nghiệp của bạn trẻ đã được “ươm mầm” từ khi còn ngồi ghế nhà trường.
 
Chuyên gia người Hà Lan tư vấn khởi nghiệp cho sinh viên Đại học Đà Lạt. Ảnh: D.Thương
Chuyên gia người Hà Lan tư vấn khởi nghiệp cho sinh viên Đại học Đà Lạt. Ảnh: D.Thương
PGS.TS Nguyễn Đức Hòa - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt cho biết: Khởi nghiệp đang là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình đào tạo mà trường xem là trọng tâm. Tổ chức các buổi giao lưu khởi nghiệp, tư vấn khởi nghiệp, các cuộc thi trong sinh viên là điều mà nhà trường thường xuyên thực hiện từ khi phong trào khởi nghiệp được phát động, không chỉ tạo hứng khởi cho sinh viên trong học tập và còn giúp “ươm mầm” cho những ý tưởng của các em.
 
Mới đây, Trường Đại học Đà Lạt vừa tổ chức chương trình giao lưu khởi nghiệp cùng Tiến sĩ Johnathan Hạnh Nguyễn - cựu sinh viên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương. Từ các câu chuyện thực tế của bản thân khi bắt đầu khởi nghiệp, ông Johnathan đã truyền cảm hứng mạnh dạn kinh doanh và kinh nghiệm kinh doanh đến các bạn trẻ tham gia buổi giao lưu. Ông cũng chia sẻ: “Vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp là rất quan trọng. Tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi tạo ra thành công của các doanh nghiệp ngày nay, tinh thần này cần được vun đắp, gieo trồng ngay từ môi trường đại học, các giảng viên cần là những người truyền cảm hứng cho các sinh viên, trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho khởi nghiệp”.
 
“Trang trại bò sữa VH” của cựu sinh viên Trường Đại học Yersin Đà Lạt là một trong những dự án được đánh giá cao trong Cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh Pernod Ricard” năm 2014 của Trường Đại học Yersin Đà Lạt, với số tiền 90 triệu từ giải nhì cuộc thi, Hiếu đã khởi nghiệp với những ý tưởng kinh doanh sáng tạo của mình. Đến nay, trang trại của Hiếu đã có 13 con bò HF thuần chủng và 5 con khác đang khai thác sữa hàng ngày với doanh thu trên 350 triệu đồng mỗi năm. Chàng trai tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh này chia sẻ: “Điều em tâm đắc nhất khi thành công với ý tưởng này không phải là số tiền kiếm được mà chính là được tham gia cuộc thi khởi nghiệp, với sự động viên của các giảng viên Trường ĐH Yersin em đã mạnh dạn “dấn thân” để tìm thành công. Từ bản thân, em thấy vai trò của các trường đại học trong việc hỗ trợ cho các sinh viên khởi nghiệp là rất quan trọng, được tạo điều kiện thì các sinh viên sẽ như được thêm “bệ phóng” để khởi nghiệp”.
 
Thạc sỹ Nguyễn Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Yersin Đà Lạt cũng cho biết: Hỗ trợ khởi nghiệp đã là một hoạt động thường niên của Trường Đại học Yersin Đà Lạt nhiều năm qua. Với lợi thế là thành viên của Hệ thống giáo dục TTC (TTCedu) thuộc Tập đoàn TTC, các sinh viên của trường có cơ hội học tập và làm việc tại nhiều công ty thành viên, liên kết với tập đoàn, đây cũng là môi trường lý tưởng cho các sinh viên hình thành ý tưởng khởi nghiệp. Sau 4 kỳ tổ chức Cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh Pernod Ricard” đã giúp 29 dự án của sinh viên được thực hiện với những thành công nhất định.
 
Thạc sỹ Nguyễn Thanh Sơn cũng đánh giá: Trường đại học là một chủ thể quan trọng trong khởi nghiệp và phát huy tinh thần sáng tạo cho sinh viên. Đây là nơi hỗ trợ, kết nối các nguồn lực để các ý tưởng kinh doanh của sinh viên có thể “chạm” đến thành công. Tại Việt Nam, có rất nhiều trường đại học đã áp dụng mô hình khởi nghiệp trong đào tạo và Trường Đại học Yersin Đà Lạt cũng đang từng bước hoàn thiện để có thể áp dụng mô hình này, tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp có sự kết hợp của 3 bên doanh nghiệp - trường đại học - Nhà nước.
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Đức Thái - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng cũng cho rằng: Trường đại học đóng vai trò quan trọng, tích cực trong việc tạo ra môi trường khích lệ khởi nghiệp. Thông qua các kết nối với giới doanh nghiệp và các nhà làm chính sách, tham gia những dự án cải thiện môi trường khởi nghiệp… Để hỗ trợ các sinh viên, các trường đại học có thể hợp tác với các doanh nghiệp để làm nơi vừa ươm mầm cho các ý tưởng sáng tạo, vừa là nơi cho sinh viên trải nghiệm, cọ xát với môi trường kinh doanh thực tế. 
 
Câu chuyện “khởi nghiệp - star up” vẫn đang là đề tài hot trong giới kinh doanh và cả trong giới trẻ. Vẫn biết từ “lý thuyết” đến “thực tế” là cả một hành trình dài mà các bạn sinh viên cần phải trải qua với nhiều khó khăn, trải nghiệm, tuy nhiên với sự chia sẻ từ chính những “chiếc nôi” là các trường đại học sẽ giúp cho hành trình của các bạn trẻ ngắn lại, nhanh về đích hơn. Vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn là yếu tố quan trọng, tạo môi trường thuận lợi để ươm mầm những tài năng trẻ.
 
 
DIỄM THƯƠNG