Thân thương như ở nhà

08:05, 23/05/2019

Ðó là câu nói của nhóm sinh viên Lào đang học tập tại Trường Ðại học Ðà Lạt (tỉnh Lâm Ðồng). Mỗi khi nhắc tới những tình cảm của thầy cô, bạn bè nơi đây, các bạn sinh viên Lào đều có cảm giác gần gũi, thân thương như đang sống trên quê hương mình. 

Ðó là câu nói của nhóm sinh viên Lào đang học tập tại Trường Ðại học Ðà Lạt (tỉnh Lâm Ðồng). Mỗi khi nhắc tới những tình cảm của thầy cô, bạn bè nơi đây, các bạn sinh viên Lào đều có cảm giác gần gũi, thân thương như đang sống trên quê hương mình. 
 
Ngoài giờ đến trường, sinh viên Lào luôn tạo sự gần gũi nhau thông qua lời ca, tiếng hát. Ảnh: T.T.H
Ngoài giờ đến trường, sinh viên Lào luôn tạo sự gần gũi nhau thông qua lời ca, tiếng hát. Ảnh: T.T.H
 
Khó khăn học tiếng Việt
 
Theo hướng dẫn của thầy Dương Huy - Phụ trách người nước ngoài ở ký túc xá Trường Đại học Đà Lạt, chúng tôi có dịp được tiếp xúc và trò chuyện với 12 sinh viên Lào đang sinh hoạt tại nơi đây.
 
Rời xa gia đình đến Việt Nam với ước mơ của chính bản thân và trách nhiệm học tập để trở về xây dựng quê hương, các du học sinh Lào đã gặp không ít khó khăn trong ngôn ngữ, văn hóa.
 
Suốt 3 năm học tại Trường Đại học Đà Lạt, Moonthisene Chanthaphone (Sinh viên năm 3, ngành Khoa học môi trường) vẫn không quên kỷ niệm những ngày đầu sang Việt Nam học tập. Thông qua các anh chị đi trước, Chanthaphone hiểu thêm về quê hương Việt Nam nói chung và con người Đà Lạt nói riêng.
 
Nhớ lại những ngày mới đặt chân tới Việt Nam, Chanthaphone tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp phổ thông, em đăng ký qua Việt Nam để học tập. Lúc đầu em cũng giống như các bạn đều gặp một số khó khăn trong sử dụng tiếng Việt và vấn đề ăn ở, đi lại. Em còn nhớ lúc vừa sang, mỗi lần đi mua đồ ăn là phải tìm trên điện thoại có hình ảnh của thứ mình muốn mua, xong rồi chỉ cho người bán mới có thể mua được. Giờ thì đỡ nhiều rồi, tuy không nói được sành sõi nhưng 3 năm ở đây em cũng đã nói được nhiều và biết nhiều hơn”. 
 
Trái ngược với chàng sinh viên Lào năm 3, đối với những em vừa mới sang chừng 5 đến 6 tháng, việc học tiếng Việt là chỉ dừng lại ở một số câu nói đơn giản. “Bập bẹ” như đứa trẻ lên 3, các em nói chuyện được đôi ba câu đơn thuần, nhiều khi nói ngắt quãng xong rồi chỉ biết cười trừ.
 
Dù là du học sinh năm nhất và đang trong quá trình học tập để hoàn thành khóa học tiếng Việt trước khi vào học chuyên ngành, em Boualaphanh Sikhourie chia sẻ: “Phong tục ở Việt Nam không khác với Lào là bao nhiêu nên em không thấy bỡ ngỡ nhiều, khó khăn hiện tại của tụi em là học ngôn ngữ tiếng Việt, vì đó là điều quan trọng nhất để giúp đỡ em và các bạn trong việc học tập và giao tiếp trong thời gian học tới đây”. 
 
Thầy Trần Hữu Duy - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Đà Lạt cho biết: “Khi các em sang đây, thầy cô trong trường hiểu vấn đề mà các em đang gặp phải đó là vừa xa nhà, vừa khó khăn trong ngôn ngữ. Chính vì thế, thầy cô và bạn bè Trường Đại học Đà Lạt luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các sinh viên Lào yên tâm và học tập tại trường. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động tập thể để các em có thể hòa nhập được với phong tục và ngôn ngữ của Việt Nam một cách dễ dàng hơn”. 
 
Như quê hương thứ hai 
 
Khó khăn là vậy, nhưng khi hỏi về mảnh đất mà sinh viên Lào đang gắn bó, ai nấy cùng đều hào hứng: “Đây là năm thứ 3 em sinh sống và học tập tại Đà Lạt, thành phố xinh đẹp và con người ở đây rất hiền hòa. Em cũng rất thích nơi này, bởi từ thầy cô đến các bạn Việt Nam đều rất nhiệt tình giúp đỡ các du học sinh Lào. Có thể nói, em xem đây giống như quê hương thứ hai của mình vậy và em cũng nghĩ rằng các bạn ở đây cũng đều có suy nghĩ và cảm nhận giống như em”, Chanthaphone chia sẻ.
 
Được bố trí sống tại ký túc xá cùng các bạn sinh viên Việt Nam là một trải nghiệm khá là thú vị: “Có những buổi trưa hay buổi tối, phía dưới sân lại rôm rả hẳn lên bởi tụi em hay ngồi kể chuyện, trêu đùa nhau với các bạn Việt Nam. Nhiều khi nhớ nhà nhiều lắm, nhưng các bạn Việt Nam lại mang đến cho bọn em cảm giác gần gũi, thân thương và đó có lẽ là những kỷ niệm đáng nhớ của tụi em khi trở về Lào”, Saiyasack - một chàng sinh viên năm 3 bộc bạch.
 
Còn Disanh (Sinh viên năm 2, ngành Luật) nói tiếng Việt lõm bõm cũng hào hứng cho hay: “Không giỏi tiếng Việt nhưng bù lại trong suy nghĩ của những lưu học sinh Lào như em, những cô giáo, thầy giáo người Việt Nam giảng dạy cho sinh viên Lào giống như những người mẹ, người cha. Các thầy cô giáo rất tận tình chỉ dạy. Chỗ nào không hiểu thì hỏi lại cô giáo. Nếu ở trên lớp không có thời gian hỏi thì về ký túc xá bọn em lại sang hỏi mấy bạn Việt Nam để hiểu rõ hơn”.
 
Hỏi thăm thầy Dương Huy về sinh viên Lào, thầy cho biết: “Sinh viên Lào rất thông minh và có nhiều năng khiếu. Ngoài giờ đi học thì các em thường về chơi đàn, chơi bóng rổ, bóng chuyền,... Đặc biệt, sinh viên Lào luôn chấp hành đúng nội quy của trường và ký túc xá đề ra. Trường hiểu rõ được tâm lý của các em khi xa nhà, xa quê hương nên những ngày lễ, tết của Lào trường luôn có sự kết hợp để tổ chức cho các em”.
 
Và rồi thay cho lời chào tạm biệt trước lúc chia tay, một câu nói của những cô, cậu sinh viên Lào về ngôi trường Đại học Đà Lạt nói riêng và con người nơi đây nói chung đã làm chúng tôi nhớ mãi “Ở đây thân thương như ở nhà”.
 
THÂN THU HIỀN