Hai nữ sinh tìm ra chất bảo quản nông sản từ thực tiễn

08:06, 14/06/2019

Từ nhu cầu thực tế cần bảo quản các loại rau củ, quả trong gia đình và tại địa phương sau thu hoạch mà 2 cô học trò Trường THPT Ðức Trọng đã tìm cách nghiên cứu ra phương pháp bảo quản an toàn, thân thiện với môi trường.

Từ nhu cầu thực tế cần bảo quản các loại rau củ, quả trong gia đình và tại địa phương sau thu hoạch mà 2 cô học trò Trường THPT Ðức Trọng đã tìm cách nghiên cứu ra phương pháp bảo quản an toàn, thân thiện với môi trường.
 
Ý tưởng của 2 em được đánh giá cao về khả năng áp dụng vào thực tiễn. Ảnh: H.Thắm
Ý tưởng của 2 em được đánh giá cao về khả năng áp dụng vào thực tiễn. Ảnh: H.Thắm
 
Đó là ý tưởng bảo quản rau, quả bằng pectin trong lá mồng tơi của hai học sinh Nguyễn Thị Phương Thảo và Đào Thị Phượng (học sinh lớp 10A4). Thành quả cho nghiên cứu là giải tư tại Cuộc thi Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học lần thứ XI năm học 2018 - 2019.
 
Nói về đề tài của mình, cả Thảo và Phượng đều vô cùng tỏ ra tâm huyết bởi nó xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn tại gia đình các em. Chứng kiến cha mẹ hằng ngày phải khá vất vả trong việc bảo quản thực phẩm hằng ngày, rộng hơn là quá trình bảo quản sản phẩm sau thu hoạch của người nông dân, các địa điểm tập trung hàng hóa ở chợ đầu mối khiến 2 cô học trò nhỏ luôn trăn trở. Thêm nữa, hiện nay các loại chất được phép sử dụng trong bảo quản thực phẩm đang bị lạm dụng quá nồng độ cho phép dẫn đến gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. 
 
Phương Thảo cho biết, qua tìm hiểu thì hiện nay, việc nghiên cứu tách chiết pectin đã được tiến hành rất nhiều từ các nguyên liệu khá quen thuộc như lá sương sâm, vỏ bưởi, vỏ táo, vỏ thanh long, xương rồng tai thỏ, lô hội …. Pectin là một loại chất xơ hòa tan trong nước, được dùng trong công nghệ thực phẩm để chế biến bánh kẹo cao cấp nhờ tính chất dễ tan trong nước. Pectin thuộc nhóm các chất làm đông tụ, được xem là phụ gia thực phẩm an toàn và được kiểm chứng chấp nhận bởi các tổ chức quốc tế uy tín. Pectin tinh chế có dạng bột màu trắng và xám nhạt, chất keo, hút nước dễ tan trong nước.
 
Từ ý tưởng sẵn có cùng với hướng dẫn từ giáo viên, Thảo và Phượng đã tiến hành những bước nghiên cứu đầu tiên tại nhà của mình. Đào Thị Phượng mô tả: Lá mồng tơi tiến hành cắt nhỏ hoặc nghiền nát cộng với nước cốt chanh pha theo các tỷ lệ khác nhau (sao cho đủ 80 ml), sau đó ủ cách thủy ở nhiệt độ trên 60 độ C trong khoảng thời gian trên 2 tiếng. Sau đó để nguội, lọc bỏ bã, cho cồn trên 80 độ vào để tạo kết tủa pectin. Sau một ngày để cho cồn bay hơi hết, chiết hoặc lọc lấy pectin, khuấy trong nước sạch. Nhúng trực tiếp các loại rau, củ cần bảo quản vào dung dịch pectin hoặc dùng tăm bông bôi quét đều dung dịch pectin lên bề mặt. Kết quả cho thấy thời gian bảo quản bằng pectin sẽ kéo dài hơn 5 - 6 ngày so với thông thường. 
 
Qua nhiều lần thử nghiệm, hai cô học trò đã tìm ra tỷ lệ giữa nước chanh và nước cất là  5/3 thì thu được lượng pectin nhiều nhất, dung dịch pectin để được 20 ngày. Ðồng thời có thể sấy khô kết tủa pectin để dễ dàng bảo quản.       
                  
“Vì thời gian nghiên cứu hạn hẹp nên chúng em chưa thể thử nghiệm với tất cả các loại rau quả. Nghiên cứu thành công sẽ giúp bảo quản một số loại rau, quả tại địa phương, đặc biệt là các loại hoa, rau xanh... Giảm chi phí, kéo dài thời gian bảo quản, tiện cho việc chuyên chở, chuyển đến thị trường xa nhưng không gây hại cho người sử dụng. Toàn bộ nguyên liệu lại sẵn có, rẻ tiền, dễ tìm kiếm, dễ điều chế và sử dụng. Qua đó, có thể góp phần bảo vệ môi trường”, Phương Thảo cho biết thêm.
 
Theo cô Nông Thị Hồng Duyên, giáo viên bộ môn Hóa học đồng thời là người hướng dẫn thực hiện đề tài thì đây là một trong những ý tưởng được cả cô và trò đánh giá cao bởi tính khả thi và khả năng mở rộng khi áp dụng vào thực tiễn. “Trong trường hợp có tổ chức, doanh nghiệp nào đứng ra đỡ đầu thì sản phẩm thu được sẽ có giá thành rẻ, đáp ứng nhu cầu bảo quản nông sản tại địa phương. Chúng tôi cũng đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ý tưởng thành sản phẩm khởi nghiệp của các em trong thời gian tới”, cô Hồng Duyên chia sẻ.
 
Thầy Thân Tuấn (giáo viên phụ trách Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học Trưởng THPT Đức Trọng) cho biết, dù mới lớp 10 nhưng cả Phương Thảo và Đào Thị Phượng đều là những học sinh năng nổ trong các công trình nghiên cứu tại trường. Dù còn rất đơn giản nhưng ý tưởng bảo quản rau, quả bằng pectin trong lá mồng tơi của 2 em xuất phát từ thực tiễn, hoàn toàn phù hợp với điều kiện nghiên cứu ở địa phương, phù hợp với lứa tuổi của học sinh THPT. Hàm lượng khoa học của nghiên cứu này không cao nhưng tính chất, hiệu quả mang lại vô cùng thiết thực. 
 
HỒNG THẮM