Ứng dụng công nghệ sấy gió trên quả hồng xiêm

09:01, 01/01/2022
Nếu như hình ảnh trái hồng Đà Lạt được nâng tầm thương hiệu với công nghệ sấy gió Nhật Bản thì mới đây, cô và trò Trường THPT Lộc Thành (huyện Bảo Lâm) đã nghiên cứu, ứng dụng thành công đối với một loại quả dân dã, có mặt trong cuộc sống thường nhật của người Việt. Đó là trái sapoche - hay tên gọi thân thuộc là hồng xiêm.
 
Sapoche treo gió là sản phẩm tâm huyết của hai cô gái nông thôn trước trăn trở của gia đình.
Sapoche treo gió là sản phẩm tâm huyết của hai cô gái nông thôn trước trăn trở của gia đình.
 
Ý TƯỞNG TỪ VƯỜN NHÀ 
 
Những ngày cuối năm 2021 cũng là lúc nhóm tác giả Nguyễn Huyền Bảo Trâm (lớp 12A) và Lê Thị Ngọc Anh (lớp 12B3) cùng cô giáo Vũ Thị Hằng (Giáo viên bộ môn Hóa học) tất bật tại sân chơi lớn. Dự án Xây dựng quy trình khép kín sản xuất sapoche treo gió gây được chú ý tại các cuộc thi và liên tiếp giành được những giải thưởng cao như Giải Nhì trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học tỉnh Lâm Đồng năm học 2020-2021; Giải Khuyến khích Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lần thứ 4; Giải Khuyến khích Cuộc thi Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng, tham dự vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 7 và Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2021. Đó là sự ghi nhận cho những nỗ lực và sáng tạo, tìm tòi của những cô gái đang mang trên mình đồng phục học sinh dưới mái trường THPT.
 
Được thường xuyên tham gia các lớp tập huấn cũng như tham quan hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh, cô Vũ Thị Hằng đặc biệt ấn tượng bởi câu chuyện khởi nghiệp cùng sự truyền cảm hứng từ một chủ cơ sở hồng sấy gió tại TP Đà Lạt. Nên từ năm học 2020-2021, khi được phân công phụ trách hướng dẫn học sinh tham dự Cuộc thi Khoa học kĩ thuật học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ XIII, chị đã trăn trở làm thế nào một lần nữa ứng dụng công nghệ tiên tiến này trên các loại quả thịt khác có đặc tính tương tự quả hồng để cho ra những sản phẩm thơm ngon, giá trị. 
 
Được cô giáo giao “đề bài”, hai cô gái Nguyễn Huyền Bảo Trâm lớp 12A và Lê Thị Ngọc Anh lớp 12B3 nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu. Dù học khác lớp nhưng với niềm yêu thích với các bộ môn khoa học nên 2 bạn đã đồng hành với nhau trong suốt những ngày tháng cấp 3. Chính vì thế cả hai cùng đặt mục tiêu chung khi tham gia, thử sức bản thân ở một lĩnh vực mới. Bắt đầu từ những loại cây trái có sẵn trong vườn nhà, Bảo Trâm đã nhanh chóng để ý đến trái sapoche. 
 
“Thời gian đầu mới bắt tay vào làm thật sự cũng có những lúc chúng em thấy nản lòng vì sapoche có những đặc tính không hoàn toàn giống quả hồng. Tự tay hái, gọt và treo lên nhưng được vài ngày lại xuất hiện các vấn đề như mốc, chua, bị rụng, màu sắc kém bắt mắt... Hay đôi khi chỉ cần trời xuất hiện một cơn mưa là hôm sau phải nghiên cứu để làm lại mẻ khác. Cũng may chúng em nhận được sự động viên từ phía bạn bè, thầy cô nên mới có được kết quả như ngày hôm nay”, em Ngọc Anh tâm sự.
 
Cũng cơ bản các bước như quy trình làm hồng treo gió công nghệ Nhật Bản hiện có trên thị trường, nhưng trái sapoche sẽ được xông lưu huỳnh như một phương pháp bảo quản hương vị, màu sắc như cách mà nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ hoặc châu Âu đang cho phép sử dụng với dư lượng sun-phít còn lại không vượt quá 10mg/1 kg thành phẩm. 
 
Cô Vũ Thị Hằng cho biết, sản phẩm đã được kiểm định an toàn tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đóng chân ở TP Bảo Lộc. Sản phẩm sapoche treo gió không chỉ giữ được hàm lượng chất dinh dưỡng cao mà còn vẹn nguyên được hương thơm cùng vị ngọt thanh vốn có, màu sắc tự nhiên và giá cả vô cùng phù hợp. Đây chính là một trong những bước tiến quan trọng trong công nghệ tạo ra sản phẩm, màu sắc của thành phẩm và thời gian bảo quản, đồng thời giảm thiểu được rủi ro khi độ ẩm không khí tăng cao. Mặt khác, nếu áp dụng công nghệ này cho vào chế biến sâu có thể tạo ra sản phẩm quanh năm, tạo được công việc và thu nhập ổn định cho cả người nông dân và người sản xuất, giúp người tiêu dùng được tận hưởng những sản phẩm tốt nhất tại mọi thời điểm trong năm.
 
Nhóm tác giả tham gia thi trực tuyến tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2021.
Nhóm tác giả tham gia thi trực tuyến tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2021.
 
GÓP PHẦN GIẢI QUYẾT BÀI TOÁN NÔNG SẢN
 
Trực tiếp có mặt đồng hành với học sinh trong các cuộc thi lớn nhỏ, cô giáo trẻ cũng chẳng giấu nổi sự vui mừng trước thành công của các học trò. “Là người có kinh nghiệm trong quá trình hướng dẫn học sinh tiếp cận các nghiên cứu khoa học và tham gia các cuộc thi khởi nghiệp nên tôi luôn trăn trở với việc làm thế nào để giúp các em học sinh định hướng được nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân nhưng cũng góp phần xây dựng nền kinh tế địa phương, giúp các bạn trẻ có thể bám trụ và làm giàu ngay trên mảnh đất thân thương của mình”, cô giáo Vũ Thị Hằng chia sẻ.
 
Với tên gọi khác là hồng xiêm, loại quả này được trồng phổ biến không chỉ ở Lâm Đồng mà còn ở mọi miền tổ quốc với giá trị dinh dưỡng cao và được người Việt ưa chuộng. Tuy nhiên, việc thu mua cũng như giá cả của trái sapoche còn nhiều bấp bênh, nên vẫn chưa tạo được niềm tin để nông dân ở nhiều nơi yên tâm đưa vào sản xuất đại trà. 
 
Với sản phẩm được đánh giá cao tại các cuộc thi cấp tỉnh và toàn quốc, từ đây có thể sẽ mở ra tiềm năng cho ngành nông nghiệp ở địa phương.
 
“Chúng tôi là những người trẻ đầy nhiệt huyết nhưng cũng không thiếu những trăn trở khi chứng kiến cha mẹ và những người thân yêu ngày ngày phải chật vật với miếng cơm manh áo. Ở nơi chúng tôi sinh ra, giá cà phê bấp bênh luôn khiến người nông dân hoài nghi về nghiệp làm nông của mình. 2 năm trở lại đây, dịch bệnh COVID-19 cũng tác động không nhỏ, vì thế chúng tôi muốn được góp một phần nhỏ bé giúp giải quyết bài toán nông sản của địa phương, giúp người nông dân có thể bám đất, giúp người trẻ có thể sinh sống và làm giàu ngay trên quê hương mình”, cô Hằng chia sẻ. 
 
Nhớ mãi những lần cùng cô giáo trực tiếp đi khảo sát, mang sản phẩm đi thử nghiệm tại Đà Lạt đã giúp Bảo Trâm và Ngọc Anh có điều kiện biết nhiều hơn về các loại nông sản cũng như những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp. Chính những kiến thức thực tế mới mẻ này đã giúp cho hai bạn có thêm cảm hứng cũng như quyết trâm trong quá trình nghiên cứu của chính mình.
 
Con đường đi từ nghiên cứu, ý tưởng đến khởi nghiệp, thương mại còn rất xa. Đối với cô trò Trường THPT Lộc Thành cũng thế. Những năm gần đây, kết quả sáng tạo, khởi nghiệp của cả giáo viên và học sinh đều đạt được những giải thưởng cao. Tuy nhiên, dường như vẫn còn thiếu một chút gì đó để cho những đam mê được “cất cánh” và có thể ứng dụng trên thị trường.
 
“Dự án được thai nghén từ tấm lòng của những người con mang nặng tình yêu với quê nhà, từ sự đam mê và nhiệt huyết của những người trẻ thích khám phá và chinh phục. Chúng tôi sẽ không ngừng nghiên cứu để tối ưu hóa quy trình sản xuất, tìm phương cách để giải quyết mọi vấn đề. Việc tham gia các cuộc thi cũng chính là cách để chúng tôi hoàn thiện và phát triển dự án, đồng thời định hướng được nghề nghiệp và tìm ra hướng đi đúng đắn cho bản thân trong thời gian sắp tới”, nhóm tác giả hi vọng.
 
HỒNG THẮM