Thấm văn hóa trong từng bước chân

10:02, 10/02/2019

Con đường hạt muối, cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam: Tà Năng - Phan Dũng, nối hai đỉnh núi thiêng Bidoup - Chư Yang Sin và nhiều cung đường thu hút du khách khác ở Nam Tây Nguyên do Mull K'Vâng, một chàng trai ở Bon NeurC, thị trấn Lạc Dương mang trong mình hai dòng máu K'Ho của mẹ và Ê Ðê của cha mở lối. 

Con đường hạt muối, cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam: Tà Năng - Phan Dũng, nối hai đỉnh núi thiêng Bidoup - Chư Yang Sin và nhiều cung đường thu hút du khách khác ở Nam Tây Nguyên do Mull K’Vâng, một chàng trai ở Bon NeurC, thị trấn Lạc Dương mang trong mình hai dòng máu K’Ho của mẹ và Ê Ðê của cha mở lối. 
 
Trên những cung đường ấy, lục hết tất cả trong ba lô để mang bánh, kẹo, sữa cho trẻ em nghèo; vác trên vai gần 30 kg hành lý vẫn mang theo túi để nhặt rác trong rừng; những cái ôm với anh em các dân tộc khác giữa rừng già... tất cả điều đó đã gây ấn tượng mạnh cho những ai cùng K’Vâng rong ruổi cho thỏa cơn “đói rừng”. 
 
Ám ảnh
 
Nghề làm du lịch đến với K’Vâng như một câu chuyện dài đầy tình cờ.
 
Chuyện bắt đầu từ môn Địa lý, khi K’Vâng còn là học sinh lớp 9, Trường THCS Liên Đầm (huyện Di Linh). Bài học về mất rừng ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Từ cửa sổ phòng học có thể nhìn thẳng qua ngọn đồi - nơi bà con phát rừng làm lúa rẫy. Giữa nương lúa xanh hằn rõ những vệt dài ngoằn ngoèo màu trắng - sản phẩm của nhiều trận mưa lớn kéo trôi bùn đất. Những vệt trắng dài trên lưng đồi ấy đã thành nỗi ám ảnh mơ hồ trong đứa trẻ K’Vâng từ bấy đến nay.
 
Nụ cười đầy mãn nguyện của K’ Vâng khi chuyện trò tâm đắc với những người hiền minh giữa rừng già
Nụ cười đầy mãn nguyện của K’ Vâng khi chuyện trò tâm đắc với những người hiền minh giữa rừng già

Nỗi ám ảnh như dày thêm khi hình ảnh bà con trong buôn sáng mang gùi và cây xà gạc đi, tối đoàn người lại lầm lũi về qua những cửa hiệu ánh đèn sáng trưng trên Quốc lộ 20 để vào buôn làng u tịch trong màu tối cứ quẩn quanh trong đầu đứa trẻ. 
 
Nhưng có lẽ chính những ám ảnh ấy đã nhen nhóm dần trong K’Vâng khao khát được học hành. Tốt nghiệp Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Đà Lạt, với chính sách hỗ trợ việc làm cho con em đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên, năm 2005, K’Vâng vào làm việc tại Khu Du lịch Đankia - Suối Vàng. Đó cũng là quãng thời gian giúp tình yêu rừng trong K’Vâng được bồi đắp, hoàn thiện. Tháng 4/2011, khi Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà tiếp nhận khu vực này, lãnh đạo Vườn đã đề nghị anh tiếp tục về làm việc. Tháng 10/2011, K’Vâng được cử đi tập huấn ở Nhật Bản về làm du lịch sinh thái theo chương trình của Dự án JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản). Khóa tập huấn có môn học “Treasure hunting for ecotourism” (Truy tìm báu vật địa phương để phát triển du lịch sinh thái). “Dường như môn học đó dành riêng cho mình. Khi thầy giáo nói về báu vật địa phương là toàn bộ những gì về văn hóa của buôn làng cứ hiện lên trong đầu mình rõ mồn một và đầy tiếc nuối. Bởi mình và bà con mình đã bỏ sót quá nhiều. Khát khao cho những “báu vật” của cộng đồng được khôi phục, gìn giữ và tạo ra giá trị cũng tràn trề từ đó” - K’Vâng nhớ lại.
 
Và từ đó cuộc đời K’Vâng rẽ hướng: làm du lịch.
 
“Ðói rừng”
 
K’Vâng có thói quen đưa những hình ảnh về ngọn núi, cung đường, viết những câu chuyện có thật ở các buôn làng lên Facebook bằng tiếng K’Ho, tiếng Anh, tiếng Việt. Và cứ thế, những người đam mê “xê dịch” tìm đến anh đề nghị được dẫn đường. 
 
Trước mỗi hành trình, K’Vâng luôn đi trước, tìm hiểu “sức khỏe con đường” để nắm chắc sự đa dạng sinh học, những sự tác động của cả thiên nhiên và con người lên con đường. K’Vâng căn chuẩn như đồng hồ Thụy Sỹ để biết đi tới đâu thì dừng nghỉ ngơi, tới địa điểm nào sẽ dừng cắm trại, thậm chí đứng nghỉ ngơi dưới gốc cây nào là an toàn vì không có cành mục.
 
Lắng nghe câu chuyện của người già
Lắng nghe câu chuyện của người già

Gần đây nhất, tôi liên lạc với K’Vâng để tham gia vào cung đường mang tên “Con đường hạt muối”. Con đường rừng mà hàng trăm năm trước người miền rừng trên cao nguyên Lang Biang gùi sản vật xuống miền biển (Ninh Thuận) để cõng về những gùi muối đầy. Sau hai ngày một đêm luồn rừng với bữa ăn thiếu muối, đêm thứ hai chúng tôi về cắm trại ở vùng của người Raglai, thôn Bố Lang, xã Phước Bình. Đêm ấy, bữa ăn có muối càng thêm thấu được niềm hân hoan khi đổi được muối của người K’Ho xưa. “Người K’Ho có câu “Mẹ boh mẹ bla”, nghĩa là “Mẹ muối, mẹ ngà voi”. Đó là hai tài sản quý giá nhất với bà con ngày ấy. Muối là vật thiêng liêng nên trong các lễ hội, các dịp cúng bái bao giờ cũng có. Muối được dành cho những người ốm hay để làm món quà quý giá tặng nhau”, K’Vâng nói. 
 
Và hơn hết, hạt muối còn kết tình người Chăm, người Raglai ở Ninh Thuận với người K’Ho ở Lâm Ðồng. Ðó là lý do ở buôn làng của người K’Ho hôm nay lại có những chàng rể người Chăm, người Raglai và ngược lại.
 
K’Vâng nhắc với tôi câu nói của một người già “choh chom mono mom bla” (xa xưa các ngọn núi cạnh nhau). Đó không hẳn là sự gần nhau về địa lý mà về tình cảm, phong tục. Có lẽ đó là lý do mà qua bất cứ buôn làng nào của người K’Ho Srê, K’Ho Cil, K’Ho Lạch,... hay cả người Raglai, Ê Đê,... K’Vâng luôn dùng ngôn ngữ của dân tộc mình để tìm ra sự đồng điệu. Nhìn ánh mắt rạng ngời của K’Vâng, nhìn cách anh em các dân tộc ôm nhau giữa rừng già, tôi tin rằng “xưa các ngọn núi gần nhau”.
 
Trong ba lô của người dẫn đường ấy luôn có những vật dụng truyền thống của người K’Ho. Không dùng con dao nhỏ đa năng của phương Tây như đa phần những hướng dẫn viên du lịch khác, K’Vâng dùng con dao nhỏ của người K’Ho gọi là peschot để gọt cành dẻ làm gậy cho khách leo núi, làm cọc cắm lều, cắt rau, xẻ thịt... Trong ba lô của anh còn có hũ muối bằng ống tre. Muối trộn với tiêu rừng để chấm rau rừng luộc, nêm cháo và ướp thịt nướng hít hà trong đêm rét giữa rừng già. K’Vâng đi rừng vẫn luôn mang theo cây xà gạc để ứng phó với những bất ngờ trong tự nhiên.
 
Thân thiết với K’Vâng đã 5 năm, cùng rong ruổi trên nhiều cung đường, tôi luôn bất ngờ trước sức đi, sức cảm của anh. Bước chân anh luôn rong ruổi khắp núi đồi bát ngát. “Mình là một phần của rừng. Đi rừng bằng kỹ năng vốn có, niềm tin và nhất là tình yêu. Không đi rừng là nhớ. Chắc bởi mình đói rừng”, K’Vâng chia sẻ. Một tuần anh ở rừng đến 5 ngày, thăm những người già, khảo sát mở tour mới. Cuối tuần nào anh cũng dẫn khách trekking (đi bộ trong rừng).
 
Giấc mơ đi tìm
 
K’Vâng về với rừng như trở về nguồn cội, để thỏa thích vẫy vùng trong cội nguồn hùng vĩ, lấy thêm sinh lực rồi quay lại với xã hội. K’Vâng không làm du lịch đơn thuần, mà dường như anh thực hiện giấc mơ đi tìm những gì là văn hóa tốt đẹp trong cuộc sống buôn làng xưa.
 
K’ Vâng dẫn khách trên những cung đường ở Nam Tây Nguyên. Ảnh: Trần Ngọc Thanh
K’ Vâng dẫn khách trên những cung đường ở Nam Tây Nguyên. Ảnh: Trần Ngọc Thanh

Trên con đường đi tìm báu vật địa phương để hiện thực giấc mơ, K’Vâng hiểu báu vật quý nhất chính là con người. Bởi vậy, K’Vâng là nhân tố chính hình thành nên hai nhóm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở hai xã Đa Nhim, Đa Chais. Đến nay những cái tên như Cil Phi Crieu Thani, Cil Phi Crieu Ha Trái, Liêng Hot Ha Kim... đã là những hướng dẫn viên cộng đồng chuyên nghiệp. Nếu như Thani là người hiểu rất nhiều về những câu chuyện của người xưa, nhất là văn hóa giữ rừng của các dân tộc bản địa thì với Ha Trái, các anh ở Trung tâm du lịch của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi bà (VQG) vẫn nhắc nhiều về câu chuyện của chàng hướng dẫn viên cộng đồng có chiều cao chưa tới 1m60, mỗi lần dẫn đoàn về luôn cõng theo trên lưng cả bao rác. Bởi anh kiên quyết “Không lấy gì của rừng ngoài những bức ảnh và không để lại gì ngoài những dấu chân”.
 
Đã không còn làm việc ở VQG, K’Vâng theo đuổi con đường làm du lịch riêng, nên anh càng có điều kiện để tìm thêm những trái tim thổn thức vì rừng. Ya Tha - người hướng dẫn trên cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam là một ví dụ. Hai cha con Ya Đinh và Ya Tha trước đây là thợ săn thú và chở gỗ lậu thuê nổi tiếng trên cung đường này. Nhưng chính câu chuyện và sự tác động từ K’Vâng, họ đã thay đổi suy nghĩ và dần dà Ya Tha đã trở thành người dẫn đường ở nơi mà anh thuộc về.
 
Du lịch không chỉ khai thác cái xác của phong cảnh, hiểu vậy nên K’Vâng không ngừng bồi đắp hồn cốt cho những chuyến đi. Mỗi tour của anh đều tích hợp văn hóa. Ở đó du khách được ngắm cảnh đẹp, tìm hiểu tri thức bản địa và tiêu thụ sản vật địa phương. Hay nói đúng hơn, khám phá thiên nhiên - trải nghiệm văn hóa - phát triển cộng đồng là ba chân kiềng bền vững để K’ Vâng, Thani, Ha Trái, Ha Kim... và nhiều người khác sống bằng chính văn hóa của cha ông, trao truyền văn hóa dân tộc.
 
NGỌC NGÀ