Kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt - Lào vì tình đoàn kết keo sơn

04:06, 28/06/2012

“Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long” - Câu thơ Bác Hồ đã lột tả được tình đoàn kết keo sơn giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào trong lịch sử đấu tranh giữ nước.

“Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long” - Câu thơ Bác Hồ đã lột tả được tình đoàn kết keo sơn giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào trong lịch sử đấu tranh giữ nước. Đã có biết bao người con nước Việt tình nguyện sang giúp nước bạn chiến đấu chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, hoặc khi hòa bình lập lại, mang kiến thức, lòng nhiệt huyết giúp nước bạn phát triển kinh tế, xã hội và cũng có những người con nước Lào lấy Việt Nam làm nơi rèn luyện ý chí, trau dồi kiến thức để trở về chiến đấu bảo vệ Tổ  quốc và xây dựng đất nước giàu đẹp. Kỷ niệm 50 năm hai nước Việt - Lào thiết lập quan hệ (1962-2012), 35 năm ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (1977-2012), được nghe một số cán bộ, sĩ quan kể về những kỷ niệm khó quên trong những năm tháng chiến đấu, công tác hết mình vì nước bạn, mới thấy hết giá trị của tình đoàn kết keo sơn hai nước Việt - Lào.

Sát cánh cùng quân giải phóng Pathet Lào kiên cường đánh giặc

Lê Văn Kiểm
Lê Văn Kiểm

Đại tá Lê Văn Kiểm, cán bộ Ban Tổ chức chính sách, Hội CCB tỉnh nhớ lại: “Năm 1972, với cấp bậc hạ sĩ, tiểu đội phó, tôi được điều động sang giúp quân giải phóng Pathet Lào chiến đấu ở chiến trường Hạ Lào trong đội hình Trung đoàn 102B, Sư đoàn 338. Trải qua nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh khác nhau, tôi đã chứng kiến được lòng quả cảm, không ngại gian khổ hy sinh và tình cảm của bộ đội Việt Nam dành cho nước bạn. Có lần, đơn vị tôi được phân công nhiệm vụ chặn đánh quân phản cách mạng Lào. Trận đánh diễn ra rất cam go, ác liệt, địch bị tiêu diệt nhiều, nhưng ta cũng bị một vài tổn thất. Tôi nhớ mãi hình ảnh  anh Nguyễn Quốc Trị, quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh bị thương khá nặng, đồng đội băng bó vết thương để chuyển anh về phía sau, nhưng anh một mực nói với mọi người, “Cứ để tôi nằm lại, đồng đội tiếp tục xông lên truy kích địch”. Sau hơn một tuần bám địch, đánh địch, giành thắng lợi, đơn vị quay lại tìm anh, thì tổ mối đã đụn đầy che lấp thể xác, đồng đội phải bới tìm, mang hài cốt anh về hậu phương mai táng. Trong những năm tháng đó, không chỉ phải luôn cảnh giác cao với sự tập kích bất ngờ của kẻ địch, mà bộ đội Việt Nam gặp vô vàn khó khăn, do nhu yếu phẩm thiếu thốn, bất đồng ngôn ngữ và địa hình phức tạp, ốm đau bệnh tật hoành hành, nhưng vẫn thực hiện nghiêm điều lệnh quân đội, không được phép lấy bất cứ thứ gì của dân, hoặc chiến lợi phẩm sau các trận đánh địch. Có những đêm tuần tra, canh gác, trời rét buốt, lạnh cóng người, thèm điếu thuốc, nhưng vì bí mật địa điểm đóng quân không một ai dám hút thuốc, sáng ra tìm lá đu đủ phơi khô thay thuốc hút. Hoặc có những lúc bị sốt rét, thèm bát canh, bát cháo, trong lúc vườn dân có nhiều loại rau khác nhau và nhiều thứ gạo nếp, nhưng không một chiến sĩ nào tự động hái và đặt vấn đề xin. Có điều, quân giải phóng Pathét Lào và người dân gần nơi đóng quân cũng rất yêu mến bộ đội Việt Nam, nên thường thăm hỏi, tặng quà. Chính tình cảm ấm áp đó đã giúp đơn vị tôi trụ bám kiên cường và đánh thắng nhiều trận ở chiến trường SaLaVăn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để nước bạn Lào ký Hiệp định Viên Chăn”. Chỉ với hơn một năm tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào, nhưng với đại tá Kiểm, những kỷ niệm về mối tình sâu nặng giữa hai quân đội Việt Nam - Lào mãi mãi không bao giờ phai.

Võ Văn Cương
Võ Văn Cương

Không như đại tá Lê Văn Kiểm, đại tá Võ Văn Cương (1929) có hơn 15 năm chiến đấu giúp nước bạn Lào giải phóng đất nước, từ năm 1954 đến năm 1970. Trải qua nhiều cương vị chỉ huy khác nhau, nhiều trung đoàn, đại đoàn, sư đoàn khác nhau, hết chiến đấu ở chiến trường Hạ Lào, Trung Lào, Bắc Lào với nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch khác nhau như: Sông Nậm Hu, Nong Héc, Bản Ban, Mường Ngàn, Mường Ngạt, San Chồ, Pha Kha (Xiêng Khoảng), Mường Phi (Sanavakhét), hết chỉ huy đơn vị lại làm phái viên quân sự cho những chiến dịch nổi tiếng ở Lào như Nhom Ma Rát (Khăm Muộn), cánh đồng Chum (Hạ Lào), rồi lại bảo vệ tiểu đoàn 2 quân giải phóng Pathét Lào về Việt Nam an dưỡng, củng cố lực lượng để trở về giải phóng đất nước. Hơn 15 năm chiến đấu hầu như khắp chiến trường Lào, đại tá Võ Văn Cương đã cùng đồng đội, đồng chí chịu nhiều gian nan, vất vả và không ít lần đối diện với tử thần do bị địch phục kích, bom mìn địch cài dày đặc và cả ốm đau, sốt rét. Mùa mưa dầm mình trong ướt lạnh, mùa nắng không có nước sinh hoạt, thiếu thốn tứ bề, nhưng cán bộ, chiến sĩ đều đồng lòng tâm niệm “ăn cơm Việt, uống nước Lào, chiến đấu vì tình đoàn kết hai nước láng giềng anh em!”. Từ chiến trường Lào trở về làm cán bộ đào tạo của Học viện Lục quân, nay nghỉ hưu ở phường 9, Đà Lạt, đại tá Võ Văn Cương vẫn không quên kỷ niệm những năm tháng trên đất nước Lào với những trận đánh, những đồng đội đồng chí đồng cam chịu khổ, chịu hy sinh và cả những người con của nước bạn đã kề vai sát cánh đánh quân thù.

Giúp nước bạn xây dựng cơ sở vật chất để đánh thắng địch

Các ông Huỳnh Văn Thừa (1923) và Ông Đức Thuận không trực tiếp chiến đấu, nhưng đã cùng với đội ngũ các chuyên gia Việt Nam được cử sang giúp nước bạn Lào xây dựng cơ sở vật chất để góp phần đánh thắng địch.

Huỳnh Văn Thừa
Huỳnh Văn Thừa

Năm 1948, ông Huỳnh Văn Thừa là cán bộ xưởng công binh X044 tình nguyện sang công tác ở Hạ Lào làm nhiệm vụ sửa chữa vũ khí, quân trang, quân dụng cho quân đội cách mạng Lào. Lúc bấy giờ, vũ khí quân đội cách mạng Lào vừa lạc hậu, vừa thiếu thốn, do đó việc sửa chữa, cải tạo các loại vũ khí sẵn có, hoặc thu được của địch qua các trận đánh là một nhiệm vụ rất cần thiết. Do vậy, ông Thừa cùng các cộng sự của mình đã mày mò, sáng kiến kỹ thuật để bộ đội Việt Nam và cả quân giải phóng Pathet Lào có vũ khí đánh giặc. Ông nhớ lại, có nhiều trận đánh, trong đó có trận đánh sau cùng để giải phóng Lào ở ApoLơ, những cán bộ, kỹ sư như ông có nhiệm vụ thu hồi vũ khí địch đưa về sửa chữa. Công việc hết sức vất vả, vì phải tiến hành nhanh gọn, vũ khí nặng nề, phức tạp, mãi đến 10 giờ đêm mới xong, bụng đói cồn cào, nhưng không một ai tự ý thu hồi chiến lợi phẩm quân nhu, thực phẩm cho bản thân, mà đợi đến khi quân giải phóng Pathet Lào tiếp tế, mọi người mới được ăn uống. Cùng với sự giúp đỡ của quân giải phóng Pathet Lào, các cán bộ, kỹ sư đã làm tốt công tác dân vận, nên được nhân dân Lào quý mến, giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần. Vì thế, trong điều kiện hết sức khó khăn, ông và các cộng sự luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 1954 từ nước Lào trở về, ông Thừa được cử đi học và trải qua nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau. Năm 1976 được cử vào làm Giám đốc Điện lực Lâm Đồng, đến năm 1986 về nghỉ hưu tại Lữ Gia, phường 9 - Đà Lạt. Ngoài niềm vui được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, ông còn có niềm vui được nhà nước Lào tặng Huân chương “Vì sự đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào”.

Ông Đức Thuận
Ông Đức Thuận

Ông Ông Đức Thuận (1930), cán bộ hưu trí ở số 1, đường Thi Sách, phường 6, Đà Lạt kể: “Năm 1960, đang tập huấn tại Trường sĩ quan Lục quân Sơn Tây, tôi được điều động sang Lào công tác trong đoàn chuyên gia 959, với nhiệm vụ xây dựng lực lượng thông tin cho quân giải phóng Pathet Lào và đảm bảo thông tin liên lạc cho Đoàn 959. Những năm tháng làm công tác chuyên gia trên nước bạn, cũng như bao cán bộ khác, tôi cũng trải qua nhiều gian nan vất vả do xa dân, thiếu thốn lương thực, thực phẩm, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, thường bị kẻ địch và phỉ Vàng Pao tập kích, nhưng với trách nhiệm thiêng liêng, cao cả làm nghĩa vụ quốc tế, giúp nước bạn Lào giải phóng đất nước, nên chúng tôi đã vượt qua tất cả, hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo đội ngũ điện báo viên cho nước bạn và đảm bảo thông tin cho mọi chiến trường”. Vì vậy, khi đã về nước công tác ở Bộ Tư lệnh thông tin (1960), Cục thông tin - Bộ Tổng tham mưu (1964), hoặc làm phái viên của Bộ Tư lệnh thông tin theo dõi chiến dịch Nam Lào (1971), ông Ông Đức Thuận vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không để xảy ra một sơ sẩy nào, góp phần vào các thắng lợi trên các chiến trường Lào. Những năm sau ngày thống nhất đất nước, ở cương vị Giám đốc Bưu điện Lâm Đồng (1977), hoặc khi đã nghỉ hưu, ông vẫn luôn dành một tình cảm sâu nặng đối với nước Lào anh em và rất vui khi biết được rằng, có những lãnh đạo nước Lào hiện nay, đã một thời gắn bó, kề vai sát cánh cùng những cán bộ, kỹ sư ngành vô tuyến điện như ông trong những tháng năm nước bạn Lào còn gian lao đánh giặc.

Cũng như đại tá Lê Văn Kiểm, đại tá Võ Văn Cương và các chuyên gia Huỳnh Văn Thừa, Ông Đức Thuận, hàng trăm, hàng ngàn cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ khác đã từng làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Lào trong những năm tháng chiến tranh, hay trong hòa bình đều có niềm vui, niềm tự hào lớn lao, bởi họ đã chiến đấu, công tác hết mình vì tình đoàn kết keo sơn Việt - Lào!

Hoàng Kiến Giang