Bác Hồ - tấm gương sinh động về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương

04:04, 17/04/2013

Chuyên đề năm 2013 đặt ra đối với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là phải học tập Bác về “phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.

Học tập và làm theo tác phong, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc Đảng ta thường xuyên quan tâm và trên thực tế chú trọng từ nhiều năm nay. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khoá V (1983) yêu cầu: “Đề cao việc học tập đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đôi với giáo dục, nâng cao ý chí chiến đấu và đạo đức, phẩm chất cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân viên nhà nước trong tất cả mọi cấp, mọi ngành”. Văn kiện Đại hội VI (1986) nêu rõ: “Mỗi người cộng sản chúng ta cần phải suốt đời học tập, noi gương đạo đức, tác phong của Bác Hồ…”. Đại hội VIII (1991) khẳng định: “Tiếp tục bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…”. Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị yêu cầu “học tập và làm theo tác phong, phong cách của Bác, thể hiện cụ thể trong công việc thường ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp”. Chính vì vậy, chuyên đề năm 2013 đặt ra đối với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là phải học tập Bác về “phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.

Tư tưởng, đạo đức, tác phong, phong cách là một chỉnh thể, tạo nên nhân cách mẫu mực Hồ Chí Minh, là các mặt có liên quan chặt chẽ với nhau. Tư tưởng chi phối đạo đức, tác phong, phong cách; tác phong, phong cách là sự thể hiện, cụ thể hoá tư tưởng, đạo đức. Sinh thời Bác Hồ là tấm gương thể hiện sinh động các mặt trên và luôn giáo dục cán bộ những nội dung đó. Nói phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân cách siêu việt, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh, với tư cách là một vĩ nhân, một nhà văn hoá kiệt xuất. Đó là một phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực. Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ không trộn lẫn được. Chính vì vậy, một số nhà nghiên cứu đã đề cập đến phong cách tư duy Hồ Chí Minh, phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh, phong cách làm việc Hồ Chí Minh, phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh, phong cách ứng xử Hồ Chí Minh, phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh…

Phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn của Đảng, của dân tộc ta, mãi mãi là nguồn sáng bất tận soi rọi vào mỗi tâm hồn con người dân tộc Việt Nam, hướng mọi người tới chân, thiện, mỹ của cuộc sống. Học tập và làm theo phong cách của Người có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay. Học tập và làm theo Bác giúp cán bộ, đảng viên phải luôn tự tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những người có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống giản dị, trong sáng, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn lấy lợi ích của nhân dân làm mục đích hoạt động của mình.

Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, các cấp ủy và các ban, ngành, các địa phương cần gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tiếp tục tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác. Cùng với chuyên đề năm 2011, 2012 “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”, nghiên cứu một số tác phẩm của Người “Đường cách mạng”, “Di chúc”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” trong sinh hoạt chi bộ, đoàn thể và tại cơ quan, đơn vị… phải chú trọng tổ chức thực hiện tốt chuyên đề năm 2013.

BÌNH NGUYÊN