Phát huy tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh

09:09, 10/09/2015

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề sống còn, quyết định sự thành công của cách mạng: "Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi"; "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công!".

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề sống còn, quyết định sự thành công của cách mạng: “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công!”.
 
Theo Bác, “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết”. Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân đã trở thành đường lối lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Rõ ràng, vấn đề đại đoàn kết toàn dân vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là nhiệm vụ và giải pháp của Đảng, Nhà nước ta nhằm đảm bảo luôn luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất không chỉ trong Đảng mà của cả toàn xã hội, không chỉ người Việt Nam ở trong nước mà cả người Việt Nam sinh sống, làm ăn ở nước ngoài. 
 
Có thể nói, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề cơ bản, nhất quán và xuyên suốt; là chiến lược tập hợp lực lượng đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và xây dựng, bảo vệ đất nước. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Bác còn căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.  
 
Tuy nhiên, để xây dựng khối đại đoàn kết một cách bền vững, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không quên nhắc nhở chúng ta phải khắc phục tình trạng đoàn kết xuôi chiều, hình thức, đoàn kết thiếu đấu tranh với những mặt chưa tốt. Người viết: “Đoàn kết thật sự nghĩa là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thật sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân”. 
 
Để thực thi tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta hết sức quan tâm xây dựng và phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam. Thông qua tổ chức mặt trận để đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tăng cường sức mạnh cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn khẳng định: “Đảng ta có chính sách Mặt trận dân tộc đúng đắn, cho nên đã phát huy được truyền thống đoàn kết và yêu nước rất vẻ vang của dân tộc ta”. Tuy nhiên, muốn lãnh đạo Mặt trận, thông qua mặt trận để lãnh đạo xây dựng khối đoàn kết toàn dân, trước hết Đảng phải thực sự đoàn kết nhất trí. Sự đoàn kết của Đảng là cơ sở vững chắc để xây dựng sự đoàn kết của toàn dân, sự đoàn kết của Đảng càng được củng cố thì sự đoàn kết của dân tộc càng được tăng cường. Chính nhờ Đảng đoàn kết, dân tộc đoàn kết và có sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân nên đã tạo nên sức mạnh của cách mạng Việt Nam để vượt qua khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, đi tới thắng lợi cuối cùng.
 
Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, một sự nghiệp lâu dài và đầy khó khăn gian khổ. Trong lúc đó, các thế lực thù địch đang tăng cường thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình và nhiều âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, hòng phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Do đó, nhu cầu liên minh, mở rộng việc tập hợp các lực lượng yêu nước đặt ra một cách bức bách, càng đòi hỏi phải tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; vai trò của Mặt trận và các đoàn thể thành viên càng trở nên quan trọng. Nâng cao vai trò, tác dụng của Mặt trận trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội là một yêu cầu của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Mấy chục năm qua, trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kế thừa và phát huy có hiêu quả  tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; luôn làm tròn được sứ mệnh của mình trong từng giai đoạn lịch sử, đóng một vai trò quan trọng để tập hợp, đoàn kết, động viên toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 
 
Đối với Lâm Đồng, một tỉnh có trên 40 dân tộc anh em cùng chung sống, trên 60% người dân có đạo, do đó việc xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc luôn được tỉnh xác định là một nhiệm vụ trọng tâm; thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách sáng tạo, có hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã chủ động đổi mới, nâng cao nội dung, phương thức hoạt động; phát huy đầy đủ vai trò, vị trí, chức năng của mình, thực sự là chỗ dựa của chính quyền, có uy tín trong tập hợp, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động… Qua đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tình đoàn kết, tính đồng thuận xã hội trên địa bàn được củng cố và nâng cao…
 
Kỷ niệm 55 năm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955 - 10/9/2015) trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi chúng ta càng phải tập trung học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về chính sách đại đoàn kết; đại đoàn kết dân tộc phải gắn liền với đoàn kết quốc tế, tạo ra nhân tố hết sức quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.              
 
BAN BIÊN TẬP