Cấp bách ứng phó với biến đổi khí hậu

09:04, 28/04/2016

Tại diễn đàn kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13, rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội bày tỏ sự lo lắng về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ và đề nghị Chính phủ gấp rút có các biện pháp nhằm giảm thiểu và ứng phó.

Tại diễn đàn kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13, rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội bày tỏ sự lo lắng về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ và đề nghị Chính phủ gấp rút có các biện pháp nhằm giảm thiểu và ứng phó.
 
Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng,  thời gian qua, tình trạng biến đổi khí hậu gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn lãnh thổ nước ta như lũ lụt ở miền Trung, lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc, triều cường dâng cao ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Đặc biệt là tình trạng hạn hán ở Tây Nguyên, nhiễm mặn đang diễn biến phức tạp gây thiệt hại cho các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long.
 
Theo đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An),  sản xuất nông nghiệp chịu tác động rất lớn của điều kiện tự nhiên, nhất là tác động hạn, xâm nhập mặn đang có nguy cơ làm nông nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng trưởng âm và có ảnh hưởng đến nông nghiệp tại các vùng khác như Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) phản ánh: đồng bằng sông Cửu Long là vùng nông nghiệp trù phú của cả nước, với trọng trách rất quan trọng là bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước nhưng hiện đang đứng trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Hiện, 11/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn, 9/13 tỉnh công bố thiên tai. Xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng nề tại đồng bằng sông Cửu Long ở nhiều lĩnh vực. Nước mặn không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, trồng trọt mà còn tác động xấu đến nhu cầu nước sinh hoạt hằng ngày của bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời, đồng bằng sông Cửu Long từ vùng trù phú sẽ rơi vào tình trạng đói và khát.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho biết, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai trong thời gian qua đã được các cấp, các ngành tăng cường. Tuy nhiên, tình hình còn diễn biến phức tạp như hạn hán, xâm nhập mặn, xảy ra nghiêm trọng với phạm vi rộng đang hiện hữu ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Dự báo còn tiếp tục kéo dài với mức độ ảnh hưởng lớn hơn. Tác động của biến đổi khí hậu đối với đồng bằng sông Cửu Long cũng như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ nhanh, mạnh hơn dự báo. Do đó, về lâu dài, Chính phủ, các ngành chức năng cần ưu tiên cấp bách đầu tư khép kín cho đê bao ở vùng đồng bằng sông Cửu Long để bảo đảm giữ nước ngọt.
 
Các đại biểu cũng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức và có sự chuyển biến tích cực trong việc đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực trồng cây công nghiệp. Điển hình như mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt mang lại hiệu quả cao đã được một số chủ vườn cà phê áp dụng trong thời gian vừa qua. Chú trọng đầu tư chuyển đổi cơ cấu ngành, lĩnh vực sản xuất cho phù hợp và thích ứng với xu hướng biến đổi khí hậu hiện nay. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên sẵn có của đất nước, tăng cường trách nhiệm, quy trách nhiệm trong quản lý tài nguyên. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
 
Theo dự báo của các nhà khoa học trên thế giới và tổ chức chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, trong thời gian tới, biến đổi khí hậu sẽ tác động gây hậu quả nghiêm trọng đến Việt Nam. Nhiệt độ toàn quốc tăng cao, hạn hán kéo dài và bất thường. Nguồn nước ở các dòng sông lớn có xu hướng giảm mạnh. Do vậy, để góp phần hạn chế và thích ứng với biến đổi khí hậu, về dài hạn, Chính phủ cần bổ sung và tích hợp nội dung kế hoạch và thích ứng với biến đổi khí hậu vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong các giai đoạn tới; xây dựng năng lực thích ứng ở mọi cấp chính quyền, gồm năng lực đánh giá, sắp xếp ưu tiên, điều phối, quản trị thông tin và giảm nhẹ rủi ro do biến đổi khí hậu. Đồng thời, dành nguồn ngân sách quốc gia thỏa đáng cho việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm tính khả thi và cần có sự điều phối rất chặt chẽ, tích cực và thường xuyên giữa các bộ, ngành; quan tâm quản lý nguồn tài nguyên nước vì nước có ý nghĩa rất quan trọng về mặt xã hội, cũng như về mặt kinh tế theo hướng xây dựng cơ chế đặc biệt, bảo đảm sự phối hợp giữa các bộ và các tỉnh trong trách nhiệm cung cấp nước điều tiết thủy điện, thủy lợi, phòng, chống lụt bão.                      
 
BBT