Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng nông thôn mới ở Đam Rông

08:04, 27/04/2016

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự đồng thuận, chung sức, chung lòng của nhân dân, nên sau 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn trong huyện đã có nhiều khởi sắc.

Là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), Đam Rông có xuất phát điểm thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của tỉnh. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự đồng thuận, chung sức, chung lòng của nhân dân, nên sau 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn trong huyện đã có nhiều khởi sắc. 
 
Một con đường nông thôn mới ở Liêng Srônh, Đam Rông. Ảnh: P.Nhân
Một con đường nông thôn mới ở Liêng Srônh, Đam Rông. Ảnh: P.Nhân

Trước khi bước vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Đảng bộ huyện Đam Rông đã căn cứ vào những đặc điểm tình hình cụ thể của địa phương để xác định những tiêu chí có tính đột phá và tập trung chỉ đạo thực hiện. Là huyện nghèo, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, nên trong quá trình xây dựng NTM, tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được Đảng bộ huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện.
 
Đồng chí Trần Đức Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết: “Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, huyện Đam Rông đã phê duyệt Đề án sản xuất, nâng cao thu nhập cho dân cư vùng nông thôn thuộc 8/8 xã của huyện. Với sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, UBND huyện, qua 5 năm thực hiện đến nay đã có một số mô hình sản xuất tiêu biểu, mang tính đặc thù của địa phương và mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế như: Mô hình cà phê robusta tại xã Đạ K’Nàng, Phi Liêng, Đạ R’Sal; mô hình cây ăn quả tại xã Đạ R’Sal, Rô Men; mô hình thâm canh lúa nước tại xã Đạ Tông, Đạ Long, Đạ M’rông…”.
 
Bên cạnh đó, Đảng bộ huyện còn chỉ đạo cụ thể đến các phòng, ban trong huyện phối hợp với các xã nhằm hỗ trợ bà con về mặt khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế. Ông Cil Ha Krong - trú tại thôn 3, xã Liêng Srônh, nói: “Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhất là về kỹ thuật mới trong chăm sóc cây cà phê, nên 6ha cà phê của gia đình tôi cho thu nhập mỗi năm gần 400 triệu đồng, vì thế cuộc sống của gia đình tôi không còn khó khăn vất vả như trước đây nữa”. Tính đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 28,5 triệu đồng/người/năm, tăng 2,85 lần so với năm 2010. Hiện có 5/8 xã của huyện đã đạt tiêu chí về thu nhập.
 
Trong quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, việc huy động nguồn lực, phát huy nội lực của nhân dân luôn được Đảng bộ huyện Đam Rông nói chung và cấp ủy các xã nói riêng tiến hành thực hiện linh hoạt và hiệu quả.
 
Đồng chí Kơ Dơng Ha En - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông, cho biết: “Mọi kế hoạch, công trình, phần việc đều được công khai tới nhân dân thông qua cuộc họp thôn, qua đó, người dân chủ động tham gia góp ý, đề xuất, kiến nghị. Nhờ vậy, kết quả huy động nguồn lực đóng góp xây dựng NTM từ nhân dân trong xã  đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Cụ thể, bà con đã hiến gần 50 ngàn m2 đất rẫy để xây dựng hồ chức nước Đạ Nòng. Điều này vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân về nguồn nước trong sản xuất, đồng thời cũng thực hiện thành công tiêu chí thủy lợi trên địa bàn xã”.
 
Cũng từ sự đồng thuận của nhân dân, ở xã Đạ R’Sal, người dân đã hiến gần 18ha đất, đồng ý chặt bỏ hơn 4.000 cây cà phê và đóng góp hơn 1.000 ngày công để làm đường giao thông nông thôn. Mặc dù đời sống người dân huyện Đam Rông còn thấp, nhất là bà con vùng DTTS, song nhân dân toàn huyện đóng góp xây dựng NTM với số tiền gần 23,3 tỷ đồng, chiếm 1,49% kết quả huy động và sử dụng nguồn lực xây dựng NTM của địa phương. 
 
Thời gian qua, Đảng bộ huyện Đam Rông còn chú trọng xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh bằng việc phát động các phong trào thi đua; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các đoàn thể, chi bộ, đảng viên và nhân dân. Điển hình như: Mô hình “sáng, xanh, sạch, đẹp” tại xã Đạ R’sal; Mô hình “Chi hội bảo vệ môi trường” tại thôn 5, xã Rô Men; Hội phụ nữ với phong trào “5 không, 3 sạch”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”...
 
Các hoạt động văn hóa, thể thao cũng thường xuyên được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến xã, thôn quan tâm. Đến nay, 100% thôn trong toàn huyện đạt danh hiệu thôn văn hóa, trong đó có 43 thôn giữ vững danh hiệu thôn văn hóa trong 5 năm liên tục. Từ đó, tạo nên nhiều phong trào thi đua sôi nổi, người dân thêm tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng.
 
Từ sự lãnh đạo đúng đắn cùng sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân, đến nay, Chương trình xây dựng NTM ở Đam Rông đã trở thành phong trào rộng khắp tại địa phương. Theo đó, đến cuối năm 2015, huyện nghèo Đam Rông đã có 1 xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên, 2 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 5 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí. Hàng năm, trung bình mỗi xã đạt chuẩn thêm từ 1 - 2 tiêu chí.
 
NGỌC NGÀ