Chú trọng nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

08:04, 04/04/2016

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBHĐND) có vị trí, vai trò, nhiệm vụ hết sức quan trọng. Họ là những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước, góp phần quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cũng như địa phương.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBHĐND) có vị trí, vai trò, nhiệm vụ hết sức quan trọng. Họ là những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước, góp phần quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cũng như địa phương.
 
Sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đã thu hái được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, nhiều thời cơ và thuận lợi đang mở ra, hứa hẹn để Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh ta cũng gặp không ít khó khăn và thách thức, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao hơn nữa. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng ĐBQH, ĐBHĐND các cấp vừa là yêu cầu của thực tiễn, vừa là đòi hỏi cấp bách và có tính chiến lược nhất là khi nước ta hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng. 
 
Thực tế cho thấy, trong bầu cử ĐBQH, HĐND các nhiệm kỳ trước, cử tri ở một số nơi đi bầu cử chưa có đầy đủ thông tin về các ứng cử viên để họ suy nghĩ và lựa chọn, ngoài hình ảnh và sơ lược vắn tắt tiểu sử... của các ứng cử viên. Do đó, để thực hiện trách nhiệm của công dân, họ chỉ việc bầu đủ số lượng cho xong, mà ít quan tâm đến chất lượng đại biểu. Dẫn đến tình trạng một số đại biểu cả nhiệm kỳ đã không có ý kiến gì, không có chính kiến trước các vấn đề đặt ra, không dám chất vấn, không dám nói ra những điều cử tri quan tâm vì ngại va chạm hoặc không đủ năng lực; có đại biểu thiếu sự gần gũi với cử tri, thậm chí cửa quyền, gây bất bình trong nhân dân... Điều đó thể hiện sự yếu kém của người đại biểu đại diện cho nhân dân, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND.
 
Để nâng cao chất lượng ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, thiết nghĩ cuộc bầu cử lần này cần chú trọng một số vấn đề sau đây:
 
Thứ nhất, cần tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong toàn dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2020 nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức của nhân dân về ý nghĩa của công tác bầu cử đại biểu trong thời kỳ đổi mới đất nước, cũng như trách nhiệm của mỗi người dân trong việc lựa chọn những đại biểu xứng đáng tham gia ĐBQH, ĐBHĐND các cấp; tạo ra tinh thần phấn khởi, lôi cuốn nhân dân tham gia xây dựng chính quyền.
 
Thứ hai, mở rộng dân chủ, phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân trong việc lựa chọn ĐBQH, ĐBHĐND các cấp. Đây là yêu cầu dân chủ thực tế chứ không phải chỉ bằng lời nói hoặc khẩu hiệu. Khi quyền làm chủ của nhân dân được phát huy thì nhất định nhân dân sẽ giới thiệu và lựa chọn đúng những người có đức, có tài đại diện cho mình thực hiện quyền lực nhà nước, nhưng đồng thời cũng kiên quyết không để những người không có năng lực và đạo đức tham gia ĐBQH và ĐBHĐND các cấp. Điều này đòi hỏi trong quá trình tổ chức bầu cử, các cấp có thẩm quyền cần tạo điều kiện cho nhân dân tiếp xúc với các ứng cử viên, tăng cường đối thoại trực tiếp để người dân có đầy đủ thông tin chính xác, rõ ràng, có đủ độ tin cậy lựa chọn bầu cử những ứng cử viên mà mình tin tưởng.
 
Thứ ba, người ĐBQH, ĐBHĐND trong thời kỳ mới phải hội đủ toàn diện các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, có am hiểu thực tế. Họ phải là những người kiên quyết, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, dám đấu tranh chống lại những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, cơ hội, cục bộ, chủ nghĩa cá nhân; có sự liên hệ mật thiết với nhân dân, biết đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, có lối sống trong sạch, lành mạnh... Chất lượng của các ĐBQH, ĐBHĐND có ý nghĩa hết sức quan trọng, có tính quyết định đến hiệu lực, hiệu quả không chỉ đối với hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp mà cả đối với công tác quản lý nhà nước. Bởi vì, Quốc hội, HĐND các cấp có thực hiện tốt hai chức năng quyết định và giám sát hay không thì phải dựa vào trí tuệ của từng đại biểu và toàn thể đại biểu. Đặc biệt trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc đổi mới và hội nhập ngày càng sâu rộng thì vấn đề chất lượng đại biểu lại càng đòi hỏi cao hơn rất nhiều.
 
Thứ tư, phải chú trọng chất lượng các ứng cử viên, nên Hội nghị hiệp thương của MTTQ là cơ sở giúp Hội đồng Bầu cử các cấp lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND cùng cấp vừa bảo đảm số lượng, chất lượng, vừa thể hiện đúng cơ cấu, thành phần đại diện cho trí tuệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cơ cấu đại biểu phải phù hợp, cần tăng các đại biểu chuyên trách, giảm số lượng đại biểu ở các cơ quan hành pháp hành chính và mở rộng cơ cấu đối với ĐBQH là người ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, nhân sĩ trí thức tiêu biểu, tôn giáo, đại biểu nữ... Tuy nhiên, muốn tìm ra các đại biểu có chất lượng cần phải có số dư vừa đảm bảo chất lượng của đại biểu nhưng cũng vừa đảm bảo được tính dân chủ để trên cơ sở đó Hội đồng Bầu cử có thể dự kiến phân bổ về số lượng đại biểu hợp lý. Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, Mặt trận cần chủ động giám sát quá trình bầu cử. Có như vậy mới  “chọn mặt gửi vàng”, lựa chọn được những người có đức, có tài, có ý chí, nghị lực để bầu làm đại biểu; mới nâng cao được chất lượng hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp.     
         
 Thứ năm, việc kê khai tài sản đang là vấn đề hết sức khó khăn không chỉ đặt ra đối với Hội đồng bầu cử mà cả các cơ quan chức năng; bởi việc này liên quan đến nguồn tài sản, thu nhập của cá nhân có thực sự minh bạch hay không và hoàn toàn phụ thuộc vào tính tự giác của các đại biểu. Tuy nhiên, không phải vì thế để rồi coi nhẹ, mà đòi hỏi phải có sự phối hợp với cả chính quyền địa phương, Hội đồng bầu cử địa phương, MTTQ để lấy ý kiến nhân dân vì ý kiến của nhân dân là ý kiến chính xác nhất. MTTQ Việt Nam với vai trò giám sát, phản biện xã hội cũng phải phát huy ý kiến của nhân dân trong việc giám sát tài sản. 
 
Với sự lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền với Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, sự giám sát, xem xét, đánh giá chặt chẽ quy trình tổ chức cuộc bầu cử, đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình và trí tuệ của nhân dân, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV, ĐBHĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ lựa chọn được những đại biểu thực sự ưu tú, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
 
KHÁNH LINH