Học tập phong cách làm việc tập thể, dân chủ của Hồ Chí Minh

09:09, 15/09/2016

Ngày 25/7/2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kế hoạch số 03-KH/TW về việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Vậy phong cách Hồ Chí Minh được hiểu như thế nào? 

Ngày 25/7/2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kế hoạch số 03-KH/TW về việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Vậy phong cách Hồ Chí Minh được hiểu như thế nào? 
 
Theo nghĩa rộng hay hẹp thì khái niệm phong cách luôn được hiểu là cái riêng, độc đáo có tính hệ thống, trở thành nề nếp ổn định của một người hoặc một lớp người được thể hiện trong tất cả các mặt hoạt động như lao động, học tập, sinh hoạt, ứng xử, diễn đạt… tạo nên những giá trị, những nét riêng biệt của chủ thể đó. 
 
Thực tế cho thấy, phong cách bị chi phối bởi các nhân tố như truyền thống văn hóa, lối sống, thói quen, điều kiện sống, sự trải nghiệm thực tiễn, dấu ấn cá nhân. Phong cách không phải do bẩm sinh, nó chỉ có thể được hình thành bởi sự phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi không ngừng của chủ thể. Phong cách của người cách mạng, cán bộ, đảng viên có quan hệ mật thiết với tư tưởng, đường lối và phương pháp cách mạng. Phong cách cũng có liên quan mật thiết, chặt chẽ với đạo đức; đạo đức được thể hiện qua phong cách; qua phong cách có thể đánh giá được đạo đức, nhân cách của một con người. 
 
Như vậy, phong cách Hồ Chí Minh bao gồm những đặc trưng giá trị mang đậm dấu ấn, được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người. Phong cách của Bác là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta. Phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể thống nhất, bao gồm phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách diễn đạt… Đặc biệt, phong cách làm việc tập thể, dân chủ là một trong những điểm sáng cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
 
Là người đứng đầu Đảng cầm quyền, đứng đầu Nhà nước dân chủ , nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên có phong cách làm việc tập thể và dân chủ. Gắn bó với tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể - tinh thần ấy càng thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của Người. Phong cách dân chủ Hồ Chí Minh biểu hiện từ việc lớn đến việc nhỏ. Từ soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập cho đến viết một bài báo, bài thơ, in một thiếp chúc mừng năm mới,… Người đều tham khảo ý kiến của Bộ Chính trị hay những người xung quanh. Mọi vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật… Bác đều dựa vào đội ngũ trí thức, chuyên gia trong bộ máy của Đảng, Chính phủ; yêu cầu chuẩn bị kỹ, trao đổi rộng, sao cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được cân nhắc, lựa chọn thận trọng, sau khi ban hành ít phải thay đổi, bổ sung. Khi bàn về cách làm và xuất bản loại sách Người tốt, việc tốt với một số cán bộ, Hồ Chủ tịch nói “Bác muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác thì cứ cãi, nhất trí rồi về làm mới tốt được. Không nên: Bác nói gì, các chú cứ ghi vào sổ mà trong bụng thì chưa thật rõ, rồi các chú không làm, hay làm một cách qua loa”. Tác phong tập thể - dân chủ của Bác luôn tạo được không khí làm việc hoạt bát, phấn khởi, hăng say và đầy sáng tạo. Nhiều lần Người phê bình cách lãnh đạo của một số cán bộ không dân chủ, do đó mà người có ý kiến không dám nói, người muốn phê bình không dám phê bình, làm cho cấp trên, cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với Đảng xa rời nhau, không còn hăng hái, không còn sáng kiến trong khi làm việc. Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu, khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu không gì bằng khuyên cán bộ của mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như thế chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà lại tỏ ra dân chủ thật thà trong Đảng. 
 
Trong công tác lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh luôn có ý thức sử dụng sức mạnh tổng hợp của nhiều cơ quan, nhiều tổ chức. Trước khi quyết định một công việc hệ trọng, Người đều hỏi lại cẩn thận và chu đáo những người đã giúp mình. Tất cả những ai đã được Bác giao việc đều cảm nhận sâu sắc điều đó. Đối với cán bộ, đảng viên, trước hết là đối với những người ở cương vị lãnh đạo thì đòi hỏi phải có tác phong tập thể, dân chủ thật sự chứ không phải giả, hình thức để che lấp ý đồ xấu của cá nhân. Bởi vì mọi sự giả tạo đều làm suy yếu, thậm chí phá vỡ tập thể. Mọi hình thức, chủ nghĩa sớm muộn sẽ làm xói mòn, thậm chí triệt tiêu dân chủ. 
 
Phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn của Đảng, dân tộc ta. Mãi là nguồn sáng bất tận soi rọi vào mỗi tâm hồn con người Việt Nam, hướng mọi người đến chân, thiện, mỹ. Học tập và làm theo phong cách làm việt tập thể, dân chủ của Người có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay. Học tập phong cách Hồ Chí Minh sẽ giúp cán bộ, đảng viên phải luôn tự tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những người có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống giản dị, trong sáng, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn lấy lợi ích của nhân dân làm mục đích hoạt động của mình. Học tập Người là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài đối với mỗi cán bộ, đảng viên!
 
LAN HỒ