Ðẩy mạnh hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tạo sự đồng thuận trong nhân dân

08:09, 27/09/2017

Sau 3 năm triển khai Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về Quy chế giám sát và phản biện xã hội và Quy định về  góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền, Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Ðồng đã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành chức năng tiến hành nhiều hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Sau 3 năm triển khai Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về Quy chế giám sát và phản biện xã hội và Quy định về  góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền, Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Ðồng đã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành chức năng tiến hành nhiều hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
 
Người dân đóng góp ý kiến tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đại biểu các DTTS. Ảnh: Hoàng My
Người dân đóng góp ý kiến tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đại biểu các DTTS. Ảnh: Hoàng My

Tăng cường phối hợp trong giám sát
 
Để triển khai có hiệu quả Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành 6 văn bản chỉ đạo triển khai công tác này. Trong quá trình tổ chức thực hiện quy chế, quy định trên có sự phối hợp triển khai thực hiện giữa các tổ chức, đơn vị, ngành khá chặt chẽ và đồng bộ. Trên cơ sở đó, hàng năm, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phối hợp chặt chẽ với HĐND, UBND cùng cấp trong việc xây dựng chương trình giám sát, phản biện xã hội trước khi trình cấp ủy phê duyệt. Đồng thời, thường xuyên phối hợp, hỗ trợ giữa các đoàn thể trong việc triển khai hoạt động giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhằm tiếp thu những ý kiến của các tầng lớp nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
 
Theo báo cáo của MTTQ Việt Nam tỉnh, trong 3 năm qua, Mặt trận đã chủ trì giám sát 7 chuyên đề như: Thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công; thực hiện khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố; chính sách hỗ trợ sản xuất tại các xã nghèo theo chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững đến năm 2015... Ngoài ra, MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng, HĐND tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, các sở, ngành liên quan tiến hành 52 cuộc giám sát trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
 
Cùng với MTTQ tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã thực hiện nhiều cuộc giám sát liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức 6 chuyên đề kiểm tra, giám sát về đoàn vụ; công tác quy hoạch cán bộ chuẩn bị cho Đại hội Đoàn các cấp nhiệm kỳ 2017-2022… Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức giám sát các chuyên đề về trách nhiệm của bộ, ngành, UBND các cấp trong việc đảm bảo cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước, công tác cán bộ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… 
 
Hoạt động giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần cùng với công tác kiểm tra, thanh tra của Ðảng, Nhà nước, giám sát của Ðoàn ÐBQH, HÐND trên địa bàn, phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, thực hiện tốt chức năng đại diện cho lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
 
Cùng với hoạt động giám sát, công tác phản biện xã hội được MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tiến hành có hiệu quả. Theo đó, MTTQ tỉnh đã tiến hành góp ý ở 65 dự thảo văn bản với nhiều nội dung. Hoạt động này đã nâng cao tính chủ động, ý thức, trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh; quy tụ và phát huy lực lượng trí thức, chuyên gia trên các lĩnh vực tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, kiến nghị, đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện dự thảo văn bản của địa phương.
 
Rút kinh nghiệm từ thực tiễn 
 
Việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh quan tâm thực hiện nghiêm túc, nhất là tham gia góp ý vào dự thảo các văn kiện đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020. Hoạt động đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân là một trong những hoạt động được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng sôi nổi. Năm 2016, MTTQ tỉnh đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy lần đầu tiên tổ chức thành công Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đại biểu các DTTS.
 
Đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông - UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “Việc đối thoại trực tiếp giữa bà con DTTS với người đứng đầu nhằm phát huy tính dân chủ trong nhân dân. Đây là hoạt động vừa giám sát vừa đề xuất kiến nghị. Những vấn đề đặt ra trong đối thoại liên quan đến đầu tư trong vùng đồng bào DTTS, là những vấn đề nóng được bà con quan tâm. Đối thoại này được xác định là kênh thông tin chính thống trực tiếp từ cơ sở. Đồng thời, đây cũng là dịp làm thay đổi suy nghĩ đã hình thành từ lâu trong bà con về vấn đề sắp xếp công việc sau đào tạo, xây dựng NTM, gìn giữ văn hóa… Và, điểm đến của đối thoại chính là sự chuyển biến tích cực sau đó”.
 
Đầu năm 2017, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh phối hợp Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với thanh niên. Hội Nông dân tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh đối thoại với nông dân. Hoạt động này cũng được tổ chức sôi nổi tại các địa phương. Huyện Đơn Dương tổ chức 2 cuộc đối thoại trực tiếp về giải pháp giữ vững và nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; phấn đấu xây dựng đạt huyện nông thôn mới vào năm 2020; huyện Đạ Tẻh tổ chức 4 Hội nghị đối thoại trực tiếp về các nội dung: triển khai chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ANTT, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cán bộ, hội viên Cựu chiến binh… Hoạt động này đã góp phần củng cố vững chắc hơn niềm tin của nhân dân vào Đảng.
 
Ông Điểu K’ Bên - một người dân huyện Cát Tiên nói: Việc bà con được trao đổi, kiến nghị trực tiếp tới lãnh đạo tỉnh là mong muốn lâu nay của bà con. Điều này giúp cho lãnh đạo tỉnh biết được những vấn đề ở vùng sâu, vùng xa nhất để có các chính sách hỗ trợ, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho bà con.
 
Bên cạnh việc ghi nhận những nỗ lực lớn của MTTQVN tỉnh và các đoàn thể chính trị xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ rõ: Hoạt động của MTTQVN tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội vẫn chưa ngang tầm với yêu cầu đặt ra; nội dung, phương thức hoạt động chậm đổi mới, ở một số nơi vẫn mang tính hình thức; tỷ lệ tập hợp quần chúng còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn mờ nhạt, lúng túng, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh. Bởi vậy Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQVN tỉnh và các đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ mới. Trong đó nêu rõ việc phải rút kinh nghiệm từ thực tiễn 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị. Theo đó, cấp ủy các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả quy chế, quy định. Công tác phối hợp giữa MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội với HĐND, UBND phải chặt chẽ, đồng bộ. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phải chủ động, nhạy bén, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phải thể hiện rõ vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Chú trọng tập hợp phát huy vai trò của nhân dân, đảm bảo các hoạt động phải thể hiện rõ tính nhân dân, tính xã hội.
 
HOÀNG MY