Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với các hội quần chúng

08:09, 20/09/2017

5 năm qua, việc tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với các hội quần chúng đã tạo điều kiện cho các hội phát huy tinh thần chủ động, hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật; góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.

5 năm qua, việc tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với các hội quần chúng đã tạo điều kiện cho các hội phát huy tinh thần chủ động, hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật; góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.
 
Hiến máu nhân đạo là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội Chữ thập đỏ được đông đảo quần chúng nhân dân đón nhận, hưởng ứng. Ảnh: N.Ngà
Hiến máu nhân đạo là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội Chữ thập đỏ
được đông đảo quần chúng nhân dân đón nhận, hưởng ứng. Ảnh: N.Ngà

Sau khi Bộ Chính trị (khóa XI)  ban hành Chỉ thị số 17 ngày 28/8/2012 về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh  đạo của Đảng đối với các hội quần chúng”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng (khóa IX) đã ban hành Chỉ thị số 19 để cụ thể hóa Chỉ thị 17 trên địa bàn tỉnh; đồng thời chỉ đạo việc khảo sát, đánh giá công tác quản lý, tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng từ cấp tỉnh đến cấp xã. Điều này nhằm định hướng về tổ chức và hoạt động của hội quần chúng theo đúng chủ trương của Đảng và quy định pháp luật của Nhà nước. 
 
Trước đây, vai trò lãnh đạo của đảng đoàn trong các hội có nơi còn mờ nhạt, chưa phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ của đảng đoàn với chức năng nhiệm vụ của ban chấp hành, ban thường vụ hội. Bởi vậy, khi chỉ thị của Trung ương và của tỉnh được ban hành, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện trước hết từ việc các đơn vị, địa phương quán triệt, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu về các quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với các hội quần chúng. Mặt khác, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng cũng được thể hiện thông qua công tác quản lý nhà nước đối với các hội quần chúng. 
 
Toàn tỉnh hiện có 672 hội, trong đó hội có phạm vi hoạt động cấp tỉnh là 59 hội (tăng 12 hội so với năm 2011), hội có phạm vi hoạt động cấp huyện là 138 hội (tăng 33 hội so với năm 2011) và hội có phạm vi hoạt động cấp xã là 475 hội. Hội được công nhận có tính chất đặc thù là 444 hội. 
 
Theo thông tin từ Ban Dân vận Tỉnh ủy - đơn vị trực tiếp theo dõi đôn đốc kiểm tra các hội quần chúng: Các hội quần chúng đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp đặc điểm tình hình của cán bộ, hội viên, tổ chức hội và tình hình thực tế của địa phương. Các hội tham gia vận động, tuyên truyền đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của địa phương, đất nước, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Các hội đóng vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực công tác xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, khuyến học, xây dựng nông thôn mới… 
 
Bên cạnh các nhiệm vụ chung, mỗi hội quần chúng còn xác định nhiệm vụ chính của mình để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm khác. Ông Ngụy Xứng Hùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết: “Liên hiệp Hội đã chú trọng phát huy vai trò tư vấn, giám định, phản biện các chương trình, dự án do chính quyền yêu cầu; tổ chức Giải thưởng khoa học công nghệ lần thứ nhất năm 2015, nhằm tôn vinh các tác giả có những công trình khoa học và công nghệ áp dụng vào sản xuất, đời sống, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Liên hiệp các Hội còn chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng tạo của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân và đạt được nhiều kết quả…”.
 
Ông Đỗ Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: “Dưới sự lãnh đạo của chi bộ và khi bí thư chi bộ là thủ trưởng cơ quan, tất cả các hoạt động của hội đều quy về một đầu mối thống nhất. Việc nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong các hoạt động của hội thông qua việc ban hành nghị quyết đã góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động hội. Nhờ vậy, hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tác động đến đời sống của hội viên, quần chúng nhân dân như: xây dựng các mô hình, điển hình, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua: Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; Chương trình “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; phong trào hiến máu tình nguyện... đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân cấp cứu qua cơn nguy kịch…”.
 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng thành viên, hội viên được tập hợp trong các hội vẫn còn thấp, chưa thu hút được nhiều hội viên là thanh niên ở nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số, tôn giáo... Các hội có xu hướng hành chính hóa. Mối quan hệ điều hòa, phối hợp giữa các hội thành viên còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả, chưa có sự chỉ đạo và gắn kết chặt chẽ. Nội dung và phương thức hoạt động của một số hội còn nghèo nàn, lúng túng, có biểu hiện xơ cứng; công tác điều hành, phối hợp thiếu năng động, sáng tạo, chưa theo kịp xu thế phát triển. Nhiều cấp hội chưa thật sự là mái nhà chung của hội viên, chưa tạo được sự gắn kết giữa cấp hội với hội viên, giữa hội viên với nhau. Hoạt động của các hội xã hội - nghề nghiệp còn chưa toàn diện, chưa tập hợp, huy động được đông đảo hội viên. Nhận thức của nhiều lãnh đạo và hội viên của các hội xã hội - nghề nghiệp phần lớn còn trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước; đội ngũ cán bộ chuyên trách của các hội thiếu ổn định, chưa được đào tạo, bồi dưỡng...
 
Để các hội quần chúng thực sự phát huy vai trò của mình thì việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là điều không thể thiếu. Đó là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài cần nhiều giải pháp thực hiện để phát huy hơn nữa vai trò các tổ chức hội, góp phần nâng cao vai trò đoàn kết, tập hợp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên và đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
 
NGỌC NGÀ