Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển

07:06, 18/06/2019

Trong thời gian qua, nhiều định hướng mang tính chiến lược và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ðạ Tẻh đã được triển khai đồng bộ và mang lại hiệu quả. Bà con đã không ngừng đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển.

Trong thời gian qua, nhiều định hướng mang tính chiến lược và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Ðạ Tẻh đã được triển khai đồng bộ và mang lại hiệu quả. Bà con đã không ngừng đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển.
 
Bà con dân tộc thiểu số xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh chuyển đổi mùa vụ sang trồng 2 vụ lúa, 1 vụ bắp. Ảnh: Hữu Sang
Bà con dân tộc thiểu số xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh chuyển đổi mùa vụ sang trồng 2 vụ lúa, 1 vụ bắp.
Ảnh: Hữu Sang
 
Nghị quyết đi vào cuộc sống
 
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy Đạ Tẻh đã ban hành Nghị quyết số 04 về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020. Nghị quyết này đã đề ra những định hướng mang tính chiến lược cho việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và đã thực sự đi vào cuộc sống khi đem lại những kết quả rất khả quan.
 
Hiện tại, toàn huyện Đạ Tẻh có hơn 13 dân tộc anh em sinh sống; trong đó, DTTS gốc Tây Nguyên chiếm 6,5% dân số, DTTS phía Bắc vào lập nghiệp từ những năm 90 chiếm 17% dân số. Trong thời gian qua, huyện Đạ Tẻh đã huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả nhiều nguồn lực, triển khai mang tính chiến lược lâu dài, ổn định nhiều chương trình, dự án nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Nhiều chương trình về chính sách dân tộc được triển khai mạnh mẽ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, làm cho đồng bào tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách và sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển dân tộc. Từ năm 2014 đến năm 2019, UBND huyện Đạ Tẻh đã hỗ trợ cho 43 hộ nghèo xây dựng nhà ở với mức hỗ trợ là 30 triệu đồng/ căn; trong đó, hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ làm nhà là 28 hộ. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên cũng được quan tâm thực hiện, với gần 2.000 lượt được hỗ trợ tổng kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng. Một trong những chương trình cũng được huyện đặc biệt quan tâm đó là giải quyết đất sản xuất cho đồng bào thiếu đất sản xuất. Đến nay, đã có hơn 622 ha đất được bố trí cho 464 hộ đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Ngoài ra, việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng cũng được chú trọng thực hiện. Tổng diện tích giao khoán hơn 14.000 ha cho 653 hộ. Bình quân mỗi hộ nhận hơn 21 ha với thu nhập khoảng 13 triệu đồng/hộ/năm. 
 
Về chương trình phát triển sản xuất, huyện Đạ Tẻh đã triển khai trồng cao su tập trung với diện tích gần 220 ha tại Buôn Con Ó (xã Mỹ Đức) và buôn Đạ Nha (xã Quốc Oai), gần 200 hộ đồng bào DTTS tham gia. Đến nay, nhiều diện tích cao su đã bắt đầu cho thu mủ khiến bà con hết sức hồ hởi. Theo anh K’Túc, người dân tộc Châu Mạ, Trưởng thôn 8 (buôn Con Ó), toàn thôn hiện có 150 hộ với 560 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số gốc địa phương. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đã có rất nhiều dự án được đầu tư cho bà con DTTS nơi đây. Đặc biệt, dự án trồng cao su tập trung đã thật sự làm thay đổi đời sống của bà con trong buôn. Buôn Con Ó có 62 hộ được nhận 62 ha đất trồng cao su tập trung. Hiện tại, đã có 19.000 cây (khoảng 42 ha cao su) cho cạo mủ, góp phần động viên bà con yên tâm sản xuất. 
 
Bằng nhiều chương trình dự án như kể trên thì tỷ lệ hộ nghèo trong thôn hiện chỉ còn 5,33% và hộ cận nghèo còn 7,33%. Ðời sống bà con được nâng lên nên các phong trào xây dựng nông thôn mới, làm hàng rào cây xanh, trồng cỏ lạc, vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng đường điện thắp sáng đường quê luôn được quan tâm duy trì.
 
Bên cạnh trồng cao su tập trung thì huyện cũng đầu tư cho bà con trồng tre tầm vông với diện tích gần 25 ha. Ngoài ra, huyện còn đầu tư hỗ trợ các chương trình dự án phát triển sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc đạt hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất lúa giống, Nếp Quýt, lúa chất lượng cao, trồng bắp, hỗ trợ chuyển đổi vườn tạp sang trồng dâu nuôi tằm. Ông Trịnh Xuân Đình, người dân tộc Nùng ở Thôn 4B (xã An Nhơn) chia sẻ: Thôn 4B có 90% dân số là DTTS từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp với phong tục tập quán khác nhau. Trước đây, bà con còn duy trì nhiều tập quán lạc hậu như người chết còn để quá lâu, công tác vệ sinh môi trường chưa được người dân quan tâm thực hiện. Qua thời gian được tuyên truyền, vận động, đến nay, các hủ tục trong việc tang, việc cưới, mê tín dị đoan đều được đẩy lùi. Bà con hòa nhập tốt với cộng đồng tiến bộ. Hàng năm, trong thôn có trên 90% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Để đạt được những kết quả đó thì bản thân tôi luôn gương mẫu chấp hành mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và gây dựng lòng tin với Nhân dân, rèn luyện kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân cùng thực hiện”. 
 
Lực lượng vũ trang giúp đồng bào DTTS buôn Tố Lan (xã An Nhơn) chăm sóc tre tầm vông. Ảnh: Đ.Anh
Lực lượng vũ trang giúp đồng bào DTTS buôn Tố Lan (xã An Nhơn) chăm sóc tre tầm vông. Ảnh: Đ.Anh
 
Hộ nghèo giảm mạnh 
 
Thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Đạ Tẻh đã triển khai thực hiện toàn diện trên địa bàn; trong đó, tập trung giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào DTTS bằng nhiều giải pháp. Từ năm 2014 đến nay, huyện đã triển khai chính sách vay vốn ưu đãi hơn 8 tỷ đồng cho 300 lượt hộ vay phát triển sản xuất, phát triển cộng đồng. Hầu hết bà con sử dụng vốn đúng mục đích, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống, từng bước xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, chương trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng đã đạt được nhiều kết quả phấn khởi. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm dần qua từng năm. Đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS còn 5,99%, riêng đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên là 10,8%. 
 
Theo ông Lại Phước Thắng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đạ Tẻh, sự chuyển biến về tính tự giác của đồng bào DTTS tham gia xây dựng cuộc sống, xây dựng nông thôn, buôn làng ngày càng rõ nét. Hầu hết bà con đã tích cực tham gia vào các chương trình, dự án phục vụ cho chính cuộc sống của bà con như trồng rừng, bảo vệ rừng, trồng cao su tập trung, trồng tre tầm vông, xây dựng đường giao thông, làm vệ sinh môi trường. Để đạt được những kết quả như trên, trong những năm qua, công tác dân tộc luôn được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện quan tâm, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Những kết quả đó đã được chứng minh thực tế trong quá trình hình thành và phát triển của huyện, khối đại đoàn kết các dân tộc luôn được gắn kết chặt chẽ. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc luôn được quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội về mọi mặt trong vùng đồng bào DTTS được cải thiện và nâng lên. Cuộc sống của đồng bào đã từng bước hòa nhập với cuộc sống mới và phát triển chung của xã hội.
 
ÐÔNG ANH