Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu hoa do ảnh hưởng dịch Covid-19

06:04, 29/04/2020

(LĐ online) - Chiều 29/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Hoa Đà Lạt và các doanh nghiệp trong tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và bàn các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu hoa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

(LĐ online) - Chiều 29/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Hoa Đà Lạt và các doanh nghiệp trong tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và bàn các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu hoa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 
 
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, chủ trì buổi làm việc với các doanh nghiệp nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu hoa do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Sa
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, chủ trì buổi làm việc với các doanh nghiệp nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu hoa do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Sa
 
Thiệt hại lớn
 
Theo số liệu thống kê, Lâm Đồng hiện có hơn 9.000 ha sản xuất hoa. Trong đó, gần 3.000 ha hoa canh tác ứng dụng công nghệ cao. Sản lượng đạt hơn 3,5 tỷ cành. Trong đó, Đà Lạt chiếm 66% về diện tích và 71% sản lượng. Toàn tỉnh có trên 56 doanh nghiệp, làng hoa, HTX sản xuất hoa. Hiện 89% hoa của Lâm Đồng chủ yếu tiêu thụ nội địa.
 
Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh trong tháng 4/2020 đạt 52,9 triệu USD, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng giá trị xuất khẩu của mặt hàng hoa tươi giảm 46% so với cùng kỳ 2019. Đặc biệt, trong tháng 3 và 4/2020, lượng hoa tiêu thụ của nông dân và các doanh nghiệp trong tỉnh chỉ đạt khoảng từ 20 - 30%. Riêng giai đoạn thực hiện cách ly xã hội, 90% sản lượng hoa của tỉnh Lâm Đồng không tiêu thụ được khiến nông dân buộc phải tiêu hủy tại vườn, doanh nghiệp cắt giảm mạnh quy mô và nhân công sản xuất. Các công ty nhập khẩu củ giống tìm cách xử lý hàng tồn kho đã nhập Qúy I/2020; đồng thời, chưa có kế hoạch nhập mới chờ tín hiệu của thị trường. 
 
Trong khi người nông dân trồng hoa và nhà phân phối chủ yếu phục vụ thị trường trong nước vẫn có thể tiếp tục hoạt động mua bán trong nước, thì những doanh nghiệp xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Ông Huỳnh Tấn Sơn - Giám đốc Công ty Hoa Mặt Trời cho biết: Chỉ tính riêng hoa lan hồ điệp, với tổng diện tích đang có toàn tỉnh khoảng 30 ha, các doanh nghiệp đã bị thiệt hại 21 tỷ đồng do hoạt động xuất khẩu bị ngưng trệ. Còn 25 ha lan vũ nữ của Công ty Hoa Mặt Trời và các hộ dân liên kết sản xuất để xuất sang các thị trường châu Âu, Mỹ cũng bị đóng băng vì các thị trường này đóng cửa. Trong khi, nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với loại hoa này không nhiều, thiệt hại của công ty trong thời gian qua là rất lớn. 
 
Tương tự, hàng trăm ngàn cành hoa cúc của Công ty Đà Lạt Hasfarm cũng buộc phải đem đi hủy làm phân sinh học do không bán được. Ông Nguyễn Công Nga - Giám đốc Sản xuất Farm Đạ Ròn (thuộc Công ty Đà Lạt Hasfarm) cho biết: Thời gian qua, hầu hết các thị trường xuất khẩu hoa cúc chủ yếu của Hasfarm đã gần như tê liệt hoàn toàn. Chính vì vậy, Công ty buộc phải cho nghỉ hàng ngàn công nhật, điều chỉnh cắt giảm mạnh quy mô sản xuất để thích ứng với tình hình thị trường. 
 
Theo đánh giá của Sở Công thương Lâm Đồng, các mặt hàng nông sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu của tỉnh với các thị trường xuất khẩu chính là: Nhật Bản, Đài Loan, các nước Liên minh châu Âu. Trong đó, giá trị kinh tế từ xuất khẩu mà ngành hoa mang lại đứng thứ hai chỉ sau cà phê. 
 
Tái cấu trúc sản xuất
 
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đề nghị các ngành công thương, nông nghiệp khẩn trương rà soát những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh để kịp thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong ngắn hạn cũng như lâu dài. Về phía doanh nghiệp phải tăng cường bảo quản, chế biến, đa dạng hóa thị trường, để giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cũng yêu cầu các ngành chức năng rà soát lại tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh để tái cấu trúc sản xuất phù hợp. Từng bước giảm dần hoa cắt cành, tăng sản xuất hoa chậu, hoa dài ngày. Đẩy mạnh sản xuất cây giống. Về lâu dài, Lâm Đồng đang tập trung quy hoạch vùng sản xuất hoa chuyên canh theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu Hoa Đà Lạt, hỗ trợ tín dụng nông nghiệp, nghiên cứu nhập nội, lai tạo, chọn lọc, mua bản quyền giống. Đồng thời, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, tăng cường hợp tác quốc tế và kêu gọi đầu tư nước ngoài.
 
Trước mắt, UBND tỉnh giao Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng gỡ rối cho doanh nghiệp về vấn đề nhập khẩu giống mới. Tìm cách tháo gỡ khó khăn của Dự án nhập khẩu giống khảo nghiệm đối với những giống đã khảo nghiệm thành công đề nghị được nhập số lượng lớn, không phụ thuộc vào Dự án nhập khảo nghiệm. Đề nghị các cơ quan, ban ngành kiểm soát tốt các mặt hàng nhập lậu như giống hoa, lá trang trí trên thị trường hiện nay để góp phần giúp đỡ các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực giống hoa.
 
Riêng đối với ngành công nghệ sinh học (lĩnh vực nhân giống invitro xuất khẩu) đem lại giá trị kinh tế vô cùng lớn. Với 30 triệu cây giống invitro xuất khẩu mỗi năm đem lại giá trị hơn 3 triệu USD, UBND tỉnh Lâm Đồng xem đây là hướng phát triển trong thời gian tới của ngành hoa Lâm Đồng; đồng thời, xem xét các đề xuất của Hiệp hội Hoa Đà Lạt để các cơ sở nuôi cấy mô, các công ty sản xuất giống invitro xuất khẩu mở rộng sản xuất. Có cơ chế thông thoáng để chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất chuyên dụng để xây dựng các phòng Lab nuôi cấy mô. Có các gói hỗ trợ vốn sản xuất cho các công ty, cơ sở lĩnh vực công nghệ sinh học. Đặc biệt, thực hiện kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng thông qua quản lý toàn bộ các cơ sở nuôi cấy mô, công ty sản xuất giống và đề nghị tất cả đều phải đăng ký chất lượng giống cơ sở. 
 
THANH SA - NGỌC NGÀ