Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

08:07, 02/07/2020

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất...

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDCƠCS) là phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất. Vì vậy, các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các văn bản của Trung ương và của Tỉnh ủy về thực hiện QCDCƠCS, các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.
 
Các cơ quan, địa phương, đơn vị đã chủ trì và phối hợp tổ chức được 2.081 hội nghị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã với 130.000 lượt người tham dự. Ở khu dân cư, chính quyền đã phối hợp với MTTQ và các đoàn thể, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức được trên 120 buổi sinh hoạt, học tập, quán triệt và tuyên truyền phổ biến các nội dung liên quan đến thực hiện QCDCƠCS và phát huy sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân; vận động Nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, nghiêm chỉnh chấp hành tốt các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở.
 
Thời gian qua đã thực hiện nghiêm túc quy định về các nội dung cần công khai, thông báo cho Nhân dân biết như: Tổ chức niêm yết công khai kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương; các chương trình, dự án, công trình đầu tư tại cơ sở; phương án đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng; nhiệm vụ, quyền hạn của công chức cấp xã; các loại thủ tục hành chính và phí, lệ phí; các quy định về chế độ chính sách đối với các đối tượng được thụ hưởng trên từng địa bàn cơ sở. Mối quan hệ giữa chính quyền với Nhân dân tiếp tục được củng cố, dân chủ được đảm bảo. Phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân ở cơ sở trong việc bàn bạc, biểu quyết, góp ý đối với các vấn đề có liên quan ở địa phương. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân tương đối hiệu quả, phát huy được vai trò giám sát của người dân. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, giám sát” được cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội quán triệt và thực hiện nghiêm túc, phát huy nội lực trong Nhân dân, đầu tư sản xuất, phát triển KT-XH, giúp nhau giảm nghèo, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với các cấp ủy đảng, chính quyền.
 
Qua triển khai thực hiện QCDCƠCS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, một số vấn đề cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới là: Cần nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương về tầm quan trọng của việc thực hiện tốt QCDCƠCS gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các nội dung quy chế dân chủ cơ sở; đồng thời đề ra biện pháp, kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức chính trị - xã hội, CBCCVC, đảng viên và quần chúng nhân dân thực hiện. 
 
Thực hiện QCDCƠCS phải gắn liền với thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, củng cố QP-AN và cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố chính quyền, cải cách hành chính; phát huy dân chủ phải gắn liền với kỷ cương, kỷ luật, quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ. Tăng cường hoạt động gặp gỡ, đối thoại giữa chính quyền các cấp với các tổ chức, công dân. Đồng thời, chú trọng công tác hòa giải ở cơ sở, kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo công dân. Thường xuyên đôn đốc, nắm bắt thông tin về tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn để có giải pháp xử lý kịp thời. 
 
Nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân ở cơ sở, góp phần hạn chế khiếu nại, tố cáo phát sinh. Nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong thực hiện QCDCƠCS, nhất là tại các doanh nghiệp. Tổ chức công đoàn cần thể hiện rõ hơn vai trò của mình trong việc thúc đẩy tính thực chất của các thỏa ước lao động tập thể, nhằm bảo vệ hiệu quả quyền lợi chính đáng của người lao động.
 
Tăng cường công tác thanh tra việc thực hiện QCDCƠCS của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh hoặc xử lý các hành vi vi phạm quy chế dân chủ. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, đơn thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân, xử lý nghiêm minh những vi phạm, kịp thời uốn nắn các biểu hiện lệch lạc.
 
LAN HỒ