Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

06:11, 23/11/2020

Nhận thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần với nhiều loại hình kinh tế đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong những năm qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã đề ra nhiều cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy, phát triển loại hình kinh tế tư nhân...

Nhận thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần với nhiều loại hình kinh tế đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong những năm qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã đề ra nhiều cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy, phát triển loại hình kinh tế tư nhân. Vì vậy loại hình kinh tế này đã phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
 
Thu hái chè ở Công ty Trà và cà phê Tâm Châu (Bảo Lộc)
Thu hái chè ở Công ty Trà và cà phê Tâm Châu (Bảo Lộc)
 
Thực tế trong những năm qua cho thấy, quy mô, số lượng loại hình kinh tế tư nhân trên địa bàn Lâm Đồng ngày càng tăng; hình thức đầu tư ngày càng phong phú; hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngày càng cao; đóng góp trong tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước. Theo số liệu của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, thì doanh nghiệp thành lập những năm gần đây tăng cả về số lượng và vốn đăng ký, bình quân mỗi năm có hơn 1.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; dự kiến trong năm 2020, tổng số doanh nghiệp hoạt động đạt khoảng 10.000 doanh nghiệp, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2015, trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm trên 99%. Số vốn bình quân một doanh nghiệp đăng ký giai đoạn 2016-2020 là 7,8 tỷ đồng, gấp 1,7 lần giai đoạn trước. 
 
Cũng theo số liệu thống kê của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp, tính đến 31/12/2019, số lượng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân là 37/62 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, với 4.438 người lao động, trong đó có 587 đảng viên. Cùng với sự phát triển nhanh về số lượng, kết quả sản xuất, kinh doanh của loại hình kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh cũng có những bước phát triển quan trọng. Doanh thu của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân có tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp năm 2019 đạt 3.165 tỷ đồng, lợi nhuận 360 tỷ đồng, nộp ngân sách 316,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân từ 4,5 đến 10,3 triệu đồng/người/tháng.
 
Thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Chương trình hành động số 47-CTr/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển kinh tế tư nhân; Đảng ủy Khối Doanh nghiệp thời gian qua đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người lao động trong toàn Đảng bộ về phát triển kinh tế tư nhân. Chỉ đạo cấp ủy cơ sở trong các doanh nghiệp tư nhân phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp chấp hành đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm việc làm, các chế độ chính sách có liên quan cho người lao động với mức thu nhập bình quân của người lao động cao hơn mức bình quân chung của tỉnh, tích cực thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội. 
 
Đảng ủy cũng đã chủ động tiến hành rà soát các doanh nghiệp tư nhân trong Khối, kiện toàn cấp ủy, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị có số lượng đảng viên ít, đảng viên hoạt động phân tán, bí thư cấp ủy không phải là chủ doanh nghiệp, các đơn vị nhiều năm liền chỉ dừng lại ở mức hoàn thành nhiệm vụ. Chủ động nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động của doanh nghiệp. 5 năm qua, đã phát triển được 8 tổ chức cơ sở đảng, kết nạp được 120 đảng viên trong các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Đảng ủy Khối Doanh nghiệp cũng đặc biệt quan tâm và chủ động tổng hợp, đề xuất, kiến nghị với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các giải pháp, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. 
 
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất, kinh doanh ở quy mô còn nhỏ, chủ yếu vẫn là hộ kinh tế cá thể, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ từ các hộ gia đình, trình độ công nghệ, năng lực quản trị, năng lực, quản trị, năng lực tài chính còn hạn chế, kinh doanh theo hình thức ngắn hạn, không có những chiến lược dài hơi trong khi việc tiếp cận các chính sách, ưu đãi còn khó khăn. Nhiều chủ doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức đến việc thành lập tổ chức đảng, vì vậy tỷ lệ tổ chức đảng và đảng viên còn rất thấp. Nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân còn lúng túng, chất lượng sinh hoạt còn hạn chế, một bộ phận chủ doanh nghiệp tư nhân cũng như người lao động chưa thật sự “mặn mà” đối với việc được đứng trong hàng ngũ của Đảng, lo ngại việc sinh hoạt chi bộ, học tập chính trị ảnh hưởng đến thời gian sản xuất, kinh doanh.
 
Có thể khẳng định rằng, với sự khuyến khích mạnh mẽ và tạo nhiều điều kiện thuân lợi của Nhà nước cùng với nhiều chính sách khuyến khích, phát triển của địa phương, kinh tế tư nhân trên địa bàn Lâm Đồng đã có bước phát triển đáng kể về số lượng. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đặt ra đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân cả về số lượng, quy mô và nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, phát triển lành mạnh, bền vững... vẫn cần kiên trì thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, vấn đề đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với kinh tế tư nhân là một nội dung đặc biệt quan trọng.
 
NGUYÊN THI