''Mong muốn thu hẹp dần khoảng cách vùng DTTS''

04:01, 03/01/2021

Qua nghiên cứu, tìm hiểu và từ thực tiễn cơ sở địa phương nơi mình sinh sống, công tác,...

Qua nghiên cứu, tìm hiểu và từ thực tiễn cơ sở địa phương nơi mình sinh sống, công tác, ĐBQH K’Nhiễu đã nói lên khát vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), tham gia góp ý, kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến vùng DTTS tại Lâm Đồng. Qua đó, phát huy tích cực vai trò người đại biểu với bà con DTTS Lâm Đồng.
 
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng K’Nhiễu
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng K’Nhiễu
 
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu K’Nhiễu đã tham gia góp ý về “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2030” và đã có tác động rõ nét. 
 
Đại biểu cho biết: Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh Lâm Đồng còn khoảng 9 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,85%; trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS còn 6.000 hộ, chiếm tỷ lệ 8,50%. Bình quân mỗi năm tỉ lệ hộ nghèo DTTS giảm 3,54%. Điều quan trọng là đa số hộ nghèo, trong đó có đồng bào DTTS đã có chuyển biến về mặt nhận thức, thay đổi hành vi để vươn lên tự thoát nghèo. Nhưng bên cạnh đó, những mặt tồn tại, hạn chế cũng đã được chỉ ra và có thể tóm tắt trong 5 “cái nhất” so với cả nước: (1) Vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; (2) Chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; (3) Kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; (4) Tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; (5) Tỷ lệ người nghèo cao nhất. Về nguyên nhân thì có nhiều tôi không nhắc lại, ngoài nguyên nhân là do hạn chế phân bổ nguồn lực thì ở một số địa phương, nhất là Tây Nguyên còn có vấn đề dân di cư tự phát tại một số địa bàn làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sắp xếp dân cư, sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội, nảy sinh nhiều khó khăn trong quản lý hành chính, dân cư, ổn định đời sống, phát triển sản xuất, bảo vệ, phát triển rừng của các địa phương, tạo áp lực lớn trong công tác giảm nghèo...
 
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, việc xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi và vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030, xác định mục tiêu cụ thể, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng này, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng phát triển là yêu cầu bức thiết và khách quan.
 
Tổng hợp nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi gặp nhiều khó khăn, kinh phí thực hiện theo từng chương trình mục tiêu, chính sách của các bộ, ngành phần lớn không tổng hợp riêng cho vùng DTTS và miền núi, không tách riêng nguồn vốn đầu tư, vốn sự nghiệp, vốn vay, vốn ODA...
 
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan chưa thống nhất trong việc cân đối, bố trí vốn để thực hiện chính sách dân tộc...
 
Từ các kiến nghị của các ĐBQH, trong đó có tiếng nói của Đoàn Lâm Đồng, Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết số 88 “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, từng bước (1) Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; (2) Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; (3) Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; (4) Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS, miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; (5) Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (6) Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; (7) Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; (8) Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; (9) Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Tiến tới xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển bảo đảm toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào DTTS và miền núi để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc.
 
HÀ NGUYỆT