Háo hức với lá phiếu đầu tiên

02:05, 22/05/2021

(LĐ online) - Hồi hộp, háo hức, mong chờ… là những cảm xúc chung của các công dân trẻ, những người lần đầu tiên được cầm trên tay lá phiếu để cùng với hàng triệu công dân cả nước, tham gia bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. 

(LĐ online) - Hồi hộp, háo hức, mong chờ… là những cảm xúc chung của các công dân trẻ, những người lần đầu tiên được cầm trên tay lá phiếu để cùng với hàng triệu công dân cả nước, tham gia bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. 
 
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh theo dõi danh sách ứng cử viên được niêm yết tại trường
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh theo dõi danh sách ứng cử viên được niêm yết tại trường
 
Đây là lần đầu tiên các em được vinh dự cầm lá phiếu bầu trên tay để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, trực tiếp bầu ra người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân vào cơ quan quyền lực nhà nước.  
 
Dẫu đang tất bật chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới nhưng Ka Nhung (học sinh lớp 12C, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Lâm Đồng) vẫn thường xuyên ghé lại khu vực dán niêm yết danh sách cử tri, danh sách ứng cử viên tại nhà đa năng của trường để tìm hiểu về tiểu sử, quá trình công tác của những người ứng cử. Ka Nhung và những người bạn của mình đều rất vui mừng khi lần đầu tiên được nhận thẻ cử tri, mong chờ đến ngày được tham gia bầu cử. 
 
Với Hoàng Hạ Cẩm Nhi (học sinh lớp 12E), cảm xúc này đặc biệt hơn khi em vừa tròn 18 tuổi chỉ mới 20 ngày. Thế nên, với Cẩm Nhi, ngày bầu cử sẽ trở thành cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của em, được thực hiện quyền và nghĩa vụ của một công dân. Những ngày ở nhà, Cẩm Nhi cũng đã được nghe tuyên truyền về quy định, luật bầu cử thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã.
 
 “Đọc danh sách những người ứng cử, em thực sự rất ngưỡng mộ trước những thành tích của các cô, chú. Em đã tìm hiểu lý lịch của từng ứng cử viên để xem xét, cân nhắc đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày bầu cử. Và bản thân em cũng mong muốn sau này mình được như vậy, trở thành công dân có thành có ích, làm được điều gì đó cho sự phát triển của đất nước” - Cẩm Nhi chia sẻ. 
 
Với những cô cậu học trò tuổi 18, việc hiểu về các quy định của Luật Bầu cử chủ yếu thông qua hướng dẫn của thầy cô và nhà trường. Thầy Hoàng Ngọc Trung Hiếu - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay, nhà trường có 54 cử tri trẻ, đa phần là các em học sinh lớp 12. Theo quy định chung, các em học sinh sau khi vào trường sẽ được đăng ký tạm trú 3 năm, nên theo quy định của Luật Bầu cử, các em sẽ tiến hành bỏ phiếu ngay tại điểm trường. 
 
Những cử tri tuổi 18 vui mừng khi được cầm trên tay thẻ cử tri
Những cử tri tuổi 18 vui mừng khi được cầm trên tay thẻ cử tri
 
Để bảo đảm cho các cử tri đủ 18 tuổi tích cực tham gia cuộc bầu cử, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú đã liên tục triển khai tuyên truyền để các em nắm rõ những quy định chung của Luật bầu cử Quốc hội và HĐND. Trường đã lồng ghép tuyên truyền bầu cử thông qua giờ chào cờ, sinh hoạt lớp… vừa giúp cử tri học sinh dễ dàng tiếp cận và nắm bắt các quy định của Luật vừa bảo đảm việc ôn tập cho các em. Đoàn trường cũng hướng dẫn các em tham gia cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 và xem đây là tiêu chí đánh giá thi đua của các lớp. 
 
“Đây là thời điểm nhà trường tập trung cao độ cho việc ôn tập của học sinh lớp 12, vì thế tuyệt đối không để bất cứ điều gì ảnh hưởng đến việc học của các em. Quan trọng nhất là phải cung cấp thông tin để các em ý thức rõ được trách nhiệm của mình và thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân. Bầu cử là sự kiện trọng đại của đất nước và cũng là cũng là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của các em” - thầy Hiếu cho biết thêm.
 
Cầm trên tay tấm thẻ cử tri, Lê Minh Hiếu (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Đà Lạt) cũng không khỏi bồi hồi: Em đã đăng ký bầu cử tại trường bởi em xác định rằng đây là vinh dự và trách nhiệm lớn của bản thân mình. Lần đầu tiên được đi bầu cử những người mà mình tin tưởng sẽ đại diện cho tiếng nói của mình thì cũng khá là lo lắng, hồi hộp. Thông qua mạng xã hội cũng như các buổi mạn đàm do Đoàn trường tổ chức thì em cũng đã hiểu rõ hơn về các ứng viên cũng như các bước tham gia bầu cử. Và em cũng rất là tự hào khi trường mình có người ứng cử đại biểu Quốc hội và mong muốn cô được trúng cử để những vấn đề về giáo dục, học sinh, sinh viên được quan tâm nhiều hơn.
 
Bầu cử là ngày hội lớn của toàn dân, là ngày công dân Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Ý nghĩa này càng trở nên sâu sắc với các bạn trẻ vừa tuổi bầu cử hay khi lần đầu tiên được đi bầu cử. Nhằm bảo đảm cho các cử tri trẻ thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng cũng tăng cường triển khai, quán triệt các văn bản, quy định, hướng dẫn liên quan đến công tác bầu cử thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, qua các trang Facebook, Zalo của Đoàn… nhằm giúp cử tri trẻ thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, cũng như nắm rõ các quy định của bầu cử. 
 
HỒNG THẮM