Đừng để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả

02:03, 31/03/2022
Trong những tháng đầu năm 2022, việc Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ký ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chỉ thị 01 và Công điện số 126/CĐ-TTg về việc đôn đốc triển khai khẩn trương, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp để đưa nền kinh tế phục hồi, phát triển bền vững.
 
Điều đó cũng có nghĩa, không thể chần chừ trong thực hiện nhanh, hiệu quả các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế. Cùng với chính sách tài khóa và tiền tệ, đầu tư công được xem là một trong những giải pháp quan trọng để vực dậy nền kinh tế. Đó cũng chính là lý do mà ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thường xuyên rà soát, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm, tạo tính lan tỏa tới các ngành nghề khác trong nền kinh tế.
 
Năm 2022 là năm “bản lề” có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Đầu tư công tiếp tục được xác định là động lực cho tăng trưởng năm 2022 và giai đoạn sắp tới. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Với tầm quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công phải đươc thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, tránh tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm tất tả”. Để thực hiện được mục tiêu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xác định đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong các năm 2022-2023; thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn...
 
Có thể khẳng định, trong năm 2022, công tác điều hành đầu tư công của Chính phủ sẽ rất quyết liệt. Đặc biệt, bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đơn vị, các cấp, các ngành thì Chính phủ sẽ quyết liệt trong việc quy trách nhiệm rõ ràng, nhất là đối với người đứng đầu trong công tác thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiến độ, chất lượng giải ngân vốn đầu tư công - một trong những yếu tố quan trọng trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
 
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, tổng kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 đã giao 5.674,3 tỷ đồng; ước khối lượng thực hiện quý I/2022 đạt 565 tỷ đồng, đạt 10% kế hoạch, ước số vốn giải ngân 524,5 tỷ đồng, đạt 9,2% kế hoạch. 
 
Tại cuộc họp đánh giá tình hình phát triển KT-XH quý I/2022 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cần quyết liệt trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục rà soát tiến độ triển khai các dự án đầu tư công kế hoạch năm 2022 đảm bảo tiến độ thực hiện, giải ngân hoàn thành kế hoạch vốn được bố trí; trong quý II/2022 giải ngân hết số vốn kéo dài của năm 2021 sang năm 2022; hoàn thành thủ tục đầu tư của các dự án đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và bố trí vốn khởi công mới trong năm 2022 chậm nhất phải hoàn thành trong tháng 6/2022. Rà soát, đề xuất điều chuyển vốn đầu tư của các công trình, dự án chậm tiến độ thực hiện, giải ngân để bố trí cho các công trình, dự án khác, địa bàn khác theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, cụ thể:
 
Trước ngày 30/6/2022, rà soát, lập danh mục các dự án chưa khởi công, chưa lập thủ tục thanh toán tại Kho bạc nhà nước các cấp, tiến độ thi công chậm (khối lượng thực hiện không đạt trên 50% so với số vốn bố trí cho dự án chuyển tiếp hoặc không đạt trên 30% so với số vốn được bố trí cho dự án khởi công mới); tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh điều chuyển vốn cho những dự án khác, địa bàn khác có tỷ lệ giải ngân cao, thiếu vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành.
 
Trước ngày 30/9/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, lập danh mục các dự án chưa khởi công, chưa lập thủ tục thanh toán tại Kho bạc nhà nước các cấp, tiến độ thi công chậm (khối lượng thực hiện không đạt trên 50% so với số vốn đã bố trí cho dự án), báo cáo UBND tỉnh không bố trí kế hoạch vốn năm sau cho dự án, đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra tình trạng chậm trễ tiến độ thực hiện và giải ngân.
 
HÀ XUÂN