Học viện Lục quân: Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong tình hình mới

06:03, 30/03/2022
Để phù hợp với sự phát triển của đất nước và tình hình thế giới, ngày 29/3/2007, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) đã ban hành Nghị quyết số 86 về công tác giáo dục, đào tạo trong tình hình mới. Đây là nghị quyết quan trọng về công tác giáo dục trong quân đội, là kim chỉ nam thực hiện nhiệm vụ của các trường trong quân đội nói chung và Học viện Lục quân nói riêng.
 
Học viện Lục quân trao bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 86 giai đoạn 2007 - 2021
Học viện Lục quân trao bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 86 giai đoạn 2007 - 2021
 
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 86, Học viện Lục quân đã cụ thể hoá thành Nghị quyết số 525 phù hợp với đặc điểm, tình hình của học viện. Từ đây, nghị quyết đã được tuyên truyền rộng và đi sâu vào việc triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo ở Học viện Lục quân. Để thực hiện tinh thần của nghị quyết, Học viện Lục quân đã tập trung triển khai theo các nhóm giải pháp khác nhau.
 
Đơn cử như, công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo cán bộ, nhân viên được triển khai để phù hợp với nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật của học viên và có sự phát triển. Trong quy hoạch, quán triệt quan điểm “động” và “mở”, tích cực, chủ động phát hiện nguồn cán bộ trẻ, có triển vọng, bố trí phương án tối ưu để có sự tích luỹ, chuyển tiếp vững chắc, giữ vững ổn định. Học viện tập trung rà soát, đánh giá thực trạng, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hợp lý. Thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, nhân viên. Do đó, trong 15 năm qua, trình độ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên trong Học viện ngày càng đạt theo tiêu chuẩn quy định. 
 
Học viện Lục quân cũng chú trọng thực hiện nhóm giải pháp đổi mới, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung giáo dục - đào tạo và phương pháp dạy học. Cụ thể, trên cơ sở nắm chắc về chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất hiện có và định hướng cho các năm tiếp theo để làm cơ sở đổi mới, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung, tổ chức phương pháp dạy học với quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện về nội dung của chương trình nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo cán bộ quân sự cấp chiến dịch, chiến thuật trong từng năm học, giai đoạn. Cập nhật kiến thức mới vào chương trình đào tạo, gắn đào tạo theo chức vụ với trình độ học vấn, đảm bảo tính liên thông giữa các trình độ đào tạo, tích hợp các khối kiến thức có liên quan, sát thực tế đơn vị. Tăng tỷ lệ thời gian huấn luyện thực hành, tập trung vào những nội dung người học cần trang bị để đảm nhiệm nhiệm vụ khi ra trường. Theo đó, từ năm 2007 đến nay, Học viện Lục quân đã xây dựng 6 chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chỉ huy - tham mưu cho học viên quốc tế; 16 chương trình đào tạo ngắn hạn và hoàn thiện cán bộ chỉ huy - tham mưu; 1 chương trình hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị; 1 chương trình đào tạo cán bộ cao cấp quân đội Hoàng gia Campuchia… 
 
Ngoài ra, các nhóm giải pháp về hoàn thiện quy hoạch hệ thống cơ quan, đơn vị; kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo; nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo; xây dựng Đảng bộ Học viện và các tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh… cũng đã góp phần quan trọng để Học viện Lục quân thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục đào tạo. 
 
Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 86 tại Học viện Lục quân, Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, khẳng định thời gian qua, Học viện Lục quân đã thực hiện tốt mục tiêu, các nhiệm vụ chính được đề ra trong Nghị quyết số 86 về công tác giáo dục, đào tạo trong tình hình mới, nổi bật là Học viện tập trung đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo theo phương châm: «Cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”, sát thực tế, phù hợp với từng đối tượng; gắn đào tạo tại nhà trường với các hoạt động diễn tập, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Đẩy mạnh ứng dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin trong dạy và học. Công tác quy hoạch, hợp tác quốc tế và kiện toàn đội ngũ cán bộ, giảng viên luôn được Học viện chú trọng. Đặc biệt, sau gần 4 năm đào tạo cao cấp lý luận chính trị, Học viện Lục quân xây dựng được đội ngũ giảng viên có trình độ, kinh nghiệm, đã và đang đào tạo, hoàn chỉnh chương trình và xác nhận trình độ cao cấp lý luận chính trị cho hàng ngàn học viên, trên 94% học viên đạt kết quả học tập khá trở lên. 
 
Trong giai đoạn mới, Thiếu tướng Đỗ Minh Xương - Giám đốc Học viện Lục Quân xác định, Học viện tiếp tục thực hiện việc hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo; tổ chức hoạt động bảo đảm giáo dục - đào tạo hiện đại, đồng bộ, khoa học, thống nhất và hiệu quả. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục. Tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện, vững chắc, thực chất về chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị và kiến thức chuyên sâu, có khả năng thích ứng, đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế, đáp ứng mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần quan trọng xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
NGỌC NGÀ