Trung ương quan tâm giải quyết kiến nghị, chất vấn của đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng

06:08, 03/08/2022
Bám sát hơi thở cuộc sống, lắng nghe kiến nghị cử tri để có tiếng nói chất vấn các bộ, ngành Trung ương tại diễn đàn Quốc hội; đó là trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Lâm Đồng. Tại Kỳ họp thứ ba vừa qua, ngay sau khi có ý kiến kiến nghị, chất vấn của ĐBQH Nguyễn Tạo, các bộ, ngành Trung ương đã có trả lời, giải trình và bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trên tinh thần xây dựng.
 
ĐBQH Nguyễn Tạo chất vấn các bộ, ngành Trung ương về cơ chế, chính sách đặc thù
ĐBQH Nguyễn Tạo chất vấn các bộ, ngành Trung ương về cơ chế, chính sách đặc thù
 
Đại biểu Nguyễn Tạo đặt vấn đề gửi gắm và chất vấn tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV: Cử tri tỉnh Lâm Đồng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng quan tâm nghiên cứu để tỉnh Lâm Đồng cũng tương tự như các tỉnh khác được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý rừng, đất đai mà Quốc hội và Chính phủ đã quyết định, giúp nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo phân cấp, phân quyền của Thủ tướng Chính phủ nhằm thu hút nhiều nguồn lực tài chính đầu tư thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đồng thời góp phần giảm tải thành phần giải quyết và quản lý hồ sơ, thủ tục pháp lý, rút ngắn thời gian tại các cơ quan Trung ương, nâng cao trách nhiệm, năng lực, hiệu quả trong quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư công và tính chủ động của chính quyền địa phương.
 
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có văn bản trả lời ngày 25/4/2022 trên tinh thần hết sức trách nhiệm: Lâm Đồng là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp trên 597.000 ha, chiếm khoảng 61% so với tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh, với dân số trên 1,3 triệu người gồm 43 dân tộc anh em cùng sinh sống. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất chia sẻ khó khăn của địa phương trong việc hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ rừng, môi trường sinh thái, bảo tồn văn hóa với mục tiêu thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế trên địa bàn. 
 
Theo đó, Bộ cũng có ý kiến trả lời chất vấn như sau: Về nguyện vọng của cử tri Lâm Đồng, đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng quan tâm, nghiên cứu để tỉnh Lâm Đồng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý rừng, đất đai mà Quốc hội, Chính phủ đã quyết định cho một số địa phương áp dụng thí điểm. Bộ đề nghị ĐBQH Nguyễn Tạo và Đoàn ĐBQH kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản đề xuất Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép Lâm Đồng được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý rừng, đất đai trên địa bàn theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) phù hợp với điều kiện và đặc thù của tỉnh Lâm Đồng và đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành. 
 
Cũng liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà ngày 29/4/2022 đã có văn bản trả lời ý kiến kiến nghị và trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Tạo như sau: Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư hoặc đơn của người có nhu cầu. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai, nhiều nơi vẫn triển khai chuyển mục đích sử dụng tùy tiện, có nơi còn chuyển mục đích không tuân thủ đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Để bảo vệ quỹ đất trồng lúa, đất có rừng vì mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, Luật Đất đai năm 2013 đã bổ sung quy định tại khoản 1 điều 58 nhằm kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích quỹ đất này. 
 
Theo đó, ngày 13/11/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 35 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, trong đó có phân cấp cho HĐND thành phố Hải Phòng chấp thuận việc sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
 
Nghị quyết số 36 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Nghệ An, trong đó có phân cấp cho HĐND tỉnh Nghệ An chấp thuận việc sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha, đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha, đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. 
 
Nghị quyết số 37 Quốc hội khóa XV quyết nghị về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù tỉnh Thanh Hóa, trong đó có phân cấp cho HĐND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận việc sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha, đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha, đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. 
 
Theo đó, trên cơ sở sơ kết, tổng kết các nghị quyết, Quốc hội sẽ quyết định dừng việc thí điểm này hay mở rộng để triển khai cho các tỉnh khác thì phải chờ xem xét, đánh giá, quyết định tại kỳ họp Quốc hội sắp tới. Trường hợp nếu được Quốc hội cho phép triển khai trên cả nước thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu trong quá trình thực hiện sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.
 
NGUYỆT THU